Hoạt động của ngành

Tiềm năng du lịch sinh thái ở A Lưới (Thừa -Thiên Huế)

Cập nhật: 25/06/2008 09:06:49
Số lần đọc: 2955
A Lưới là huyện miền núi vùng cao thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, phía Tây giáp với hai tỉnh là Salavan và Sê Kông của nước bạn Lào, phía Bắc giáp huyện Đakrông (Quảng Trị) và  huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), phía Nam giáp huyện Tây Giang (Quảng Nam), phía Đông giáp các huyện Hương Trà, Hương Thuỷ và Nam Đông.

Với một địa vực khá thuận lợi như vậy. Các nhà nghiên cứu đã đánh giá vai trò và vị trí của tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa phận huyện A Lưới rằng "Theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới một khi mạng lưới giao thông hình thành, nó không chỉ đơn thuần là cơ sở hạ tầng cho khu vực mà sẽ kéo theo những biến đổi về nhiều mặt trong đời sống kinh tế xã hội. Nhưng biến đổi này nhiều khi chưa thấy rõ và chưa dự báo hết được như sự thay đổi giá trị của vị trí địa lý, sự phân bố lại dân cư dọc đường Hồn Chí Minh, hình thành cơ cấu kinh tế mới có tính chất hướng ngoại". Sự hình thành cơ cấu kinh tế mới có tính chất hướng ngoại này không thể không kể đến ngành du lịch dịch vụ. Mỗi một khi tiềm năng du kịch ở đây phát triển sẽ kéo theo sự phát triển các ngành nghề khác và kết quả sau cùng sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng cho cư dân bản địa và cư dân vùng đệm.

A Lưới hiện đang có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn như: du lịch sinh thái, du lịch ẩm thực, du lịch văn hoá tộc người, du lịch các điểm văn hoá cách mạng... Mỗi một loại hình du lịch đều có những thế mạnh và nét riêng đặc trưng của nó, trong đó nổi bật nhất là du lịch sinh thái.

So với vùng núi của các huyện khác ở trong tỉnh, quy mô du lịch sinh thái ở A Lưới chưa xứng tầm với Vườn quốc gia Bạch Mã (Phú Lộc), thác Ka Giang (Nam Đông), du lịch nước khoáng nóng Thanh Tân (Phong Điền). Tuy vậy, A Lưới có nhiều thắng cảnh tự nhiên tuyệt đẹp như chuỗi thác A Nôr (xã Hồng Kim), suối nước nóng Tôm Trung, thác Pông Chất, hang động Kềnh Crâm (xã A Roàng), hồ mặt nước ngầm A Co (xã Phú Vinh, Hồng Thượng), đèo Pê Ke (xã Hồng Vân, Hồng Thuỷ), hầm A Roàng (xã A Roàng) cùng nhiều ngọn thác, con suối rỉ rách thơ mộng, nhiều con sồng uốn lượn bao quanh thung lũng A Lưới rộng lớn như sông A Sáp, A Lin, Tà Rình...Chạy dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh là những dãy rừng nguyên sinh đan xen với rừng tái sinh trồng mới, tài nguyên rừng ở đây đa dạng phong phú từ hoa cảnh, chim muông... Hiện tại huyện A Lưới đang hết sức chú trọng xây dựng và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái phát triển theo hường bền vững.

Ngay tại thời điểm này, A Lưới đã có nhiều chương trình quảng bá du lịch được nhắc đến và du lịch A Lưới được đặt trong lộ trình di sản miền Trung là điểm đến của khách tham quan khi nhắc đến con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Du lịch sinh thái nổi tiếng nhất là khu du lịch sinh thái A Nôr cách trung tâm huỵên chỉ 3km về phía Đông Bắc. Khu này có diện tích trên 10ha, mây mù bao phủ quanh năm. Phong cảnh tuyệt đẹp với 3 thác nước không xã nhau, cao 8m, 60m và 120m, tựa như những bức màn nhung trắng muốt...Thác A Nôr đang còn giữ nguyên dáng vẻ hoang sơ, thời tiết ở đây mát dịu tạo cho du khách tham quan hưởng một cảm giác trong lành, mát mẻ. Hiện nay, huyện A Lưới đang đầu tư hàng chục tỉ đồng vào khu du kịch này với hệ thống cơ sở vật chất đầy đủ nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Bên cạnh đó, theo chủ trương của huyện, nơi đây đã hình thành một ngôi làng mới mang tên Việt Tiến, người dân nơi đây đang dần dần từng bước ổn định cuộc sống. Họ sẽ hướng dẫn du khách tham quan thác A Nôr, vừa đón khách lưu trú tại nhà (nếu du khách có yêu cầu).

Nằm trong hướng du lịch tham quan thác A Nôr, du khách hành trình ra hướng Bắc khoảng 10km, sẽ thích thú khi ngắm cảnh đèo Pê Ke. So với các con đèo khác ở A Lưới như Tà Lương, Kim Quy, A Co thì đèo Pê Ke có phần ngoạn mục và nên thơ hơn. Đèo Pê Ke là ranh giới tự nhiên giữa dãy Trường Sơn Đông với khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, là nơi phát nguồn của các con sông Ô Lâu, Thạch Hãn, sông Bồ...Nơi đây mỗi khi buổi sớm hoặc lúc hoàng hôn mây mờ trắng xoá cùng với sương núi đã tạo nên một khoảng không gian bềnh bồng trông đẹp mắt.

Đèo Pê Ke dài 800m, độ dốc 10% với hệ động thực vật phong phú, có đường Hồ Chí Minh chạy qua, là hệ thống giao thông quan trọng đến với huyện Đakrông tỉnh Quảng Trị, là điểm quan trọng trên đường Hò Chí Minh là ngã ba đến cửa khẩu Hồng Vân-Cu Tai.

Trong tương lai gần, đèo Pê Ke cùng với cửa khẩu Hồng Vân sẽ cùng dốc Con Mèo, đồi Con Cọp là điểm đến hấp dẫn của du khách. Cửa khẩu Hồng Vân cách thị trấn A Lưới 33km, là cửa khẩu nối nước ta với nước bạn Lào tại mốc S3, thuộc xã Hồng Vân, là cửa khẩu có vị trí cầu nối trong việc phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng của hai nước nói chung và của hai tỉnh Thừa-Thiên Huế và Salavan nói riêng. Cửa khẩu này có ý nghĩa quan trọng nối với các tour du lịch của Lào, Thái Lan và tour du lịch DMZ Quảng Trị. Khi du khách đến của khẩu Hồng Vân ghé đèo Pê Ke, thăm núi Tai Mèo, dồi Con Cọp sẽ thấy rất thích hợp cho loại hình du lịch sinh thái, đồng thời tham quan di tích lịch sử, thăm lại chiến trường xưa. Nằm về phía Nam của huyện là điểm đến của những cánh rừng nguyên sinh và suối nước nóng nghĩ dưỡng đã tô điểm thêm cho bức tranh du lịch A Lưới có phần khởi sắc. Khu vực rừng nguyên sinh thuộc địa phận xã A Roàng, cách trung tâm huyện 30km đây là khu rừng nguyên sinh còn khác nguyên vẹn với diện tích 3000ha với nhiều hệ động vật, thực vật quý hiếm, có đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại đi qua. Khu rừng nguyên sinh kéo dài từ A Lưới đến tận Quãng Nam với nhiều thác cao, vực sâu rất hấp dẫn đối với loại hình du lịch sinh thái và dành cho ai thích phiêu lưu, mạo hiểm, ưa cảm giác mạnh. Nằm cùng trên tuyến rừng nguyên sinh đó, sau khi tham quan hai hầm đường bộ trên đường Hồ Chí Minh du khách sẽ có điều kiện ghé nghĩ ngơi, tắm suối nước nóng A Roàng. Đây là mạch nguồn nước khoáng lộ thiên có nhiệt độ 60-70 oC chứa nhiều thành phần khoáng chất có giá trị chữa bệnh. Bên cạnh đó A Lưới còn có nhiều loại hình du lịch khác như: leo núi ở động Tiên Công, đồi A Bia, núi Ta Lơng Ai, bơi lội tại các sông lớn: A Sáp, Tà Rình, hồ lớn như A Co, đập Tà Rê...

Hiện nay UBND huyện A Lưới đã xây dựng và bảo vệ thành công đề án phát triển du lịch huyện A Lưới. A Lưới được xác định là cụm du lịch thứ ba của tỉnh được đưa vào danh mục dự án đầu tư phát triển du lịch với tổng số vốn 25 triệu USD (từ nay đến năm 2020). Trước mắt, UBND huyện đã quy hoạch được một số điểm du lịch sinh thái như: A Nôr (Hồng Kim), A Co (Bốt Đỏ) đang tiến hành hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý về giải phóng mặt bằng bản và xây dựng cơ bản điểm du lịch an dưỡng, dã ngoại suối nước nóng ở A Roàng.

Có thể nói, A Lưới là địa phương có tiềm năng về du lịch, nếu biết tổ chức khai thác tốt, sẽ là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Nguồn: website Huế

Cùng chuyên mục