Non nước Việt Nam

Hôn nhân và tục hát cưới của người Dao đỏ ở Lào Cai

Cập nhật: 04/11/2010 14:30:56
Số lần đọc: 2348
Người Dao đỏ ở Lào Cai cư trú ở lưng chừng núi cao thuộc các huyện Bảo Thắng, Sa Pa, Bát Xát, Bảo Yên. Cũng như nhiều dân tộc anh em khác, người Dao đỏ ở Lào Cai rất coi trọng quan hệ hôn nhân.
Nam, nữ dân tộc Dao đỏ đến tuổi trưởng thành tự do tìm hiểu bạn đời, khi duyên đã bén, chàng trai về báo cáo bố mẹ chuẩn bị tiến hành các nghi lễ cưới hỏi. Trong hôn nhân của người Dao đỏ quy tụ cả một hệ thống các nghi lễ đam xen với nhiều loại hình nghệ thuật dân gian như: lễ so tuổi, lễ ăn hỏi, lễ báo cưới và lễ cưới…
                    Nghi thức đám cưới của người Dao đỏ.

Lễ so tuổi (mì thồ miên canh): Khi đôi trai, gái đã bén duyên, gia đình nhà trai nhờ thầy xem sách (họp pun sâu) đối chiếu kim, mộc, thuỷ, hoả, xem mệnh nam, nữ theo thuyết "âm dương", nếu thuận thì nhà trai chuẩn bị lễ ăn hỏi.

Lễ ăn hỏi (gia tịch sía pung) diễn ra ngay sau khi hoàn tất lễ so tuổi, nhà trai mang lễ vật đến nhà gái, gồm: gà, gạo, miến, rượu, bạc trắng và hộp kim thêu. Sau khi nhận lễ vật, nhà gái ghi số lễ vật vào tờ giấy "Hồng điều", từ đó hai gia đình chính thức công nhận sự đính hôn của đôi trẻ. Sau lễ ăn hỏi hai gia đình và đôi trái gái thường xuyên đi lại với nhau, đến một thời gian thích hợp, nhờ ông mối, bà mối sang nhà gái làm lễ báo cưới, trong lễ báo cưới, hai bên bàn định ngày cưới.

Trước ngày cưới một hôm, nhà trai phải đem đầy đủ lễ vật như đã thoả thuận sang nhà gái chuẩn bị cho ngày đón dâu.

Lễ cưới: được bắt đầu từ 2 giờ đến 11 giờ sáng (người Dao đỏ rất ít khi đón dâu vào buổi chiều) họ quan niệm, buổi chiều khi mặt trời đang dần xuống núi, mọi công việc đều không được xuôi xẻ. Người Dao đỏ có tục hát cưới rất độc đáo, sau khi thầy cúng làm lễ nhập khẩu cho cô dâu và đặt tên cho chú rể xong rồi mới cho phép đón dâu vào nhà (từ khi lọt lòng, đến khi trưởng thành con trai người Dao đỏ phải trải qua 3 lần đặt tên). Trước khi trao dâu cho chủ hôn nhà trai, Trưởng đoàn đưa dâu nhà gái (ông, bà mối) phải trải qua cuộc thi hát đối đáp, hát đến khi nào nhà trai thắng cuộc thì mới được nhận dâu. Trong tiệc mừng đám cưới, thanh niên nam, nữ và họ hàng hai bên đến hát mừng hạnh phúc cô dâu, chú rể. Khi ở nhà gái, đối tượng khởi xướng việc hát là bạn bè của cô dâu. Đôi nam hát trả lời là họ nhà trai (bạn của chú rể). Trong khi hát nếu đôi hát của nhà giái không đối đáp được (thua) thì nhà trai có quyền mời các cô gái uống chén rượu làm quen. Nếu đôi nam của nhà trai thua sẽ bị các cô gái phạt phải uống cạn lại 3 chén rượu mừng.

                                 Tốp hát trong ngày cưới.

Trong tiệc cưới vui nhất là các chàng trai, cô gái làm quen qua các bài hát nói về tình yêu, cuộc sống mang đậm hương vị của núi rừng. Đây chính là nét văn hoá truyền thống độc đáo cần được bảo tồn, giữ gìn và phát huy.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT