Hoạt động của ngành

Bản sắc văn hóa dân tộc – Tiềm năng để phát triển du lịch

Cập nhật: 17/06/2008 09:06:08
Số lần đọc: 2676
Tuyên Quang có nhiều yếu tố thuận lợi, nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch lịch sử văn hoá. Những năm qua, Tuyên Quang luôn quan tâm giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, coi đó là một trong những yếu tố để phát triển du lịch.

Tuyên Quang có chính sách, quy hoạch các làng văn hoá du lịch, làng nghề thủ công truyền thống, khôi phục lễ hội, trò chơi dân gian, khai thác các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc của các dân tộc.

 

Dân tộc Tày có số cư dân đông nhất trong số các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang. Bà con cư trú ở đều khắp các huyện, sống chủ yếu bằng nghề nông, tập trung trong các thung lũng với những mái nhà sàn to. Đứng trên đỉnh đèo, như Ái Au nhìn xuống xã Thượng Lâm (Nà Hang), đèo Gà nhìn xuống xã Phúc Thịnh, đèo Nàng nhìn xuống xã Kim Bình (Chiêm Hoá)... có thể ngắm nhìn các bản làng của người Tày rất đẹp. Người Tày còn có nhiều món ẩm thực thú vị như thịt trâu khô, cá mắm ruộng, cơm lam, rau rừng, rượu ngô, rượu chuối, rượu đao, rượu báng, chè shan. Đời sống văn hoá tinh thần của người Tày rất phong phú với điệu hát then, sli, lượn truyền thống, những lễ hội cổ truyền, những trò chơi dân gian độc đáo. Người Tày khá khéo tay trong việc dệt thổ cẩm, đan đồ mỹ nghệ từ song, mây, giang, nứa… Mới đây, Tuyên Quang đã có quy hoạch xây dựng làng văn hoá du lịch người Tày ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương). Huyện Nà Hang đang tiến hành xây dựng bản Nà Tông, xã Thượng Lâm trở thành bản du lịch văn hoá; huyện Yên Sơn xây dựng chợ văn hoá vùng cao Nà Ho, xã Trung Sơn, bản văn hoá người Tày ở Tân Tiến; huyện Chiêm Hoá xây dựng làng nghề mây giang đan xã Trung Hà.


Bên cạnh cư dân người Tày, Tuyên Quang còn là địa phương có đông người Cao Lan, người Dao, người Mông, người Sán Dìu sinh sống. Mỗi dân tộc có một nét văn hoá đặc sắc riêng. Đến với người Cao Lan là đến với làn điệu sình ca, màn biểu diễn trống sành. Tại Yên Sơn, huyện đang xây dựng làng văn hoá du lịch của người Cao Lan ở Giếng Tanh, xã Kim Phú. Còn đến với bà con dân tộc Dao, du khách có thể thưởng thức nhiều bài thuốc dân gian quý từ cây rừng, xem lễ cấp sắc của người Dao đỏ.


Hiện nay, thị xã Tuyên Quang đang quy hoạch khu du lịch sinh thái gắn với việc xây dựng làng văn hoá người Dao Thanh Y ở Cổng Trời, xã Tràng Đà. Huyện Yên Sơn phục dựng lại lễ hội Đầm Mây ở xã Lăng Quán của dân tộc Dao Quần trắng. Theo tua du lịch, du khách có thể đến bản người Mông ở Hùng Lợi, Kiến Thiết (Yên Sơn), Yên Lâm (Hàm Yên).


Cách thị trấn Sơn Dương chừng 30 km theo quốc lộ 2C, du khách sẽ đến mảnh đất của người Sán Dìu. Người Sán Dìu cư trú quanh vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo, gồm các xã Hợp Thành, Kháng Nhật, Hợp Hoà, Thiện Kế, Ninh Lai (Sơn Dương). Riêng xã Ninh Lai hiện nay có 1.438 hộ với 7248 nhân khẩu, trong đó có tới 73,4% là người Sán Dìu. Người Sán Dìu thường làm nhà gỗ truyền thống 5 gian, lúc nào cũng có nồi cháo vần quanh bếp lửa, có lối hát soọng cô độc đáo. Việc xây dựng làng văn hoá du lịch của người Sán Dìu kết hợp với du lịch sinh thái mạo hiểm của vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo đang là một triển vọng lớn của du lịch Sơn Dương. Theo những cán bộ Vườn Quốc gia Tam Đảo, ngọn núi cao nhất của cả dãy núi Tam Đảo lại nằm ngay ở xã Ninh Lai với độ cao 1.590 m so với mặt nước biển. Từ trên đỉnh núi này, du khách có thể chiêm ngưỡng cột ăngten truyền hình quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) và cả một vùng canh tác rộng lớn của huyện Sơn Dương.


Tuyên Quang còn nhiều dân tộc thiểu số với số dân không nhiều. Du khách có thể khám phá đời sống dân tộc Thuỷ, xã Hồng Quang (Chiêm Hoá) với số dân chỉ hơn 100 người. Đây có thể được coi là dân tộc thiểu số ít người nhất ở Tuyên Quang.

 

Việc giữ gìn, xây dựng và phát triển bản sắc văn hoá dân tộc ở Tuyên Quang thực sự là một nhiệm vụ quan trọng, một động lực để phát triển du lịch. Nghị quyết của tỉnh uỷ về phát triển du lịch giai đoạn 2006 - 2010 chỉ rõ: “Phát triển du lịch bền vững trên cơ sở phát huy truyền thống cách mạng, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, di tích lịch sử văn hoá, khôi phục các lễ hội truyền thống, nghề truyền thống”.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục