Quà vặt: Nét đẹp mùa đông Hà Nội
Bánh trôi tàu - món ăn từ lâu đã trở thành món ăn quen thuộc, dân dã của người Hà nội mỗi độ thu sang, đông về.
Trong cái se lạnh, man mát của trời thu, bánh trôi tàu trở thành món quà ủ ấm những bàn tay.Một bát bánh trôi tàu bao giờ cũng có hai viên bột vừa to bằng quả trứng gà ta, một viên nhân đậu xanh xay nhuyễn với đường cát, một nhân vừng đen xay. Cũng tùy vào khẩu vị của khách mà bát bánh trôi có thể là nhân đậu hoặc nhân vừng hoàn toàn. Nước chan sóng sánh một thứ mật vàng ngọt lịm như mật mía, thơm nồng ấm áp. Tận hưởng bát bánh trôi nóng bỏng, ngọt lịm với vỏ bột nếp dẻo quánh, với nhân đậu xanh thanh thanh, chút vừng đen thơm bùi và hít hà hương thơm ấm nóng của gừng hòa với vị ngọt của nước bỏng rẫy, người ăn bỗng thấy lòng mình ấm lại.
Cái lạnh của xứ Bắc như ngọt hơn khi bạn xuýt xoa, trầm ngâm thưởng thức bát bánh trôi tàu. Thưởng thức bánh trôi tàu thì phải chậm thôi để cái nóng hòa vào cơ thể, từ bàn tay đỡ bát, từ cảm giác viên bánh chạm vào miệng… nhưng cũng không nên ăn quá chậm nếu không thì bát bánh sẽ bị nguội, làm mất vị tinh tế của món ăn mùa lạnh.
Ngô nướng - Hình ảnh chậu than hồng với những bắp ngô căng, mọng rất thường thấy trên những con phố, ngõ, hẻm của Hà Nội.
Những hôm trời trở gió mà ngồi quây quần bên mẹt ngô vừa nướng vừa ăn và suýt xoa thì quả là tuyệt. Trời càng lạnh ăn ngô nướng càng ngon. Nhất là những đêm, khi cái lạnh tái tê hơn mà được ăn một bắp ngô nướng vừa rời khỏi chậu than hoa thì sự thú vị như tăng gấp bội phần.
Ngô dùng để nướng chỉ có thể duy nhất là ngô nếp được đưa về từ các vùng quê như Hòa Bình, Hà Tây, Phú Thọ, Hưng Yên… Thế nhưng, có một loại ngô được trồng ở bãi giữa sông Hồng - bãi Tứ Liên bắp nhỏ, hạt tròn nhỏ có màu trắng ngà và bóng, được những người sành ăn chọn lựa nhiều hơn. Bởi đó mới là ngô nếp thứ thiệt, dẻo, thơm hơn gấp nhiều lần các giống ngô lai bắp to. Theo như một số người có thâm niên quạt ngô kể lại, ngô dùng để nướng phải là ngô tươi, bẻ trong ngày, bởi chỉ cần để quá một ngày thôi thì vị ngọt, dẻo của ngô sẽ giảm rất nhiều.
Bánh chuối, bánh khoai - Ở giữa những chảo dầu đang sôi sùng sục, cô bán hàng ngồi dưới tán cây trong những ngày Hà Nội se se lạnh.
Nguyên liệu làm bánh khoai, bánh chuối rất đơn giản. Với bánh chuối phải là chuối tây chín nhừ, chuối càng chín càng thơm ngọt. Chuối được cắt lát hoặc được cán mỏng xuống để bánh dầy hơn và ngon hơn. Bánh khoai thì là phải là khoai lang, củ vàng ngon, có thể thái lát hoặc thái thành những que nhỏ để làm bánh. Bột mỳ được đánh đều với nước sao cho độ đặc loãng vừa phải, có người sẽ cho thêm một ít bột nở hoặc ngon hơn thì họ sẽ cho thêm lòng trắng trứng gà và cho thêm đường vào bột để bánh ngọt hơn. Có nơi lại có thêm dừa nạo và vừng để rắc kèm với bánh cho bánh thêm hương vị thơm và bùi.
Bánh khoai, bánh chuối chẳng rõ nguồn gốc ở vùng nào, làng nào và cũng chẳng biết từ bao giờ đã trở thành món ngon không thể thiếu với người Hà Nội. Từ già đến trẻ, ai cũng ưa ăn loại bánh này chính vì thế ở đâu cũng thấy bán, từ vỉa hè các con phố lớn đến con đường trong những ngõ trong hẻm. Không chỉ vì bánh khoai, bánh chuối rất rẻ, dễ tìm mà còn rất ngon và hợp với tiết trời mát mẻ như thế này.
Ốc nóng - Những đĩa ốc nóng còn vương khói, hít hà xuýt xoa với thứ nước chấm cay nồng cũng là thói quen của nhiều người Thủ đô trong những đêm đông buốt lạnh.
