Non nước Việt Nam

Xuất hành và xin lộc đầu năm: Một phong tục đẹp của người Việt

Cập nhật: 27/10/2010 09:38:20
Số lần đọc: 1961
Đầu năm mới, người Việt có tục xuất hành. Xuất hành là đi ra khỏi nhà trong ngày đầu năm để đi tìm cái may mắn cho mình và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày, giờ và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần...

Thường thường, người ta theo các hướng tốt, xuất hành đi lễ chùa, đền hoặc đi chúc Tết các bậc huynh trưởng, thân quyến hay bằng hữu. Đối với nhà nông ngày xưa, đầu năm mới xuất hành còn để chiêm nghiệm thời tiết. Vào những ngày đầu năm, khi mặt trời mọc người ta đi ra khỏi nhà xem chiều gió thổi, người ta có thể đoán được năm mới hên hay xui, chẳng hạn:

- Gió Nam: chỉ đại hạn

- Gió Tây: chỉ cướp bóc loạn lạc

- Gió Tây Nam: chỉ bệnh dịch tả

- Gió Bắc: chỉ được mùa vừa phải

- Gió Tây Bắc: chỉ được mùa đỗ, đậu

- Gió Đông: chỉ có lụt lớn....

Nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi làm lễ bái, người ta hái một “cành lộc” nhỏ (thường là cành đa, cành si… - những loại cây quanh năm tươi tốt và nảy lộc), đem về cắm ở bàn thờ tổ tiên. Người ta có thể đi lễ chùa, xin lộc ngay sau khi làm lễ cúng giao thừa, hoặc để đến sáng hôm sau, hoặc các ngày khác trong 3 ngày tết. 

Có nhiều người trong lúc xuất hành đi lễ, thay vì hái lộc cành cây, lại xin lộc tại các đình, đền, chùa, miếu bằng cách đốt một nắm hương hoặc một cây hương lớn, đứng khấn vái trước bàn thờ, rồi mang hương đó cắm tại bình hương bàn thờ Tổ tiên hoặc bàn thờ Thổ công ở nhà.

Ngọn lửa tượng trưng cho sự phát đạt. Lấy lửa từ các nơi thờ tự mang về, tức là xin phật thánh phù hộ cho được phát đạt, tốt lộc quanh năm. Trong lúc mang nắm hương từ nơi thờ tự trở về, nhiều khi gặp gió, nắm hương bốc cháy, người ta tin đó là một điềm tốt báo trước sự may mắn quanh năm. Thường những người làm ăn buôn bán hay xin lộc tại các nơi thờ tự.

Nguồn: website Cuộc sống việt

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT