Hoạt động của ngành

Liên kết trong phát triển du lịch giữa Hải Dương và Hà Nội

Cập nhật: 13/10/2010 10:30:25
Số lần đọc: 3072
Với tính chất là ngành kinh tế có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, sự phát triển du lịch không chỉ "bó" trong một lãnh thổ mà luôn vươn ra khỏi phạm vi hành chính một địa phương, một quốc gia, một khu vực. Việc liên kết phát triển du lịch giữa các lãnh thổ khác nhau cho phép khai thác những lợi thế tương đối của nhau về tài nguyên du lịch, về vị trí trong giao thương, về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và các nguồn lực khác cho phát triển du lịch.
Việc liên kết phát triển du lịch giữa các chủ thể hành chính còn tạo nên khả năng cạnh tranh cao hơn đối với các bên liên quan nhằm thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch đến mỗi địa bàn. Đây là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch trong cơ chế thị trường.

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 1995-2010 và định hướng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 đã xác định trung tâm du lịch Hà Nội và phụ cận là một trong 7 địa bàn trọng điểm của du lịch Việt Nam. Hải Dương là một trong những địa phương nằm trong địa bàn này. Vì vậy, sự liên kết giữa Hải Dương và Hà Nội có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển du lịch của địa bàn tương xứng với vị trí đã được xác định trong tổ chức lãnh thổ Việt Nam. Sự liên kết giữa Hải Dương và Hà Nội trong phát triển du lịch sẽ có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với phát triển du lịch mà còn với phát triển kinh tế - xã hội của 2 địa phương.

Với lợi thế có cửa khẩu hàng không quốc tế lớn nhất ở khu vực phía Bắc, Hà Nội là trung tâm trung chuyển, phân phối khách du lịch quốc tế chính ở khu vực phía Bắc nói chung và ở vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng. Trong bối cảnh hoạt động lữ hành của du lịch Hải Dương còn hạn chế, việc liên kết sẽ cho phép Hải Dương khai thác tốt hơn nguồn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam hoặc từ các khu vực khác qua Hà Nội. Là trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật của cả nước, Hà Nội là địa phương có tiềm lực về đầu tư, nghiên cứu và đào tạo. Đây lại là hạn chế của du lịch Hải Dương tại thời điểm này. Chính vì vậy, sự liên kết giữa Hải Dương với Hà Nội sẽ cho phép Hải Dương có được sự hỗ trợ về đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch, đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch và bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử trên địa bàn Hải Dương.

Việc liên kết du lịch với Hà Nội, trung tâm du lịch của vùng, Hải Dương sẽ dễ dàng hơn trong kết nối các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh với hệ thống tuyến - điểm du lịch chung của các địa phương trong trung tâm du lịch Hà Nội và phụ cận nói riêng và vùng du lịch Bắc Bộ nói chung.

Với lợi thế về tài nguyên du lịch, đặc biệt là tài nguyên du lịch nhân văn mà điển hình là khu danh thắng Côn Sơn - Kiếp Bạc; hệ thống di tích các danh nhân và các giá trị văn hóa tiêu biểu của nền văn minh lúa nước vùng đồng bằng sông Hồng, sự liên kết giữa Hải Dương và Hà Nội sẽ cho phép Hà Nội có được những sản phẩm du lịch khác với những gì mình đang có để không chỉ cho phát triển du lịch Hải Dương mà còn cho chính du lịch Hà Nội.

Liên kết với Hải Dương, Hà Nội sẽ có cơ hội mở rộng được không gian du lịch phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí và nghỉ cuối tuần của người dân Thủ đô vốn đang rất lớn hiện nay. Đón bắt nhu cầu này, dự thảo điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hải Dương đến năm 2020 đã đề xuất việc xây dựng khu vui chơi giải trí tầm cỡ vùng và khu nghỉ dưỡng (resort) "Làng quê Việt", nơi du khách, đặc biệt từ thị trường Hà Nội, có thể vui chơi, giải trí và nghỉ dưỡng với những sản phẩm du lịch đậm chất văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng.

Tuy nhiên, cho đến nay, Hải Dương và Hà Nội chưa có sự hợp tác chính thức nào về du lịch. Một số điểm du lịch của Hải Dương như làng rối nước Hồng Phong, làng gốm Chu Đậu v.v… trên tuyến du lịch Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Quảng Ninh được một số công ty du lịch lữ hành Hà Nội khai thác đưa vào các "tua" du lịch của mình một cách tự phát. Những điểm du lịch này chưa được đầu tư tôn tạo và phát triển tương xứng bởi chưa có được sự quan tâm của cả du lịch Hải Dương và Hà Nội.

Để có thể thiết lập và đẩy mạnh hợp tác liên kết du lịch giữa Hải Dương và Hà Nội, trong thời gian tới cần quan tâm thực hiện một số vấn đề sau: Tổ chức một số diễn đàn để trao đổi, thống nhất nhận thức về sự cần thiết liên kết trong phát triển du lịch giữa Hải Dương và Hà Nội. Trên cơ sở thống nhất về nhận thức, quan điểm và những nguyên tắc hợp tác, cả 2 bên sẽ cùng nhau xây dựng một chương trình hành động cụ thể để từng bước đưa liên kết vào thực tiễn. Nội dung của chương trình hành động này cần tập trung đối với những lĩnh vực mà 2 bên cùng quan tâm như: Hợp tác xây dựng sản phẩm và hệ thống tuyến điểm du lịch chung, đặc biệt chú trọng đến các sản phẩm du lịch đặc thù của Hải Dương. Hợp tác trong nghiên cứu thị trường và xúc tiến quảng bá du lịch "2 địa phương - một điểm đến" với tư cách là một "cụm" du lịch thuộc du lịch vùng đồng bằng sông Hồng. Hợp tác trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch, theo đó Hà Nội sẽ hỗ trợ Hải Dương về chương trình đào tạo, giảng viên. Hợp tác trong khuyến khích các nhà đầu tư Hà Nội tìm hiểu, đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật và sản phẩm du lịch tại Hải Dương. Hợp tác liên kết hoạt động lữ hành; trong chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về quản lý  du lịch… Xây dựng một số dự án tiền khả thi về nâng cấp hạ tầng du lịch tại những địa điểm du lịch trên địa bàn Hải Dương và Hà Nội mà cả 2 bên cùng quan tâm, trình Tổng cục Du lịch và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào kế hoạch hỗ trợ như một phần thực hiện chiến lược phát triển địa bàn trọng điểm du lịch quốc gia là trung tâm du lịch Hà Nội và phụ cận.

PGS.TS PHẠM TRUNG LƯƠNG
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch Việt Nam
Nguồn: Báo Hải Dương

Cùng chuyên mục