Hoạt động của ngành

Duy Xuyên (Quảng Nam): Đưa nghệ thuật tuồng vào trường học

Cập nhật: 11/11/2010 14:11:34
Số lần đọc: 2234
Đưa hát tuồng vào trường học nhằm từng bước khôi phục, phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống mà cha ông để lại, góp phần định hướng thẩm mỹ cho học sinh được ngành Giáo dục Duy Xuyên và Hội Bảo trợ tuồng huyện phối hợp thực hiện.

alt

Đưa nghệ thuật tuồng vào trường học là điều lâu nay ngành Giáo dục Duy Xuyên và Hội Bảo trợ tuồng huyện trăn trở, quyết tâm thực hiện. Theo ông Nguyễn Quỳnh - Chủ tịch Hội bảo trợ tuồng, hiện nay nghệ thuật tuồng đang ở giai đoạn khó khăn về nhiều mặt, nhất là người xem, vở diễn, kinh phí hoạt động. Các câu lạc bộ tuồng ở Duy Xuyên được xem là “hạt nhân” của việc “giữ lửa” và phát triển tuồng bây giờ cũng chỉ hoạt động cầm chừng, mật độ biểu diễn phục vụ nhân dân thưa dần theo thời gian.

 

Những nghệ nhân gắn bó lâu năm với tuồng Duy Xuyên, một số người nay đã ở vào tuổi thất thập cổ lai hy, vài người không đủ điều kiện trụ lại với tuồng đã quay sang làm nghề khác, chỉ khi có dịp lễ hội mới tham gia vở diễn. Nếu không có giải pháp đào tạo những thế hệ diễn viên tuồng mới thì trong tương lai không xa, tuồng sẽ không còn xuất hiện trên sân khấu, trong hội làng...

 

Với tâm huyết của người mấy chục năm gắn bó với tuồng, yêu tuồng như yêu chính cuộc sống của mình, ông Nguyễn Quỳnh đã lặn lội nhiều nơi trong huyện và tỉnh kêu gọi mọi người cùng chung tay góp sức khôi phục và gìn giữ nghệ thuật tuồng. Bằng mối quan hệ của mình, ông đã liên hệ với nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, mời nghệ nhân tuồng truyền đạt cho học sinh để từng bước thổi vào tâm hồn các em tình yêu đối với nghệ thuật tuồng truyền thống - vốn quý của ông cha để lại.

 

Ngành giáo dục Duy Xuyên, ngay từ đầu năm học 2010- 2011 đã tập trung xây dựng kế hoạch, đồng thời từng bước triển khai dự án đưa tuồng vào trường học. Những năm trước đây Duy Xuyên cũng đã từng thực hiện việc đưa nghệ thuật tuồng vào trường học và đã xây dựng được một đội tuồng với diễn viên là các hạt nhân biết hát tuồng của một số trường trong huyện. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, chuyện đưa tuồng vào trường học ở Duy Xuyên bị gián đoạn.

 

Bây giờ, trước sự lấn lướt của các loại hình âm nhạc và giải trí hiện đại, trước sự quay lưng của lớp trẻ với nghệ thuật truyền thống... thì việc lồng ghép nghệ thuật tuồng vào các tiết âm nhạc, mỹ thuật sẽ từng bước định hướng cho học sinh cái hay, cái đẹp của bộ môn nghệ thuật truyền thống này thông qua các yếu tố như: điệu bộ, hóa trang, phục trang, tuồng tích... Bên cạnh đó, nếu triển khai tốt các tiết dạy về tuồng trong trường học thì việc thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực” sẽ có nhiều thuận lợi. Định hướng ban đầu của ngành giáo dục Duy Xuyên sẽ triển khai thí điểm ở 3 trường thuộc các địa phương có truyền thống tuồng là Duy Sơn, Duy Trung và Duy Phước.

 

Với kinh nghiệm trong việc đưa sân khấu tuồng vào trường học ở TP. Đà Nẵng, các nghệ nhân của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đánh giá rất cao kế hoạch đưa loại hình này đến với các em học sinh trong trường học ở Duy Xuyên. Theo đạo diễn Cao Đình Liên (Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh), việc gì ban đầu cũng gặp khó khăn nhất định. Muốn các em học sinh hiểu và yêu thích tuồng, những người truyền đạt phải gieo vào tâm hồn các em cái hay, cái đẹp, ý nghĩa nhân văn và nghệ thuật sâu sắc của bộ môn này. Hy vọng rằng, hoạt động đưa tuồng vào trường học ở Duy Xuyên sẽ mang lại kết quả tốt đẹp, góp phần tích cực vào việc bảo tồn nghệ thuật tuồng truyền thống trên quê hương xứ Quảng. “Khi các em đã chấp nhận và yêu thích tuồng thì nhất định sẽ quyến luyến không rời” - đạo diễn Cao Đình Liên nói.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục