Non nước Việt Nam

Du lịch văn hóa lễ hội, tín ngưỡng ở Phú yên

Cập nhật: 28/01/2011 14:01:36
Số lần đọc: 2745
Ngoài những sản phẩm du lịch về biển đảo, sinh thái rừng, ngày nay rất nhiều du khách có xu hướng du lịch tìm hiểu văn hóa các vùng miền, lễ hội tín ngưỡng. Những chùa chiền, nhà thờ, miếu mạo trở thành điểm đến của khách bốn phương.

Phong phú di tích văn hóa, lễ hội...

 

Với chiều dài lịch sử, các dân tộc sinh sống ở Phú Yên có một hệ thống di tích lịch sử, lễ hội văn hóa hết sức đa dạng, phong phú. Cụ thể, nhóm lễ hội gắn với văn hóa cư dân ven biển, sông nước có: Lễ hội đua thuyền đầm Ô Loan, sông Đà Rằng; các lễ hội cúng rước cá Ông, lễ hội cầu ngư với điệu hò bá trạo diễn ra ở khắp các làng chài từ tháng giêng đến tháng sáu âm lịch… Nhóm lễ hội gắn với văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số có: Lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới, bỏ mả... của cư dân các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh. Nhóm lễ hội gắn với các di tích lịch sử, danh nhân như: Lễ hội đền thờ Lương Văn Chánh, Lê Thành Phương, hội Chùa Ông…

 

Bên cạnh đó, những làng nghề truyền thống như gốm mỹ nghệ, bánh tráng, đan lát, nước mắm... luôn là những địa chỉ du lịch - văn hóa thu hút du khách trong và ngoài nước.

 

Đến với vùng đất Phú Yên du khách cũng sẽ có cơ hội hiểu thêm về dấu ấn lịch sử - văn hóa Sa Huỳnh như: núi Đá Bia, Thành Hồ, khu lò mộ đất nung Xuân Sơn Nam (Đồng Xuân); những di tích lịch sử như: Nhà thờ Bác Hồ, Vũng Rô với di tích Tàu Không số, di tích lịch sử Đường 5, nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên… Tất cả làm nên sự đa dạng về văn hóa của Phú Yên.

 

Và văn hóa tín ngưỡng 

 

Theo Đại đức Thích Chúc Phát, Chánh Văn phòng Giáo hội Phật giáo Phú Yên, hiện toàn tỉnh có 251 ngôi chùa, trong đó có khoảng trên dưới 10 ngôi chùa được sắc tứ và được xác định là cổ tự. Có thể kể đến như: Chùa Hồ Sơn, Kim Cang (TP Tuy Hòa), Bát Nhã, Từ Quang (huyện Tuy An)… Điểm chung của nhiều ngôi chùa ở Phú Yên là có phong cảnh hữu tình gắn với những truyền thuyết tâm linh và quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc. Chùa Từ Quang hay chùa Đá Trắng (xã An Dân, huyện Tuy An) là một điển hình.

 

Chùa Đá Trắng được công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia năm 1997. Nhiều câu chuyện xung quanh ngôi chùa này đã trở thành những điển tích không chỉ về mặt tôn giáo mà còn mang đậm bản sắc văn hóa. Chùa được sáng lập vào năm Đinh Tỵ (1797) do thiền sư Pháp Chuyên, đời thứ 36 phái Lâm Tế khai sơn. Kiến trúc ngôi chùa theo dạng chùa nhà lá mái đồ sộ. Vào năm Thành Thái nguyên niên được vua ban sắc tứ cho ngôi chùa này. Những năm 1885-1887, vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, tại Phú Yên, phong trào này do chí sĩ Lê Thành Phương lãnh đạo, các nhà sư của chùa Từ Quang cũng tham gia. Chùa trở thành pháo đài cho đạo quân của phó tướng Bùi Giảng ngăn chặn quân Pháp đổ bộ từ cửa biển Tiên Châu vào. Trong suốt hai cuộc kháng chiến, chùa Đá Trắng là căn cứ chỉ huy nuôi giấu cán bộ, tập hợp nghĩa binh nhiều phen khiến cho giặc và tay sai khiếp vía.

 

Chùa Từ Quang có một đặc sản nổi tiếng là giống xoài tượng, có hương vị thơm dịu, ngọt lịm. Ai đã từng nếm thử đều không thể quên được hương vị của nó. Dưới triều nhà Nguyễn, mỗi năm vào Tết Đoan Ngọ phải tiến cống 1.000 trái. Từ đó xoài Đá Trắng còn có tên gọi là “xoài ngự”, “xoài tiến cung”.

 

Hàng năm vào ngày mồng mười tháng Giêng, sư tăng và nhân dân ở đây tổ chức lễ hội chùa Từ Quang, vừa theo nghi lễ Phật giáo vừa có hội hè phục vụ đông đảo nhân dân. Hàng ngàn khách thập phương về đây dự lễ, đồng thời tham quan di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia này.

 

Bên cạnh những ngôi chùa nổi tiếng, còn có những ngôi nhà thờ cổ kính. Từ lâu nhà thờ Mằng Lăng (huyện Tuy An) là một trong những địa chỉ văn hóa tín ngưỡng. Nhà thờ đầu tiên tại Phú Yên này được xây dựng năm 1892 do công của linh mục Joseph La Cassagne, người Pháp.

 

Với trên 200 năm tồn tại và với công trình kiến trúc thế kỷ XIX, nhà thờ Mằng Lăng là điểm nên đến cho những ai có dịp qua Phú Yên. Nhà thờ Mằng Lăng còn là nơi lưu giữ cuốn sách in đầu tiên bằng chữ quốc ngữ của nước Việt Nam, in tại Roma, Ý, năm 1651. Đó là quyển giáo lý Phép giảng tám ngày của Alexandre de Rhodes (người dân địa phương gọi là cha Đắc Lộ) - người khai sinh ra chữ quốc ngữ.

 

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng Cục Du lịch), nói: “Văn hóa lịch sử, văn hóa tín ngưỡng đối với du lịch cũng là một dạng tài nguyên. Vấn đề là tổ chức kết nối hài hòa giữa du lịch và văn hóa để tạo ra sức thu hút nhưng không mất đi giá trị văn hóa lịch sử và văn hóa tín ngưỡng. Với những tiềm năng về du lịch biển - đảo, du lịch sinh thái, những di tích, dấu ấn lịch sử, văn hóa đang lưu giữ, duyên hải Nam Trung Bộ nói chung và Phú Yên nói riêng đang và sẽ là địa chỉ hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước”.

Nguồn: Báo Phú Yên

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT