Non nước Việt Nam

Nà Hang (Tuyên Quang) - Miền đất của những di chỉ cổ

Cập nhật: 12/01/2011 15:01:51
Số lần đọc: 2316
Nà Hang không chỉ là vùng đất của những danh thắng tự nhiên tuyệt đẹp ở Tuyên Quang, mà còn là một trong những cái nôi của người Việt cổ...

Ông Lộc Minh Tân, Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện Nà Hang cho biết, việc phát hiện những di chỉ cổ và nhiều công cụ lao động thời tiền sử tại hang Phia Vài, thuộc thôn Nà Ráo, xã Khuôn Hà; hang Phia Muồn, thuộc thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú có ý nghĩa quan trọng. Điều đó càng tăng thêm giá trị văn hoá và giá trị lịch sử cho mảnh đất sơn thuỷ hữu tình này. 

Từ bến thuyền của thị trấn Nà Hang, mất gần hai tiếng đồng hồ băng qua dòng nước trong xanh và những dãy núi đá trùng điệp gắn liền với nhiều huyền thoại, truyền thuyết thơ mộng giàu tính nhân văn nhân bản, du khách sẽ đến được với hang Phia Vài và được khám phá những dấu tích của nền văn hoá thời tiền sử. Hang nằm ở toạ độ 105 độ 18 kinh Đông và 22 độ 3250" vĩ Bắc. Hang có dạng vừa hang vừa mái đá, phần hang và phần hốc đá ăn sâu vào núi nằm ở phía Bắc; phần mái nằm ở phía Nam. Tại hang có hai bộ di cốt, một bộ có niên đại cách đây khoảng trên dưới 10.000 năm, thuộc thời đại văn hoá Hoà Bình và một bộ di cốt có niên đại cách đây khoảng trên dưới 3.000 năm. Ngoài ra, còn di tích bếp lửa có niên đại khoảng 10.000 năm cũng thuộc văn hoá Hoà Bình cùng 100 xương răng động vật và 1.553 công cụ lao động đồ đá.

Tạm biệt hang Phia Vài, dọc theo đường bộ, cách thị trấn Nà Hang khoảng 40 km đi về khu C, du khách sẽ đến với hang Phia Muồn thuộc thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú. Xung quanh cửa hang được bao phủ bởi mầu xanh trù phú của núi rừng xanh thẳm với nhiều tầng bao phủ dầy đặc. Khi nghe thấy tiếng chim rừng vẳng hót thánh thót, từng đàn bướm lượn cạnh con suối quanh năm nước trong vắt róc rách chảy là du khách đã chuẩn bị đến với cửa hang. Dòng suối nhỏ nằm ở cửa hang là nơi sinh tồn của nhiều loài thuỷ sinh, là nguồn cung cấp nước, nguyên liệu và môi trường sinh sống chủ yếu cho cư dân tiền sử khu vực này. Khu rừng cũng là nơi có nhiều động vật hoang dã sinh sống, tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân tiền sử khai thác nguồn thức ăn tự nhiên trong thung lũng nhỏ hẹp. Hang Phia Muồn có 12 bộ di cốt, 2 di tích bếp lửa, 2,45 kg xương răng động vật, 712 công cụ lao động đồ đá, cùng nhiều con ốc núi, ốc suối… đáng chú ý là nơi đây có 1 vỏ ốc biển Cyprea arabica trong lớp văn hoá 4. Đây là bằng chứng thuyết phục chứng minh giai đoạn này đã có sự giao lưu trao đổi giữa cư dân Phia Muồn với cư dân miền biển.

Tháng 8-2010, tại hang Thẳm Poóng, thôn Không Mây, xã Năng Khả, bà con nhân dân đã phát hiện trên 2.000 công cụ lao động đồ đá và nhiều xương động vật, vỏ ốc, hạt quả trám… Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nà Hang đã đề nghị và phối hợp với UBND xã Năng Khả, cùng bà con nhân dân sở tại thực hiện tốt việc bảo vệ những di vật khảo cổ này. Đồng thời, báo cáo Viện Khảo cổ học Việt Nam để xác minh chính xác niên đại của các di vật. Như vậy cùng với hang Phia Vài, hang Phia Muồn, đây là phát hiện quý giá thứ ba chứng minh Nà Hang là miền đất có nhiều dấu tích sinh sống lâu đời của người tiền sử.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT