Hoạt động của ngành

Hà Giang tập trung các nguồn lực phát triển du lịch

Cập nhật: 19/06/2008 14:06:43
Số lần đọc: 2716
Là trung tâm kinh tế - văn hoá - chính trị của tỉnh, thị xã Hà Giang có vị trí địa lý thuận lợi trong phát triển kinh tế cũng như du lịch. Hà Giang đang tập trung các nguồn lực, khai thác tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch.

Cách Cửa khẩu Quốc gia Thanh Thủy 23 km, thị xã có rất nhiều cảnh đẹp như: Núi Cấm, Mỏ Neo, Thác Tiên, Công viên Cây xanh, Công viên Hà Phương, Quảng trường 26/3 và có sông Lô, sông Miện chảy giữa lòng thị xã. Vài năm trở lại đây, thị xã đạt nhiều thành tựu quan trọng, các chỉ tiêu về KT - XH hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch, đóng góp vào sự tăng trưởng đó những năm qua không thể không nhắc đến hoạt động dịch vụ và du lịch.


Với mục tiêu của Đảng bộ thị xã phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 04/-NQ/TU ngày 29/11/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng thị xã Hà Giang đến năm 2010 trở thành đô thị loại III; cùng với phát triển KT-XH, thị xã đã đầu tư có trọng điểm phát triển hạ tầng cơ sở cho dịch vụ, du lịch. Hệ thống nhà hàng, khách sạn được khuyến khích đầu tư xây dựng cả về quy mô lẫn chất lượng, ngày càng được nâng cao và đã thu hút du khách thập phương. Trong năm 2007, khách du lịch đến thị xã Hà Giang đạt trên 50.000 lượt người và doanh thu từ dịch vu, du lịch đạt trên 28 tỷ đồng. Đặc biệt, thị xã đã ra mắt được hai Làng Văn hoá - Du lịch cộng đồng dân tộc Tày ở thôn Tha, xã Phương Độ và thôn Tiến Thắng, xã Phương Thiện. Từ khi khai trương (tháng 4/2007) đến tháng 12/2007 đã thu hút được trên 2.000 lượt khách đến tham quan, doanh thu đạt 95,86 triệu đồng. Đây cũng là điều kiện để thu hút và giữ chân du khách khi đến thị xã. Hiện nay, địa bàn thị xã có tới 3 đơn vị kinh doanh lữ hành du lịch, với 34 nhà nghỉ, khách sạn. Trong đó, có 06 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao, 01 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao và 27 khách sạn đạt tiêu chuẩn tối thiểu với tổng số 459 phòng và gần 1.000 giường; quy mô, chất lượng cơ bảnđáp ứng được nhu cầu của khách du lịch trong, ngoài nước... Riêng 5 tháng đầu năm 2008, khách du lịch đến thị xã đạt 32.286 lượt người, trong đó khách quốc tế 5.960 lượt và khách nội địa 26.326 lượt, doanh thu từ dịch vụ, du lịch đạt gần 12 tỷ đồng. Việc tỉnh tổ chức các Hội chợ Thương mại Quốc tế Bắc - Nam, Lễ hội Văn hoá Trà, Hội chợ Thương mại - Khuyến nông... tại thị xã đã góp phần làm sôi động thị trường và tạo điều kiện cho dịch vụ, du lịch của địa phươngphát triển, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ phát huy được tiềm năng, thế mạnh trong kinh doanh phục vụ cũng như thể hiện được phong cách, tấm lòng mến khách của người dân thị xã đối với du khách thập phương.


Xác định dịch vụ, du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách cũng như góp phần vào phát triển KT-XH của thị xã những năm tới, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch; Đảng bộ thị xã đã có Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 20/01/2007 về phát triển dịch vụ, du lịch đến năm 2010 với chủ đề “ Nâng cao hiệu quả lãnh đạo và quản lý, tập trung thu hút đầu tư, phát triển KT-XH theo tiêu chí đô thị loại III”; tiếp tục tập trung khai thác những lợi thế về phong cảnh thiên nhiên, những nét văn hoá độc đáo của các dân tộc và cơ sở vật chất sẵn có; đồng thời huy động mọi nguồn lực với phương châm vừa đầu tư, vừa khai thác;phát triển du lịch đa dạng, bền vững; tôn tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái và khôi phục những “tài nguyên” nhân văn của các dân tộc; phát triển du lịch gắn với hoạt động dịch vụ, chợ, lễ hội văn hoá, lễ hội truyền thống, trên nguyên tắc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế từ dịch vụ, du lịch bình quân đạt 18%/ năm và doanh thu đạt 55 tỷ đồng/ năm, để đến năm 2010, lượng khách du lịch đến thị xã đạt trên 300.000 lượt người và thu nhập từ du lịch đạt trên 110 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu trên, thị xã đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch để đến năm 2010, có từ 40 cơ sở lưu trú trở lên, trong đó có từ 1 - 2 khách sạn đạt 3 sao, từ 1 - 2 siêu thị và Trung tâm thương mại... Đồng thời, quy hoạch tổng thể cụm du lịch thị xã đi các huyện trong tỉnh với các tỉnh bạn; liên kết các tua, tuyến du lịch với các địa phương của Trung Quốc như: Ma Ly Pho, châu Văn Sơn...; có cơ chế, chính sách mời gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển du lịch bền vững theo hướng ưu tiên du lịch sinh thái, du lịch văn hoá- lịch sử, du lịch cộng đồng...
Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục