Hoạt động của ngành

Du lịch Hòa Bình khẳng định chỗ đứng trong lòng du khách

Cập nhật: 12/10/2010 09:10:01
Số lần đọc: 3711
Những năm gần đây, cái tên Hòa Bình đã trở nên quen thuộc và là sự lựa chọn của nhiều du khách gần, xa. Du lịch Hòa Bình liên tục giữ được mức tăng trưởng khá ấn tượng.

Nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc của tổ quốc, Hòa Bình có nền “Văn hoá Hoà Bình” nổi tiếng trong nước và thế giới. Điều kiện thiên nhiên và bề dày lịch sử văn hoá đã tạo ra tiềm năng du lịch hấp dẫn và phong phú. Mảnh đất âm vang tiếng cồng, tiếng chiêng, rộn ràng với trên 30 lễ hội cộng đồng dân tộc Mường, Dao, Thái, Mông... Cái nôi của người Việt cổ với 4 mường nổi tiếng “Bi, Vang, Thàng, Động”. Trên địa bàn tỉnh hiện có 37 di tích cấp quốc gia, 18 di tích cấp tỉnh cùng nhiều danh lam thắng cảnh đẹp mê say lòng người. Ngoài ra còn có trên 50 bản, làng du lịch – văn hóa, có giá trị cao về du lịch cộng đồng.

 

Xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng, Tỉnh ủy đã có Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 21/8/2007 về phát triển du lịch giai đoạn 2007 – 2010, định hướng đến năm 2015. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quán triệt tới cán bộ, đảng viên và tuyên truyền phổ biến sâu rộng tới nhân dân các dân tộc. UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chương trình chỉ đạo tổ chức triển khai. Đã xây dựng Quy hoạch phát triển du lịch hồ Hòa Bình thời kỳ 2006 – 2020 được Bộ VH-TT&DL phê duyệt là khu du lịch nghỉ dưỡng, thể thao Quốc gia. Ban chỉ đạo của tỉnh về du lịch được kiện toàn. Đặc biệt đã thành lập được Hiệp hội du lịch tỉnh với trên 90 hội viên, bước đầu hoạt động hiệu quả. Sở VH-TT&DL đã phối hợp với Công an tỉnh xây dựng Quy chế phối hợp bảo vệ an ninh, TTATXH trong hoạt động kinh doanh du lịch; xây dựng kế hoạch quản lý, khai thác di sản văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; kế hoạch hưởng ứng chương trình hành động của ngành nhằm tăng cường thu hút khách quốc tế, thúc đẩy khách nội địa đến Hòa Bình. Tỉnh cũng đã tham gia chương trình liên kết phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng. Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch được quan tâm. Hàng năm, tổ chức thành công các lễ hội truyền thống thu hút đông đảo khách thập phương như lễ hội Chùa Tiên (Lạc Thủy), Khai Hạ (Tân Lạc), Xên Bản Xên Mường (Mai Châu)... Các tuyến, điểm du lịch, vẻ đẹp thiên nhiên và bản sắc văn hóa Hòa Bình đã được quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và T.Ư. Đồng thời, xây dựng các biển quảng cáo tấm lớn, tham gia các liên hoan, hội chợ, chương trình kích cầu du lịch; xuất bản trên 2.500 cuốn sách, 6.500 tập gấp, 4.000 bản đồ du lịch Hòa Bình. Song song với đó là tích cực khảo sát, nghiên cứu xây dựng các tour, tuyến, sản phẩm du lịch mới.

 

Nghị quyết ra đời đã tạo cho các địa phương xác định phát triển du lịch là động lực phát triển kinh tế. Qua đó, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Hiện đã có trên 70 dự án đầu tư với số vốn đăng kí gần 10.000 tỉ đồng. Toàn tỉnh có trên 180 điểm, khu, cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 23 khách sạn từ 1 – 3 sao, tạo việc làm cho gần 1.300 lao động.  Hệ thống vận tải đường bộ, đường sông, nhiều hãng xe khách, taxi ra đời thuận lợi cho vận chuyển du khách. Nhờ đó, lượng khách du lịch đến với Hòa Bình ngày càng nhiều, doanh thu tăng. Để phát huy tiềm năng, phát triển du lịch nhanh, bền vững, theo ông Ngô Trọng Thược, cần ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng, CSVC kỹ thuật du lịch. Có cơ chế, chính sách thu hút mạnh các thành phần kinh tế đầu tư, phát triển khu du lịch nghỉ dưỡng, thể thao hồ Hòa Bình. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ; gắn phát triển du lịch với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc và bảo vệ môi trường.

Nguồn: Báo Hòa Bình

Cùng chuyên mục