Hoạt động của ngành

Ðón khách quốc tế thứ năm triệu, du lịch Việt Nam có bước tăng trưởng ngoạn mục

Cập nhật: 27/12/2010 14:12:49
Số lần đọc: 4155
Năm 2010 có thể coi là năm bản lề quan trọng cho giai đoạn phát triển ở tầm cao mới của du lịch Việt Nam. Cả nước hướng tới Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thực hiện Năm Du lịch quốc gia Hà Nội 2010 và kỷ niệm 50 năm thành lập ngành du lịch.  Ðây cũng là năm ngành du lịch nước ta đã có bước tăng trưởng ngoạn mục với việc đón vị  khách quốc tế thứ năm triệu trong năm 2010, tăng 32% so với năm 2009.
Sự kiện này ghi dấu phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch nước ta, thể hiện hiệu quả của những biện pháp kích cầu và quảng bá, thu hút khách đang được triển khai. Tuy nhiên, nhiều mặt hạn chế của du lịch vẫn tiếp tục tác động đến sự phát triển bền vững, làm giảm sức cạnh tranh của du lịch nước ta.

Dấu ấn của năm bản lề

Cùng với tin vui đón vị khách quốc tế thứ năm triệu trước kế hoạch một tháng, 2010 cũng là năm đầu tiên có lượng khách quốc tế đến hằng tháng cao nhất trong vòng 20 năm qua. Theo một kết quả khảo sát mới đây của Hiệp hội du lịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương (PATA), Việt Nam đứng đầu trong bảng xếp hạng những điểm đến được ưa chuộng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đối với du khách Thái-lan, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản và Xin-ga-po. Từ con số hai triệu lượt khách quốc tế đến nước ta năm 2000, sau nhiều biến động của tình hình thế giới và bệnh dịch, phải đến năm 2007, Việt Nam mới đón được vị khách quốc tế thứ bốn triệu. Nhưng ngay sau đó khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 đã làm giảm lượng khách trong năm 2009 xuống còn 3,747 triệu lượt khách. Sự kiện đón khách quốc tế thứ năm triệu năm nay cho thấy sự phục hồi nhanh chóng và hiệu quả những bước đi của ngành du lịch trong năm vừa qua.

Có thể coi 2010 là năm bản lề quan trọng cho giai đoạn phát triển ở tầm cao mới của du lịch Việt Nam. Ngay từ những tháng đầu năm 2010, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng nhanh. Quý I năm nay, khách quốc tế đã tăng 36,2% so với cùng kỳ 2009. Mùa hè là mùa thấp điểm của khách du lịch quốc tế nhưng sáu tháng đầu năm khách quốc tế đều tăng 32,6%. Lượng khách đến hằng tháng từ tháng 1 đến tháng 9 đạt trung bình 420.000 lượt/tháng, vượt xa so với những năm trước và đây là năm đầu tiên lượng khách quốc tế đến hằng tháng cao nhất trong vòng 20 năm qua. Chính sự tăng trưởng nhanh và đều đặn này đã bảo đảm cho ngành du lịch vượt kế hoạch đề ra cho năm 2010. Tính đến thời điểm này, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng hơn 1 triệu 220 nghìn lượt khách, tăng 32% so với năm trước, vượt kế hoạch dự kiến trước gần một tháng. Doanh thu từ du lịch đạt khoảng 96 nghìn tỷ đồng, tăng 37%.

Dự báo, năm 2010 sẽ có khoảng chín đến mười thị trường quốc tế trọng điểm đưa hơn 200.000 lượt khách đến nước ta. Con số này cũng ghi dấu về lượng khách đến kỷ lục của mười thị trường gửi khách hàng đầu tiên, nhất là có sự tăng trưởng cao của các thị trường khu vực Ðông Bắc Á và ASEAN. Ðây là những dấu hiệu tích cực đối với sự phát triển của ngành du lịch trong năm 2010 và những năm tới.

Có được những kết quả khả quan nói trên là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, đúng hướng của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam, phát huy những nguồn lực và lợi thế của một bộ đa ngành cùng với những nỗ lực của toàn ngành, từ những cơ quan quản lý nhà nước cho đến các đơn vị kinh doanh lữ hành, khách sạn dịch vụ du lịch. Kết quả này một lần nữa khẳng định vị thế của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới cũng như các nỗ lực của ngành du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn của kinh tế trong nước và thế giới, mở rộng, đi đôi với củng cố các thị trường khách trọng điểm, tập trung khai thác các thị trường gần, thị trường tiềm năng, tăng cường xúc tiến, quảng bá cho những thị trường mục tiêu với tần suất cao và quy mô lớn. Ngành cũng đã có những kế hoạch ứng phó kịp thời và nhanh chóng khi đưa ra được các chương trình kích cầu du lịch phù hợp, qua đó hạn chế sự giảm sút, tiến đến phục hồi đà tăng trưởng du lịch một cách ngoạn mục, như Chương trình Ấn tượng Việt Nam, kích cầu du lịch trong nước trong năm 2009 và chương trình kích cầu du lịch Việt Nam - Ðiểm đến của bạn trong năm 2010 có sự phối hợp, ủng hộ của các ngành, các cấp, nhất là ngành ngoại giao, công an, hàng không... đối với sự phát triển của ngành du lịch thời gian qua.

