Đánh thức du lịch Sông Cầu – Phú Yên
TX Sông Cầu có bờ biển dài gần 80km, có phong cảnh rất đẹp quanh vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông. Đây là những thuận lợi để phát triển các loại hình dịch vụ du lịch vui chơi, nghỉ dưỡng, tắm biển, câu cá, thể thao... Bên cạnh đó, rừng núi có nhiều suối, hang động, thác nước đẹp, thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái. Đặc biệt, Sông Cầu nằm ở vị trí rất thuận lợi, có hai quốc lộ 1A, 1D đi qua, có tuyến ĐT 644 nối Sông Cầu - Đồng Xuân, tương lai sẽ nối với tỉnh Gia Lai và giáp với TP.Quy Nhơn, khu kinh tế Nhơn Hội (tỉnh Bình Định).
Phát huy tiềm năng đó, Sông Cầu đã chú trọng quy hoạch phát triển du lịch. Ngoài 8 điểm du lịch do tỉnh quy hoạch là: Long Hải (10ha) - Xuân Yên, Bãi Tràm (70ha) - Xuân Cảnh, Bãi Ôm (18ha) - Xuân Phương, Đồng Bé (30ha) - Xuân Thịnh, Bãi Bàng (20ha), Bãi Bầu (10ha), Bãi Rạng (30ha), làng du lịch thôn 4 ở xã Xuân Hải (100ha), thị xã cũng đã xác định một số điểm du lịch khác như: Nhất Tự Sơn (phường Xuân Thành), khu Bãi Tiên (xã Xuân Cảnh), đập Thạch Khê, Suối Mơ, di chỉ Cồn Đình (xã Xuân Lộc), di chỉ Gò Ốc (xã Xuân Bình), bãi tắm biển phía đông Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu, di tích Hành cung Long Bình, Hòn Nần, Hòn Hương, núi Yên Beo, làng cổ Diêm Trường, Miếu Công thần. Đồng thời, đã hình thành 2 tuyến du lịch (tuyến một: vịnh Xuân Đài - đầm Cù Mông và vùng phụ cận; tuyến hai: Tuy Hòa - Sông Cầu - vùng Đông Bắc Sông Cầu - Bình Định).
Những năm qua, tranh thủ từ nhiều nguồn vốn, TX Sông Cầu đã đầu tư xây dựng và nâng cấp kết cấu hạ tầng quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển dịch vụ, du lịch như các tuyến đường Xuân Bình - Xuân Hải, Tam Giang - Mỹ Hải, Trung Trinh - Vũng La, Phú Dương - Vịnh Hòa, Hòa Phú - Hòa An, Hòa Phú - Hòa Thạnh, Hòa Mỹ - Hòa Lợi, Khu lấn biển Long Hải… Bên cạnh đó, nước mắm Gành Đỏ, đan bóng cá Hòa Thạnh, phơi sấy cá cơm Hòa An… được UBND tỉnh công nhận làng nghề, góp phần phục vụ phát triển du lịch của địa phương. Công tác bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng được coi trọng. Thị xã đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận di tích văn hóa - lịch sử Hành cung Long Bình, Mộ và đền thờ Đào Trí, lập hồ sơ đề nghị công nhận vịnh Xuân Đài là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia và là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới, nâng hội thi Sông nước Tam Giang thành lễ hội, Câu lạc bộ Tuồng thành Đoàn Tuồng TX Sông Cầu... để thu hút khách du lịch đến với Sông Cầu.
Tuy nhiên, hoạt động du lịch của TX Sông Cầu trong những năm qua phát triển chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế, nhất là du lịch biển. Để khắc phục những tồn tại trên, thúc đẩy du lịch Sông Cầu phát triển nhanh, cần phải thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chính sau đây:
Thứ nhất: thực hiện hiệu quả các chính sách về thu hút đầu tư của tỉnh để phát triển dịch vụ, du lịch. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư, ưu tiên dành cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển du lịch, nhất là du lịch biển.
Xây dựng chương trình dài hạn, kế hoạch hàng năm về xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển du lịch, trước mắt ưu tiên cho các điểm du lịch: Bãi Ôm, Đồng Bé, Làng du lịch sinh thái biển ở Xuân Hải. Phát triển các loại hình dịch vụ du lịch mới trên vịnh Xuân Đài, phát triển du lịch sinh thái vườn rừng lên hướng tây. Chú trọng liên kết với các địa phương trong vùng hình thành tour du lịch nghỉ dưỡng, vãn cảnh sinh thái rừng, biển khép kín; du lịch về nguồn… Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu du lịch Sông Cầu; xây dựng thương hiệu đặc sản tôm hùm, nước mắm, cá cơm sấy, rượu Quán Đế, rượu cá ngựa, bánh tráng, dừa…
Thứ hai: phối hợp các ngành chức năng tỉnh xúc tiến xây dựng quy hoạch ngành du lịch thị xã đến năm 2020 và định hướng đến 2030. Quy hoạch chi tiết mặt nước biển để phục vụ, phát triển du lịch biển. Phát triển hệ thống nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ... theo hướng cải tạo và nâng cấp các cơ sở hiện có và đầu tư xây dựng mới theo cụm, vùng đảm bảo chất lượng, đủ sức cạnh tranh với các vùng lân cận.
Thứ ba: tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch, ưu tiên đầu tư nâng cấp và phát triển mạng lưới hệ thống các trục giao thông chính, nhất là các tuyến giao thông đến các điểm du lịch đã được xác định như: Bãi Nồm (Xuân Hòa), Bãi Tràm (Xuân Cảnh), Thạch Khê (Xuân Lộc), Đồng Bé và Từ Nham (Xuân Thịnh), Vũng Chào và Vũng La (Xuân Phương), Nhất Tự Sơn (Xuân Thành), Gành Đỏ (Xuân Đài), suối Hàn, thác Cây Đu (Xuân Lâm).
Thứ tư: chú trọng khai thác các tiềm năng về nhân văn, lịch sử, văn hóa nhằm tạo bản sắc riêng để thu hút khách du lịch, như: Lễ hội Sông nước Tam Giang, lễ hội cầu ngư, nghệ thuật hát tuồng, bài chòi ở các xã ven biển… Nghiên cứu phục hồi và phát triển các món ăn đặc sản, các lễ hội truyền thống, các làng nghề truyền thống của địa phương, tạo nên những sản phẩm độc đáo, đặc trưng mang bản sắc văn hóa của địa phương để thu hút khách du lịch.
Thứ năm: tăng cường công tác quản lý nhà nước và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý tốt các điểm du lịch trên địa bàn thị xã đã được tỉnh quy hoạch, đốc thúc và hỗ trợ tích cực các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng ở các khu du lịch, Xây dựng các khu bảo tồn biển, phục hồi diện tích rừng ngập mặn gắn với phát triển du lịch góp phần làm cho TX Sông Cầu trở thành một điểm đến an toàn, hấp dẫn du khách để thu hút du khách nước ngoài và các nhà đầu tư, các nhà kinh doanh.
Để thực hiện tốt các giải pháp nói trên, ngoài sự nỗ lực của chính địa phương, rất cần sự quan tâm hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm đưa du lịch Sông Cầu phát triển.