Gốm Bát Tràng – Làng nghề truyền thống nổi tiếng, nơi kết tinh sắc màu
Những bàn tay thoăn thoát nhuần nhị, cùng tiếng máy chạy xè xè của chiếc mâm nặn là hình ảnh, thanh âm quen thuộc ở Bát Tràng từ nhiều năm nay. Với đôi bàn tay tài hoa kết hợp tâm hồn, người Bát Tràng đã tạo ra những sản phẩm có nhiều màu sắc tinh xảo. Quả đúng vậy, Bát tràng là thế giới của đủ loại màu sắc.
Ông Nguyễn Văn Khoái 70 tuổi, một nghệ nhân trong làng cho biết, trước kia, người Bát Tràng chỉ có màu men xanh là chủ đạo, còn giờ đây có tới hơn 50 dòng men, tương đương với chừng ấy loại màu sắc. Ngừng cây bút lông đang vẽ cây tùng cổ thụ trên chiếc lục bình, ông Khoái tiếp: người Bát Tràng ngoài cái tinh, cái nhạy còn tiềm ẩn một tình yêu da diết với nghề gốm cổ truyền, điều đó thể hiện qua việc thực hiện thành công màu men kết tinh trên sản phẩm gốm.
Men kết tinh là sự kết hợp giữa đất và men, được làm công phu từ pha trộn đến phết màu lên sản phẩm thô rồi đem nung ở nhiệt độ trên 1000 độ C tạo ra phản ứng hóa học, để từ đó nở thành nhiều màu sắc khác nhau như: trắng, xanh ngọc, xanh lam, xanh da trời, với độ tinh xảo cao, nhìn gần có chiều sâu, nhìn xa nhưng vẫn sắc nét, khi có ánh sáng chiếu rọi vào tạo ra nhiều loại màu sắc lấp lánh lung linh.
Mỗi gia đình ở Bát Tràng đều là xưởng nghệ thuật của những sắc màu. Nào là Tùng, Cúc, Trúc, Mai đến Long, Ly, Quy, Phụng cũng từ những nét vẽ, nét cọ của người Bát Tràng mà ra. Từ những xưởng gia đình ấy, những người thợ tài hoa với đôi bàn tay vàng đã thổi hồn vào đất. Những cục đất vô tri vô giác giờ biến thành những phẩm nghệ thuật mang trong đó tâm trạng, cảm xúc của người thợ, góp phần tô điểm cho cuộc sống. Hiện Bát Tràng có 30 nghệ nhân, trưởng thành từ những xưởng gốm gia đình.
Vừa qua ở Bát Tràng, sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Gia Lâm, tổ chức Triển lãm "Gốm Bát Tràng cổ truyền và hiện đại" mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Triển lãm có 5 chủ đề: Hoa của Đất, Đêm của Gốm, Huyền thoại Gốm, Hội nhập và lan tỏa. Triển lãm là dịp tôn vinh người thợ gốm, đồng thời quảng bá hình ảnh một Bát Tràng cổ truyền với những màu men xanh lam. Bát Tràng hiện đại với những sản phẩm gốm với nhiều gam màu tươi mới hiện đại hơn. Từng tốp khách thập phương trong và ngoài nước đã đến Bát Tràng thưởng ngoại nét tài hoa của người thợ, được tắm mình trong không gian gốm đậm đà bản sắc.
Một khách hàng yêu gốm Bát Tràng cho biết. "Ai cũng biết rằng gốm bây giờ không chỉ là vật phẩm tiêu dùng mà đã thật sự là một tác phẩm nghệ thuật mang hồn cốt, văn hóa dân tộc, tô điểm cho cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn".
Chị Điệp, một chủ cửa hàng hồ hởi giới thiệu sản phẩm gốm cho khách tham quan: "từ dịp Đại lễ đến nay, sản lượng gốm bán ra nhiều hơn so với trước 30%, vì ai đến làng gốm dịp này cũng muốn mua chút đồ làm kỷ niệm, mặc dù vậy giá sẩn phẩm gốm vẫn ổn định".
Theo ông Đỗ Xuân Hùng, Chủ tịch xã Bát Tràng, hiện cả xã có 5000 nhân khẩu, nhưng có tới hơn 90% hộ dân làm nghề gốm hoặc liên quan đến nghề gốm. Dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhiều hộ gia đình đã cho ra đời những sản phẩm gốm ấn tượng như: chiếu dời đô, hay lọ lục bình cao hơn 30 mét, ngoài ra nhiều hộ gia đình đã cung cấp sản phẩm cho con đường gốm sứ. Trước đó, gốm Bát Tràng đã có mặt ở một số nước trên thế giới như Úc, Mỹ. Nghề gốm đã giúp nhiều gia đình ở Bát Tràng trở thành tỷ phú từ gốm. Tuy nhiên, ông Hùng cũng không khỏi băn khoăn: "tiếng là như vậy nhưng gốm Bát Tràng cũng gặp không ít khó khăn khi gốm nước ngoài đang tràn ngập thị trường. Do vậy, chúng tôi luôn động viên người làm gốm cần phải đầu tư nhiều hơn cho sản phẩm của mình để thích ứng được thị trường ngày càng khó tính".
Chia tay làng gốm, dọc theo bờ sông Hồng – con đường gốm sứ nơi có sự đóng góp không nhỏ của người Bát Tràng, để về nội thành, những giọt nắng cuối ngày hắt vào bức tranh gốm khổng lồ được xác lập kỷ lục guiness, tỏa ra một thứ ánh sáng lung linh huyền ảo mê dụ lòng người, hòa vào đó là gió Hồ Tây man mát thổi men theo con đường gốm sứ ấy mang theo mùi hương lạ - mùi hương từ sắc màu của gốm.