Hoạt động của ngành

10 hoạt động tiêu biểu của du lịch Việt Nam năm 2010

Cập nhật: 19/01/2011 10:40:03
Số lần đọc: 6989
Ngày 18/01/2011 tại Hà Nội đã diễn ra Lễ bình chọn các hoạt động tiêu biểu của Du lịch Việt Nam năm 2010 do Báo Du lịch tổ chức dưới sự ủy nhiệm của Tổng cục Du lịch.

Đây là hoạt động thường niên của Báo Du lịch thu hút sự quan tâm của nhiều phóng viên các báo, đài Trung ương và địa phương, các nhà quản lý, các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực du lịch.

Sau hơn 2 tháng tổ chức bình chọn “Những hoạt động tiêu biểu của du lịch Việt Nam năm 2010”, hơn 100 phóng viên và các nhà quản lý du lịch đã tham gia đóng góp ý kiến và chọn ra 10 sự kiện nổi bật trong 14 sự kiện được đề cử.

 

Dưới đây là những tóm tắt nội dung của 10 sự kiện do các phóng viên báo chí bình chọn:

 

1. Đón 5 triệu khách du lịch quốc tế, 28 triệu khách du lịch nội địa, thu nhập ước đạt 96.000 tỷ đồng.

Đây là sự kiện quan trọng trong năm 2010 của Du lịch Việt Nam (DLVN), đồng thời đánh dấu cột mốc lần đầu tiên DLVN đạt kỷ lục tăng trưởng về lượng khách quốc tế. Năm 2010 lần đầu tiên DLVN đạt kỷ lục tăng trưởng về lượng khách quốc tế với trên 1,2 triệu lượt so với năm 2009 - là năm có lượng khách quốc tế đến cao nhất trong lịch sử 50 năm hình thành và phát triển của Ngành. Tính trong năm 2010, lượng khách quốc tế đến Việt Nam hàng tháng đều cao so với những năm trước, đạt trung bình gần 420.000 lượt khách/tháng. Chỉ riêng trong quý I/2010, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2009. Chào đón vị khách quốc tế thứ 5 triệu, DLVN đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra cho cả năm 2010 (mục tiêu đón 4,2 triệu lượt khách quốc tế), lượng khách du lịch nội địa đạt trên 28 triệu lượt; thu nhập từ du lịch dự kiến đạt khoảng 96 nghìn tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2009, ước tính đóng góp 4,5 % cho tổng GDP đất nước – đây cũng sẽ là tiền đề để DLVN có những bước phát triển mới, hướng tới mục tiêu đón 5,3 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam vào năm 2011.

 

2/ Kỷ niệm 50 năm thành lập Ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 – 9/7/2010).

Trải qua 50 năm hình thành và phát triển đến nay, Du lịch đã đạt được những thành tựu nổi bật khẳng định mình là ngành kinh tế trọng điểm, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, Du lịch Việt Nam đã thực sự là điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế. Cùng với sự phát triển của ngành Du lịch là sự cống hiến cao đẹp của các thế hệ cán bộ, công nhân viên trong Ngành qua nhiều thế hệ. Trải qua chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển, ngành Du lịch ngày càng khẳng định được vai trò của mình, trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước, là nhịp cầu hữu nghị của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Ngành Du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển trở thành ngành kinh tế chủ lực của đất nước và đạt được chỉ tiêu đến năm 2020 thu hút từ 11 đến 12 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 45 triệu lượt khách nội địa.

 

3/ Chương trình kích cầu du lịch “Việt Nam – Điểm đến của Bạn”.

Chương trình kích cầu du lịch năm 2010 với tên gọi “Việt Nam- điểm đến của bạn” với 7 nội dung đó là:

- Phát động chiến dịch bán hàng giảm giá vào mùa thấp điểm "Impressive Viet Nam Grand Sale 2010" nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

- Phát động chiến dịch xúc tiến tại chỗ đối với khách du lịch đã đến Việt Nam với khẩu hiệu “Việt Nam thân thiện chào đón bạn”.

- Phát động chiến dịch hướng về cội nguồn giành cho Việt kiều.

- Đẩy mạnh chương trình thu hút khách du lịch quốc tế.