Ốc luộc ở Hà Nội chủ yếu là ốc mít, ốc đá hay ốc vặn nhỏ, ốc nhồi, cả ốc bươu béo tròn nữa… Nhưng thường không ai gọi rõ tên loại ốc mà thường gọi chung là ốc to hay ốc nhỏ mỗi khi đến các quán.
Món ốc luộc bao giờ cũng luộc cả vỏ, thơm lá chanh, khi ăn phải nhặt từng con, khêu phần thịt ốc mà ăn. Các loại ốc thường là ốc nhỏ, cho nên ăn ốc luộc phải ngồi lâu. Khi luộc, tùy mỗi cửa hàng mà có thêm sả, ớt, hay chanh nhưng yếu tố quyết định món ốc luộc có ngon hay không lại tùy thuộc hoàn toàn vào tài nghệ pha chế nước chấm của từng quán. Nước chấm trước tiên phải đủ vị: gừng, tỏi, lá chanh cùng chua, ngọt, mặn phải vừa ăn để làm sao khi nếm nước chấm không cảm thấy mặn mà khi chấm với ốc lại không hề nhạt.
Không giống như bao món ăn khác, thưởng thức món ốc nóng phải mang phong cách “bụi”, “bụi” từ chỗ ăn cho tới phong cách ăn. Ăn ốc thường thì ăn ở các quán vỉa hè, và chỉ dùng tay xiên mới ngon. Vị cay của ớt xen lẫn vị thơm của gừng, của sả, khi ăn vào lại cứ “xuýt xoa”, đặc biệt khi thưởng thức món ốc nóng thì không thể thiếu món sung lẫn khế muối, xoài ngâm, tất cả tạo nên một món quà không thể nào quên khi mùa đông tràn về.
Sắn hấp dừa - là một món quà bình dân nhưng cực hấp dẫn trong mùa đông.
Bên cạnh bao thức quà của Hà Nội mỗi khi đông về như chân gà nướng, hạt dẻ nóng, ốc luộc, ngô nướng…thì sắn hấp dừa cũng là món ăn góp phần làm nên nét văn hóa trong ẩm thực của Hà Nội.
Giữa cái giá lạnh của mùa đông, xe sắn với làn khói tỏa nghi ngút và mùi thơm ngào ngạt theo gió lan ra khắp con phố nhỏ, thử hỏi ai có thể cầm lòng mà không dừng lại mua cho mình một gói nhỏ, ăn ngay cũng được mà mang về làm quà cho những người ở nhà lại càng hay. Xe sắn bán rong đêm tại Hà Nội thường kèm thêm cả ngô luộc, những người bán sắn cho biết sở dĩ sắn hấp tỏa ra mùi thơm ngọt đến vậy là vì khi hấp họ thường cho vào nồi nước sôi phía dưới vỏ bắp ngô.
Những khúc sắn nóng hổi, trắng muốt cùng mùi hương thơm ngát trong làn khói tỏa dường như khiến mùa đông Hà Nội ấm hơn. Với những người dân Hà Thành, sắn hấp dừa là món quà quê yêu thích. Còn với những người dân tứ xứ đây là món ăn làm ấm lòng những đứa con xa quê.
Mực nướng chấm tương ớt - cũng rất hấp dẫn trong mùa đông lạnh.
Mực nướng là món dễ ăn vì thế mà không kén khách hàng, nhiều người đến với món ăn này chỉ đơn giản là có thể lai rai những câu chuyện cùng với bạn bè hay người thân của mình được lâu hơn. Ngoài ra thưởng thức món mực nướng vỉa hè, hay những góc phố khuất người qua lại khiến ai cũng có cảm giác thoải mái với cách thưởng thức dân dã và ấm cúng này.
Hầu hết mực được chọn thường là những con dày mình, thơm thịt, tươi màu, như thế khi nướng lên mùi thơm phức ấy sẽ khiến ai cũng đều muốn thưởng thức dù chỉ vô tình đang đi ngang qua. Muốn nướng mực ngon phải nướng vừa tầm, không nên nướng quá kĩ sẽ làm mất độ ngọt và thịt bị dai.
Mực nướng sẽ ngon hơn nếu chấm với nước tương ớt. Vị cay của nước tương sẽ kết hợp với vị ngọt và thơm của mực làm nên mùi vị riêng đặc biệt.
Đi dọc những tuyến phố Hàng Gai, Hàng Dầu, Mai Hắc Đế, Lương Văn Can… các quán dù to hay nhỏ tối nào cũng thấy đông vui tấp nập. Những vị khách ngồi quây quần quanh mảnh chiếu nhỏ cùng nhau nhâm nhi chén rượu bên “chú mực” đang được nướng trong đĩa cồn, hay trên bếp than nhỏ lửa, kèm theo những tiếng cười giòn tan như xoa dịu cái lạnh đêm đông. Họ vừa thưởng thức đĩa mực nướng vừa bàn tán những câu chuyện đời thường, giản dị… tất cả đều miên man cùng chén rượu cay nồng và đĩa mực nướng thơm ngọt.