Non nước Việt Nam

Ý nghĩa một số họa tiết, hoa văn trên trống đồng

Cập nhật: 13/05/2021 09:41:30
Số lần đọc: 2947
Trống đồng là biểu tượng tiêu biểu cho nền văn hóa, văn minh, quyền lực, tôn giáo; trống thường dùng trong các nghi lễ tôn giáo, trong lễ hội và trong chiến tranh khi người thủ lĩnh bộ lạc sử dụng trống kêu gọi mọi người từ khắp nơi tụ về để cùng chiến đấu. Người thủ lĩnh có quyền lực càng lớn thì trống càng to và đẹp. Không chỉ có vậy mà trống đồng còn là một tác phẩm tạo hình vô cùng tiêu biểu của văn hóa Việt Nam, cũng được coi là một tài sản quí và được chôn theo khi người chủ qua đời.  


Phần mặt trống thường được trang trí họa tiết hoa văn hình mặt trời, cỏ cây, hoa lá, hình chim, hình cá, con cóc, hay hình hạt thóc... Đây là những hoa văn thể hiện đời sống sinh hoạt của cư dân nông nghiệp. 

Trống đồng và những hình khắc họa tiết trên trống giúp con người ngày nay hình dung được đôi nét về cuộc sống của người Việt cổ. Hoa văn trên trống đồng rất đa dạng và phong phú, mỗi họa tiết hoa văn trên trống đều mang ý nghĩa riêng, được thể hiện trên mặt trống, tang trống và thân trống, khắc họa những nét văn hóa của người Việt cổ thời xa xưa. 

Giữa mặt trống là biểu tượng hình ngôi sao đúc nổi từ 8 cánh sao đến 16 cánh sao (số cánh sao thường được đúc số chẵn: 8, 12, 14 và 16). Ngoài ra biểu tượng này cũng được thể hiện như là biểu tượng của hình mặt trời, các cánh tượng trưng cho những tia sáng của mặt trời. Đây là tín ngưỡng thờ thần mặt trời của cư dân gắn với nền nông nghiệp trồng lúa nước, bởi mặt trời là vị thần có quyền năng siêu việt, ban phát sự sống cho muôn loài. Chính vì thế trên mặt trống đồng, biểu tượng mặt trời được đặt ở vị trí chính giữa, trung tâm, tỏa ánh sáng ra xung quanh nuôi dưỡng muôn loài. Xung quanh mặt trống thường là những vòng tròn đồng tâm, mỗi vòng tròn được ví như một vành hoa văn khắc họa các hình ảnh như: Cỏ cây, hoa lá, hình chim, cá, voi, bò, ốc, hình người cách điệu... và hoa văn hình học như: Các hình chấm nhỏ, dấu thẳng hàng, vạch chéo và vạch thẳng song song, hình răng cưa, vòng tròn, hình chữ S, vòng chỉ trơn, tạo nên một bức tranh phác họa những cảnh sinh hoạt, chiến đấu..., của cư dân thời bấy giờ.

Đối với Trống Heger II, III vành ngoài cùng của mặt trống thường được trang trí các khối tượng cóc. Đây cũng là một biểu tượng đại diện cho quyền năng làm mưa gắn với tục cầu mưa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, năm nào hạn hán mà nghe thấy tiếng cóc nghiến răng thì ắt hẳn trời mưa to, người dân sẽ được mùa, bội thu. Ngoài biểu tượng con cóc còn một biểu tượng khác là con nai và con gà. Nếu trời mưa dầm dề mà thấy đàn nai chạy xuống đồng thì ắt hẳn trời nắng. Năm nào nắng nóng mà nai lại chạy xuống đồng thì năm đó mất mùa vì khô hạn. Hoặc như hình con gà là biểu tượng cho quyền năng gọi ánh sáng. Ngoài những hoa văn trên, ở rìa mặt trống có một số vết của những hòn kê còn để lại khi đúc trống.

Phần tang trống là đoạn tiếp giáp với mặt trống, các họa tiết trang trí ở phần này đơn giản hơn mặt trống, thường là hoa văn hình học như: Hình chấm, chấm hỏi, hình vạch song song, hình thoi, hình răng cưa,... tạo nên những vành hoa văn rất đặc trưng. Trên tang trống gồm 02 cặp quai trống đối xứng nhau và thường làm theo hình chữ U, có họa tiết theo kiểu vặn dây thừng, gân sọc hoặc để trơn.

Từ những ý nghĩa, những giá trị về lịch sử, văn hóa mà Trống đồng đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của nền văn hóa dân tộc Việt Nam, là điểm hội tụ hồn thiêng dân tộc được hình thành từ thời Hùng Vương dựng nước và được tích tụ tinh hoa văn hóa dân tộc. Trống đồng là sản phẩm trí tuệ của người Việt cổ minh chứng cho một thời kỳ lịch sử rằng Tổ tiên ta đã vượt lên những khắc nghiệt của thiên nhiên bằng sự dũng cảm, thông minh và sáng tạo hiếm có, đã tạo nên kỹ thuật luyện kim đồng thau mang đậm yếu tố bản địa của người Việt - tạo nên nền văn hóa đồng thau vào loại bậc nhất ở Đông Nam châu Á. Những chiếc trống đồng tượng trưng cho thời kỳ kim khí cực thịnh của người Lạc Việt, đánh dấu một bước tiến khá dài về tư duy sáng tạo, những giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ của người Lạc Việt thời xưa.

Hiện nay Bảo tàng  tỉnh Điện Biên đang lưu giữ gần bốn mươi chiếc trống đồng cổ, được phát hiện trong quá trình lao động sản xuất của người dân ở địa phương. Trong đó phát hiện và tìm thấy tại bản Co Sáng xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng; bản Nà Hỳ, xã Thanh Nưa, thành phố Điện Biên Phủ…

Trống đồng ở Điện Biên đã khẳng định những giá trị về những nét văn hóa truyền thống, giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Nhằm nâng cao hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của trống đồng nói riêng, di sản văn hoá của dân tộc Việt Nam nói chung, Bảo tàng tỉnh Điện Biên sẽ nỗ lực hơn nữa trong công tác bảo quản, trưng bày, giới thiệu và phát huy giá trị của Trống đồng cũng như các hiện vật đang có của bảo tàng.

 

Nguồn: http://svhttdldienbien.gov.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT