Hoạt động của ngành

Triển vọng phát triển du lịch ở thôn Ðạ Blah (Lâm Đồng)

Cập nhật: 08/03/2019 14:10:31
Số lần đọc: 1179
Một lần ghé thăm nhà của vợ chồng cậu em ở thôn Ðạ Blah, xã Ðạ Nhim, huyện Lạc Dương, tôi đã khá ngạc nhiên và cảm thấy vô cùng thú vị khi bắt gặp hình ảnh một nhóm du khách người nước ngoài đang cùng với một số thanh niên người dân tộc thiểu số chơi bóng chuyền trên mảnh sân nhỏ nền đất ở giữa làng. Những tiếng cười, cử chỉ thân thiện hòa đồng của khách và người trong làng khiến không khí của ngôi làng ngày hôm ấy trở nên thật sinh động và ấm áp.


Khách du lịch dạo chơi, ngắm những căn nhà gỗ đầy màu sắc ở thôn Đạ Blah. Ảnh: N.T

Thôn Đạ Blah nằm ngay cạnh Quốc lộ 27C, cách cách trung tâm xã Đạ Nhim chỉ khoảng 1 km nhưng chỉ cần vài bước chân ra khỏi ranh giới quốc lộ rẽ vào làng thôi thì không khí, cảnh vật và con người trong thôn đã mang đến một cảm giác hoàn toàn khác - bình yên và đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Cil.

Ngôi làng đậm bản sắc văn hóa

Đạ Blah có 140 hộ dân, hầu hết là người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Điều đáng quý và khiến Đạ Blah trở nên khác biệt so với nhiều thôn dân tộc thiểu số khác đó là người dân sống khá văn minh, nhưng vẫn giữ được bản sắc truyền thống của dân tộc mình. Họ sống gần gũi với thiên nhiên, nhà nhỏ nhưng xung quanh là cây cối và hoa cỏ. Hầu hết nhà cửa trong thôn được xây dựng theo kiểu nhà đặc trưng của người đồng bào với cách xây nhà, tạo hình hoa văn trên gỗ là chủ yếu. Cửa sổ, màu sắc nhà rất đặc trưng không lẫn vào đâu được. Trước mỗi căn nhà là những bụi cây cảnh, cụm hoa, những gốc cây tạo tán trước cổng rất đẹp và sinh động. Chỉ cần nhìn lướt qua ngôi làng, có thể nhận diện được rằng, người trong làng có thẩm mỹ cao, sống khá lãng mạn và yêu thiên nhiên. 

Chị Trần Thu Hà, 36 tuổi, du khách đến từ Sài Gòn cho biết: “Tôi đến Đạ Blah đã rất nhiều lần. Ngoài vì sự hoang vu của núi rừng ở địa phương này, còn bởi tôi rất thích văn hóa, nếp sống và sự bình yên của ngôi làng. Tôi rất ấn tượng với thiết kế của những căn nhà trong thôn và muốn tìm hiểu xem liệu có quy tắc, quy chuẩn truyền thống nào đó được truyền nối trong lĩnh vực xây dựng và phối màu sắc cho nhà cửa hay không. Tôi  được gặp già làng hơn trăm tuổi và nghe già kể về sự hình thành ngôi làng, những câu chuyện về cồng chiêng, về văn hóa sống cộng đồng, sự đoàn kết của người K’Ho rất thú vị. Tôi cũng rất thích cách thức họ tổ chức, họ vun vén từng góc sân, góc hiên trước nhà cho thấy họ rất yêu thiên nhiên. Họ cũng rất thân thiện và sẵn sàng trò chuyện, giới thiệu về làng khi tôi hỏi. Còn rất nhiều những câu chuyện về văn hóa ở đây tôi muốn tìm hiểu và tôi sẽ còn quay lại”. 

