Quản Bạ (Hà Giang) - điểm đến ngày càng hấp dẫn du khách
Một góc thị trấn Tam Sơn.
Cùng với sự đầu tư của Nhà nước về cơ sở hạ tầng trong những năm qua, đã và đang tạo cho huyện Quản Bạ một diện mạo mới. Đó chính là những lợi thế để Quản Bạ xây dựng và phát triển trở thành một điểm du lịch hấp dẫn trên Cao nguyên đá...
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 14 dân tộc anh em cùng chung sống, tạo ra sự đa dạng các sắc thái văn hoá, tinh thần của đời sống xã hội nơi đây. Với đường biên giới dài tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc và cửa khẩu tiểu ngạch thông thương, đó cũng là những thế mạnh rất lớn cho sự phát triển của du lịch khi hiện nay, Cao nguyên đá đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Khám phá Quản Bạ, nơi đây còn được coi là địa phương bảo tồn khá tốt các khu rừng tự nhiên, rừng núi đá ở khu vực biên giới với một quần thể vọc mũi hếch, loài linh trưởng có tên trong sách đỏ thế giới đang có mặt tại đây...
Phát huy lợi thế, những năm qua, huyện Quản Bạ đã có sự quan tâm, từng bước huy động sự đầu tư của toàn xã hội cho xây dựng và phát triển du lịch – dịch vụ. Tích cực chỉ đạo các ngành, các cơ sở đẩy mạnh khơi dậy các tiềm năng du lịch, thu hút đầu tư, nỗ lực phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách và nâng cao đời sống nhân dân. Với sự quan tâm đó, đã từng bước tạo ra những kết quả đáng khích lệ. Hiện nay, trên địa bàn có hệ thống nhà nghỉ và 1 làng văn hoá du lịch cộng đồng; việc khôi phục và xây dựng các làng nghề truyền thống đã đạt được nhiều thành công với các thương hiệu nổi tiếng như làng dệt lanh Lùng Tám, rượu ngô Thanh Vân… Cùng với sự đầu tư của tỉnh và nhờ công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, đến nay đã từng bước tạo nên diện mạo có sức hấp dẫn không nhỏ đối với du khách trong và ngoài nước.
Vượt qua cổng trời, lên đến Quyết Tiến, một mảnh đất có khí hậu quanh năm mát dịu với nghề trồng rau, hoa khá nổi tiếng. Từ cổng trời, nhìn xuống một vùng đồng bằng nằm giữa Cao nguyên, phố núi mở ra êm đềm với những mái nhà thơ mộng. Một sức sống căng tràn với biết bao cảm xúc, suy tư và bồng bềnh giữa thiên nhiên… Ngược lên phía Bắc, phiên chợ Tráng Kìm rực sáng trong sắc mầu hoa văn, nơi hội tụ niềm vui và biết bao điều tâm sự của những người dân một nắng hai sương bám mình trên Cao nguyên đá. Vì thế, phiên chợ Tráng Kìm không chỉ tô điểm thêm sắc mầu của vùng đất Quản Bạ mà nó còn trở thành một điểm du lịch khá hấp dẫn đối với du khách muốn tìm về các giá trị truyền thống.
Đến với Hợp tác xã dệt lanh ở Lùng Tám, không khỏi bất ngờ giữa một vùng đất nghèo lại có thể bắt gặp những sản phẩm thổ cẩm hết sức độc đáo và hấp dẫn do chính bàn tay của những phụ nữ Mông làm ra. Làng nghề gắn với du lịch và làng nghề có những người tâm huyết, cần cù với tính cách, bản chất không pha trộn của người vùng đá để tạo nên sự tồn tại, phát triển gần chục năm nay. Với đà phát triển, cùng với sự quan tâm của tỉnh, đến nay huyện Quản Bạ cũng đã lựa chọn và xây dựng làng văn hoá du lịch thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ. Đây là một làng văn hoá dân tộc Dao, còn lưu giữ được khá nguyên vẹn bản sắc văn hoá truyền thống. Nhận thức được ý nghĩa của việc lưu giữ những giá trị bản sắc dân tộc cũng như những lợi ích mang lại thông qua hoạt động du lịch nên người dân nơi đây đã đồng tình rất cao kể từ khi tỉnh, huyện đưa ra chủ trương xây dựng làng văn hoá du lịch.
Để phát triển du lịch trong thời gian tới, Đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ cho biết: Nhiệm kỳ 2011 – 2015, Đảng bộ huyện đã xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại – du lịch – dịch vụ – công nghiệp và nông nghiệp. Trong đó, chú trọng khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng du lịch, thu hút khách du lịch. Huyện có hướng xin tỉnh cho phép thuê tư vấn nước ngoài để quy hoạch phát triển du lịch Quản Bạ thành khu du lịch của tỉnh. Trên cơ sở đó, mới có thể xây dựng được đề án phát triển du lịch Quản Bạ giai đoạn 2011 – 2015, tầm nhìn 2020. Với mục tiêu như thế, huyện đang tập trung sớm hoàn thành quy hoạch. Trong năm nay, tiếp tục xây dựng các cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư vào phát triển du lịch. Trọng tâmnăm (2011 – 2015) huyện sẽ tập trung xây dựng cơ bản hạ tầng cơ sở, xây dựng các chương trình quảng bá, thu hút khách du lịch, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ. Với tinh thần quyết tâm xây dựng Quản Bạ trở thành điểm đến hấp dẫn như Sa Pa (Lào Cai), huyện Quản Bạ xác định, nhiệm kỳ này sẽ tạo những bước đột phá du lịch gắn với XĐGN và xây dựng nông thôn mới...
Bên cạnh những kết quả đạt được, để phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong những năm tới, đặt ra không ít những khó khăn, thách thức đối với huyện Quản Bạ. Đó là phải nâng cao nhận thức, sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, các địa phương của huyện trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, giữ gìn, bảo vệ Cao nguyên đá trước những hành vi khai thác đá, tài nguyên rừng, làm biến đổi cảnh quan thiên nhiên. Tiếp tục xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch. Tăng cường việc quảng bá, đưa hình ảnh của Quản Bạ đến rộng rãi hơn trong và ngoài nước, tạo cơ chế thông thoáng cho khách du lịch khi đến địa bàn...