- Đẩy mạnh chương trình du lịch nội địa nhân dịp các sự kiện lớn của dân tộc và ngành du lịch

- Đẩy mạnh các hoạt động xây dựng, phát triển sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ.

- Đẩy mạnh chiến dịch bình chọn cho Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới, với thông điệp “mỗi du khách một phiếu bầu cho Vịnh Hạ Long”.

 

4/ Năm Du lịch quốc gia 2010 tại Hà Nội.

Với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội - Hội tụ ngàn năm”, Năm du lịch quốc gia 2010 gồm nhiều chương trình, hoạt động như: Đầu tư nâng cao chất lượng và sản phẩm du lịch; phát động phong trào “Người Hà Nội đón bạn thăm nhà”, “Năm du lịch xanh”; thi hướng dẫn viên du lịch giỏi, hoàn thành một số dự án du lịch, Festival Du lịch quốc tế Thăng Long- Hà Nội 2010, Liên Hoan ẩm thực Hà thành, gắn biển cho các cơ sở du lịch đạt chuẩn chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội…Năm du lịch Quốc gia 2010 tại Hà Nội đã thành công tốt đẹp và là sự kiện du lịch lớn nhất cả nước năm 2010 với sự tham gia của nhiều địa phương.

 

5/ Trình Thủ tướng Chính phủ “Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” và các Đề án phát triển Du lịch giai đoạn 2011 – 2020.

Mục tiêu của chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020 là du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, thân thiện với môi trường… đưa Việt Nam trở thành điểm đến đẳng cấp trong khu vực. Năm 2030, đưa Việt Nam thành một trong những điểm đến du lịch ưa chuộng, có đẳng cấp trên thế giới.

Cụ thể, đến năm 2015 tăng trưởng du khách sẽ đạt 7-8 triệu khách quốc tế, 32- 35 triệu khách nội địa. Đến năm 2020 thu hút 11- 12 triệu khách quốc tế và 45- 48 triệu lượt khách nội địa. Và, đến năm 2030 các con số này đạt 19- 20 triệu khách quốc tế, 70 triệu khách nội địa.

Thu nhập du lịch đạt 10- 11 tỷ USD năm 2015, 18- 19 tỷ USD năm 2020 và tăng gấp đôi vào năm 2030.

Theo đó, GDP du lịch toàn quốc năm 2015 sẽ chiếm 5,5 – 6% và năm 2020 đạt 6,5-7%/tổng GDP cả nước.

Về phát triển sản phẩm, thị trường: Tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm, loại hình du lịch đặc trưng và chất lượng cao trên cơ sở phát hy giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc, có thế mạnh nổi trội. Cụ thể, đó là phát triển mạnh du lịch biển với hệ thống sản phẩm cạnh tranh khu vực về nghỉ dưỡng, tham quan thắng cảnh; Phát triển du lịch văn hoá gắn với di sản, lễ hội, tham quan và tìm hiểu văn hoá, lối sống địa phương… Đẩy mạnh phát triển du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, khám phá hang động, du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn.

 

6/ Chiến dịch quảng bá xúc tiến Du lịch tại Trung Quốc, Thái Bình Dương, Tây Âu và Đông Nam Á.

Chiến dịch quảng bá ở các thị trường tiềm năng này đã đánh dấu dấu bước trưởng thành vượt bậc về chất của công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam. Các chiến dịch quảng bá, xúc tiến của du lịch Việt Nam đã đi vào đúng trọng điểm cần xúc tiến, đạt hiệu quả thu hút khách. Nếu như trước đây việc xúc tiến chỉ tập trung với quy mô nhỏ và vừa là chủ yếu thì năm 2010 đã tăng về quy mô, chất lượng. Chiến dịch xúc tiến, quảng bá của du lịch Việt Nam trong năm qua cũng được mở rộng thêm nhiều đối tượng, trong đó có đông đảo bà con người Việt đang sinh sống ở nhiều nước trên thế giới. Hiện có hơn 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống tại 104 nước trên thế giới. Đây cũng là lượng khách tiềm năng mà du lịch Việt Nam đang hướng tới. Đồng thời đây cũng chính là những người quảng bá, xúc tiến hình ảnh Việt Nam tốt nhất đến với du khách quốc tế ở chính những nơi có người Việt Nam sinh sống…  

 

7/ Khai trương Kênh truyền hình Du lịch.

Kênh truyền hình du lịch ra mắt khán giả đúng vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, được xây dựng nhằm tuyên truyền, quảng bá về Du lịch Việt Nam. Nội dung kênh tập trung giới thiệu chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Du lịch, tô đậm hình ảnh điểm đến Việt Nam an toàn, thân thiện và hấp dẫn, cung cấp thông tin và quảng bá sản phẩm du lịch.

Việc mở kênh truyền hình Du lịch sẽ là bước đột phá không chỉ có ý nghĩa đối với ngành Du lịch mà rộng ra là tuyên truyền đối nội và đối ngoại về hình ảnh đất nước, về con người và văn hóa dân tộc Việt Nam – Mục tiêu và Động lực của sự phát triển. Thời lượng phát sóng của kênh truyền hình Du lịch là 18/24 tiếng liên tục tại kênh Du lịch trên hệ thống Truyền hình cáp thuộc Đài truyền hình Việt Nam, được phủ sóng toàn quốc và tiến tới phủ sóng trên phạm vi quốc tế.

 

8/ Hội thảo quốc gia: “Phát triển Du lịch Việt Nam trong bối cảnh tích cực, chủ động hội nhập quốc tế” và Hội thảo quốc tế: “Du lịch - Động lực quan trọng phát triển kinh tế xã hội”.

Hội thảo “Phát triển Du lịch Việt Nam trong bối cảnh tích cực, chủ động hội nhập quốc tế” do Bộ VHTTDL, TCDL phối hợp với Báo Nhân Dân tổ chức vào ngày 29/6/2010. Hội thảo có 40 tham luận trình bày, nhằm xác định mục tiêu, đánh giá bất cập, đề xuất những giải pháp để Du lịch Việt Nam phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Hội thảo “Du lịch - Động lực quan trọng phát triển kinh tế xã hội” được diễn ra vào ngày 10/5/2010 – đây là diễn đàn cho các nhà hoạch định chính sách về du lịch, các chuyên gia, các nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch trao đổi về vai trò của du lịch trong tạo việc làm, thu nhập, nâng cấp cơ sở hạ tầng và xóa đói giảm nghèo ở khu vực; về các cơ hội phát triển du lịch do công nghệ thông tin mang lại; bàn thảo các biện pháp giải quyết những thách thức trong phát triển du lịch, các giải pháp nhằm tối đa hóa lợi ích phát triển kinh tế từ du lịch, tăng cường sự đóng góp tích cực của du lịch đối với phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia và cả khu vực.

 

9/ “Tour Du lịch quốc tế leo núi cắm cờ Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi” trên đỉnh Fansipan năm 2010.

Chương trình Tour du lịch quốc tế leo núi cắm cờ “Thăng Long – Hà Nội 1000 năm tuổi” trên đỉnh Fansipan năm 2010 do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai tổ chức với quy mô Quốc gia, nhằm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và các ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2010. Hưởng ứng chương trình Hành động quốc gia về du lịch giai đoạn 2006 – 2010. Đây cũng là hoạt động nhằm duy trì Giải leo núi chinh phục đỉnh Fansipan truyền thống của tỉnh Lào Cai trên cơ sở kết hợp chương trình du lịch khám phá và du lịch leo núi mạo hiểm. Trong khuôn khổ chương trình leo núi cắm cờ Thăng Long-Hà Nội 1000 năm lần này còn diễn ra hai cuộc hội thảo quan trọng tổng kết chương trình du lịch về cội nguồn giữa Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ và hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng.

 

10/ Hội chợ triển lãm Quốc tế Du lịch (ITE) TP. Hồ Chí Minh 2010.

Hội chợ triển lãm quốc tế Du lịch (ITE) TP. HCM năm 2010 là  sự kiện thương mại du lịch lớn nhất Việt Nam, Lào và Campuchia được tổ chức từ ngày 30.9 đến 2.10.2010 tại TP.HCM. Hội chợ đã thu hút 236 đơn vị tham gia triển lãm đến từ 16 quốc gia trên thế giới và khu vực. Qua đây các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực du lịch tham gia nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm và thương hiệu của mình tới đông đảo du khách.

Nguồn: Trung tâm Thông tin Du lịch

Cùng chuyên mục