Hoạt động của ngành

Nghệ An: Khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch

Cập nhật: 18/10/2010 15:10:03
Số lần đọc: 2112
Nghệ An được xác định là tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch, với hơn  1.000 di tích lịch sử, trong đó có 131 di tích được xếp hạng quốc gia; 82km bờ biển, có nhiều bãi tắm đẹp, nhất là bãi tắm Cửa Lò - một trong những bãi tắm đẹp nhất vùng biển phía Bắc Việt Nam...

có 12.000km2 rừng núi, với nhiều khu rừng nguyên sinh đáp ứng nhu cầu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, leo núi..., đặc biệt, Vườn quốc gia Pù Mát, khu bảo tồn rừng nguyên sinh Pù Hoạt là những kho tàng bảo tồn đa dạng về sinh học rất hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế...

Từ tiềm năng...


Nói đến du lịch Nghệ An, không thể không nói đến du lịch văn hóa - lịch sử. Tỉnh ta có trên 1.000 di tích lịch sử VH, trong đó có 131 di tích đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia, đặc biệt là Di tích Kim Liên, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Nằm giữa các Trung tâm du lịch của cả nước (Hạ Long - Hà Nội - Huế - Mỹ Sơn - Hội An - TP Hồ Chí Minh), Nghệ An có thuận lợi là vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, nằm trên tuyến đường bộ, đường sắt xuyên Việt, có cảng biển Quốc tế Cửa Lò, sân bay Vinh, nằm trên tuyến giao thông quốc tế xuyên Việt qua Thái Lan, Lào theo đường 7 và đường 8 - là tuyến hành lang Đông Tây rất quan trọng trong phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng của 3 nước Việt Nam - Lào - Thái.


Những năm qua, tỉnh đã tập trung đầu tư, khai thác trung tâm du lịch biển Cửa Lò. Nếu như những năm đầu thập niên 90, Cửa Lò mới là những làng chài bé nhỏ, nguồn sống chủ yếu là đánh bắt hải sản ven bờ, chưa có khái niệm phát triển du lịch, thì nay, Thị xã Cửa Lò đã có 222 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 1 khách sạn 4 sao, 1 khách sạn 3 sao và 9 khách sạn 2 sao, có 6.500 lao động trong ngành Du lịch, có khả năng đón, phục vụ 14 ngàn khách lưu trú/ngày.


Hàng năm, riêng đầu tư cho các công trình du lịch đã lên tới hàng tỷ đồng, trong đó nhiều công trình đã trở thành điểm nhấn như: Quảng trường Bình Minh, Nhà thi đấu Thị xã, đảo Song Ngư, dự án sân Golf gắn với khách sạn nhà nghỉ cao cấp của Công ty CP Golf biển, Trường ĐH tư thục CN Vạn Xuân,... cùng với đó là hệ thống thảm cỏ xanh mát, hệ thống kiot được quy hoạch sạch đẹp phía đông đường Bình Minh - con đường chính vào Thị xã... là những sắc màu tạo nên vẻ đẹp riêng cho Cửa Lò. Để góp phần vào công tác phục vụ du khách, từ năm 2005, Cửa Lò đã kịp hình thành nhiều tour du lịch hấp dẫn như Cửa Lò - quê Bác; Cửa Lò - sông Lam - đền Củi; Cửa Lò - Vinh - Khu di tích Kim Liên - rừng nguyên sinh Pù Mát; du thuyền vãn cảnh đảo Lan Châu - động Rùa - đảo Tiên...


Năm 2009, Thị xã đã phối hợp mở thêm một số tuyến mới để phục vụ du khách như Cửa Lò - cửa khẩu Cầu Treo - Lạc Xao; Cửa Lò - Bãi Lữ... Khách đến với Cửa Lò ngoài thưởng thức những món ăn đặc sản biển, được ngâm mình trong nước biển mát trong, còn có thể tham gia các hoạt động thể thao như bơi, lặn, lướt sóng, bóng chuyền bãi biển, môtô nước... hay thăm quan các khu chợ đêm chuyên bán hàng hải sản tươi, khô, hoặc ghé thăm các làng nghề đóng tàu thuyền Nghi Thiết, nghề đan Nghi Xuân, nghề chế biến hải sản Nghi Hải, cơ sở chế tác đồ lưu niệm của Xí nghiệp Thanh niên Cửa Hội...


Khu du lịch Nam Đàn, trọng tâm là Khu di tích LS VH Kim Liên - được Nhà nước xếp hạng Di tích đặc biệt quốc gia, hàng năm có trên 2 triệu lượt khách về thắp hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm viếng mộ cụ Hà Thị Hy - bà nội của Bác Hồ, thăm viếng mộ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Bác Hồ. Hiện nay dự án "Bảo tồn tôn tạo Khu DTLS VH Kim Liên gắn với phát triển du lịch" đã đi vào giai đoạn cuối cùng.


Sau khi dự án hoàn thành, cơ sở hạ tầng sẽ được nâng cấp xứng đáng với tầm vóc và ý nguyện của nhân dân cả nước, đồng thời sẽ là cơ sở dịch vụ du lịch có hiệu quả. Song song với thực hiện dự án tôn tạo khu di tích, lễ hội Làng Sen, lễ hội Vua Mai và nhiều lễ hội khác trên địa bàn đã được tổ chức hàng năm ngày một quy mô, góp phần đưa du khách về với Nam Đàn, với Nghệ An ngày càng đông hơn.


Với cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái đặc biệt hấp dẫn, lại có vị trí thuận lợi, Vườn quốc gia Pù Mát là địa chỉ du lịch hấp dẫn lớn có sức thu hút khách trong nước và quốc tế. Ngoài ra, việc quy hoạch phát triển du lịch vùng Quỳ Châu - Quế Phong cũng đang được tiến hành.


Đây là vùng có nhiều sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử, việc quy hoạch nhằm bảo tồn các làng văn hoá dân tộc Thái cổ, phát triển du lịch hang động, du lịch sinh thái, du lịch lễ hội các dân tộc.

 

Cách đây hơn nửa thế kỷ, vua Bảo Đại đã đến Hang Bua tổ chức hội thi người đẹp, thi dệt thổ cẩm và săn bắn, từ đó hình thành lễ hội hang Bua hàng năm của đồng bào các dân tộc 6 huyện trong vùng. Hiện lễ hội Hang Bua là một trong những lễ hội quan trọng vào dịp đầu Xuân năm mới của tỉnh.


Đến định hướng lâu dài...


Nếu như năm 1994 toàn tỉnh mới có 35 cơ sở lưu trú du lịch (trong đó 17 cơ sở là nhà khách, nhà nghỉ) với 1.000 buồng, 2.274 giường thì đến cuối năm 2009 đã có 439 cơ sở lưu trú du lịch với 9.808 phòng, 19.199 giường. Quy mô và chất lượng cơ sở lưu trú ngày càng được đầu tư tốt hơn.

Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 3 khách sạn và khu Resort đạt tiêu chuẩn  4 sao, 8 khách sạn 3 sao, 16 khách sạn 2 sao và 8 khách sạn 1 sao. Lượng khách và doanh thu du lịch liên tục tăng: năm 1996 đạt 324.386 lượt người, năm 2009 đạt 3,1 triệu lượt người và 8 tháng đầu năm 2010 toàn ngành đón và phục vụ 2.131 triệu lượt khách lưu trú.


Doanh thu du lịch năm 1996 đạt 35,6 tỷ đồng, đến năm 2009 đạt 778 tỷ đồng và 8 tháng đầu năm 2010 đạt trên 789 tỷ đồng, tăng 30%, trong đó doanh thu khách quốc tế đạt gần 10,4 triệu USD. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật du lịch không ngừng được đổi mới và hiện đại hoá, nhất là về thông tin liên lạc, đường giao thông, điện, cấp thoát nước.


Đến nay, hệ thống đường giao thông đến các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh đã được đầu tư xây dựng và nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị lữ hành xây dựng và phát triển nhiều tour du lịch hấp dẫn. Du lịch phát triển đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo việc làm và thu nhập cho các tầng lớp dân cư, nâng cao dân trí, cải thiện môi trường sinh thái, tạo vẻ đẹp  cảnh quan đô thị và góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.


Du lịch Nghệ An đang từng bước hoà nhập với du lịch cả nước và hội nhập với du lịch khu vực, thế giới, phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội. Du lịch Nghệ An đang phấn đấu đạt các chỉ tiêu: Lượng khách quốc tế đến năm 2015 đạt 341.000 lượt khách, năm 2020 đạt 701.000 lượt; lượng khách nội địa đến năm 2015 đạt được 4,5 triệu lượt; năm 2020 đạt 8,1 triệu lượt. Doanh thu du lịch năm 2015 đạt 461 triệu USD, năm 2020 là 1.173 triệu USD.


Để đạt các chỉ tiêu trên, Du lịch Nghệ An cần tập trung phát triển theo hướng có chất lượng, có thương hiệu, chuyên nghiệp, hiện đại; khai thác tối đa nguồn lực và lợi thế của tỉnh. Xây dựng hệ thống sản phẩm, loại hình du lịch đặc trưng và chất lượng cao trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc. Trong đó, ưu tiên phát triển du lịch biển là thế mạnh nổi trội của tỉnh, kết hợp phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng... Liên kết phát triển sản phẩm du lịch làng nghề.


Đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, tắm biển, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, nghỉ cuối tuần, công vụ, mua sắm... Đối với thị trường quốc tế tập trung thu hút phát triển mạnh thị trường khách Thái Lan, Lào, Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Đông Nam Á và Thái Bình Dương (Singapore, Malaysia, Indonesia, Australia). Trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, tập trung đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm.


Tăng cường đầu tư cho kết cấu hạ tầng, xúc tiến quảng bá. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và ứng dụng khoa học công nghệ. Phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu về chất lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo để đảm bảo tính chuyên nghiệp, đủ sức cạnh tranh và hội nhập khu vực, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Nguồn: Báo Nghệ An

Cùng chuyên mục