Còn anh Mark Steeson, 49 tuổi, người Scotland chia sẻ: “Tôi cũng với bạn gái đi qua cùng đường này rất nhiều lần rồi, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi biết đến Đạ Blah và ghé vào. Hôm nay là ngày thứ hai chúng tôi đến đây. Nơi đây, cho chúng tôi cảm giác rất thân thiện và thoải mái. Người dân hiền lành, vui vẻ. Tôi thích đi dạo trong làng, gặp gỡ người dân, quan sát và chụp lại hình ảnh những phụ nữ giã gạo, cảnh thu hái cà phê, hình ảnh bà con quây quần trò chuyện vào buổi chiều tối trước hiên nhà. Tôi đặc biệt rất thích các vật dụng làm từ cỏ cây của họ như gùi, cối giã gạo bằng gỗ. Người dân mỗi khi gặp chúng tôi đi ngang qua họ đều chào hỏi một cách rất tự nhiên, thân thiện. Nếu như có thêm không gian sinh hoạt cộng đồng vào buổi tối như một số làng ở Đắk Lắk mà chúng tôi đã từng đến tham quan để có thể hòa mình vào văn hóa cồng chiêng của người dân trong thôn nữa thì chắc chắn sẽ rất hấp dẫn du khách”. 

Cần hỗ trợ và định hướng

Có thể nói, du lịch văn hóa đã từ lâu và chắc chắn sẽ mãi là dòng sản phẩm du lịch cơ bản để hấp dẫn du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài. Đối với những nơi có chiều sâu văn hóa như thôn Đạ Blah thì du lịch nếu được định hướng và tổ chức bài bản, sẽ trở thành một trong những thế mạnh nổi trội, góp phần thúc đẩy kinh tế các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trong thôn. 

Ở nước ta, chủ trương phát triển du lịch trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã được thể hiện trong các Nghị quyết về phát triển du lịch từ Trung ương đến địa phương và tỉnh ta cũng đang xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cùng với du lịch canh nông, du lịch văn hóa đang là hướng đi để thu hút du khách, nhất là du khách nước ngoài. 

Có thể thấy rằng, với địa hình chủ yếu là núi, cách Đà Lạt khoảng 30 km, nằm trên cung đường nối biển và hoa, gần Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà với hệ động thực vật phong phú còn lưu giữ được các hệ sinh thái rừng nguyên sinh gắn liền với nét văn hóa truyền thống, thôn Đạ Blah với những đặc trưng văn hóa và vị thế về địa lý như trên hoàn toàn có thể trở thành một điểm du lịch hấp dẫn. 

Khi được hỏi rằng liệu có muốn làng mình trở thành một điểm du lịch hay không, nhiều người từ già đến trẻ nơi đây đều có chung một ý rằng, nếu phát triển du lịch mà giúp tăng thu nhập thì họ sẵn sàng. 

Tuy nhiên, làm gì để biến tiềm năng du lịch văn hóa dân tộc của thôn trở thành hiện thực và đảm bảo tính bền vững cả về văn hóa truyền thống lẫn yếu tố kinh tế cho người dân thì rất cần sự khảo sát thật kỹ từ phía địa phương và ngành du lịch nhằm đưa ra những giải pháp cụ thể, hợp lý nhất. 

 “Phát triển du lịch văn hóa là tốt. Bà con cũng mong muốn điều đó. Hiện tại, từ nhu cầu thực tế, đã có những hộ gia đình tự đầu tư mở dịch vụ lưu trú đón khách đến làng tìm hiểu văn hóa của làng Đạ Blah chúng tôi và họ tha thiết muốn ở lại. Điều này cho thấy làng có tiềm năng về du lịch văn hóa. Tuy nhiên, để bảo đảm vừa phát triển du lịch, tăng kinh tế cho các hộ gia đình, vẫn bảo tồn được văn hóa, bản sắc của bà con trong thôn thì cần tổ chức tập huấn hỗ trợ bà con làm du lịch, khôi phục một số ngành nghề truyền thống, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho tất cả mọi người về tầm quan trọng của việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thì mới có thể phát triển lâu dài được” - già làng K’Hai chia sẻ./.

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Cùng chuyên mục