Hướng tới sự phát triển bền vững

Tuy nhiên, trong niềm vui cũng có những nỗi lo khi du lịch Việt Nam vẫn còn đó nhiều yếu điểm đã trở thành căn bệnh kinh niên chưa thể giải quyết, ảnh hưởng sự phát triển bền vững. Tính liên kết phát triển giữa các địa phương, giữa các ngành liên quan hạn chế, tình trạng mạnh ai nấy làm, xuất phát từ lợi ích cục bộ, trước mắt, tác động không nhỏ đến chiến lược phát triển và các chương trình hành động thúc đẩy thị trường. Bản sắc văn hóa độc đáo, phong cảnh đẹp sẽ không thể phát huy về lâu dài nếu thiếu đi một chiến lược quảng bá, xúc tiến mang tính chuyên nghiệp. Chú trọng thực hiện đa dạng hóa, khai thác và làm mới sản phẩm du lịch thu hút khách, nhưng đồng thời phải kèm theo các biện pháp bảo tồn, phát huy, bồi bổ để giữ gìn sức hấp dẫn về lâu dài. Cũng như vậy, thế mạnh giá rẻ, chi phí thấp của du lịch Việt Nam sẽ thiếu đi sức cạnh tranh nếu tiếp tục tái diễn tình trạng mùa vụ, tự phát, vô tư chặt chém, nâng giá phòng khách sạn, giá tua du lịch tùy tiện trong các kỳ cuộc lễ hội, sự kiện du lịch, làm phiền lòng và mất đi niềm tin ở du khách, để họ một đi không trở lại. Bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu du lịch còn phải đồng hành cùng việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức kinh doanh du lịch trong cộng đồng để chính quyền địa phương và từng người dân ở các trung tâm du lịch đều có thể hiểu rằng tạo và giữ được niềm tin ở mỗi du khách không chỉ mang lại lợi ích chung mà gói trong đó cả lợi ích riêng của họ...

Ðể thu hút khách đến và mở rộng thị trường, giải pháp hàng đầu và vô cùng cần thiết đối với hoạt động kinh doanh là coi trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu  thị trường và xúc tiến quảng bá du lịch, xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam trong khu vực và thế giới. Xác định đúng thị trường và có phương pháp để tiếp thị, thu hút khách du lịch mang lại những hiệu quả to lớn. Ngành du lịch đã quan tâm sớm đến lĩnh vực này, nhưng vẫn còn làm được quá ít bởi nhiều nguyên nhân về cách làm, về đội ngũ chuyên gia và kinh phí thực hiện. Công tác quảng bá du lịch do thiếu kinh phí nên không làm đến nơi, đến chốn, phạm vi tuyên truyền không rộng như mong muốn, chương trình quảng bá hình ảnh điểm đến Việt Nam vẫn còn đơn điệu, không thật lôi cuốn như cách làm chuyên nghiệp của du lịch các nước; nên tập trung nghiên cứu thị trường, xác định thị trường trọng điểm quảng bá  hình ảnh du lịch Việt Nam, nhất là các thị trường gần như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN và Thái Bình Dương; chú trọng  khai thác lợi thế hành lang Ðông - Tây để thu hút khách; tổ chức các chiến dịch xúc tiến tại khu vực Tây Âu, Bắc Mỹ và những thị trường mới nổi ở Ðông Âu; mở rộng thị trường mới sang Nam Á và Trung Ðông. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng du lịch thì một cứu cánh giúp các doanh nghiệp du lịch vượt qua giai đoạn kinh doanh khó khăn là sự sôi động của thị trường du lịch trong nước. Thông qua các chương trình và các chiến dịch khuyến mại, giảm giá, đã làm gia tăng lượng khách du lịch nội địa, tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh của các đơn vị lữ hành, khách sạn, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp trong ngành du  lịch cũng như của nhiều ngành kinh tế có liên quan. Chính vì vậy, đẩy mạnh hoạt động quảng bá thu hút khách du lịch trong nước ngày càng có ý nghĩa quan trọng trong phát triển du lịch. Ðẩy mạnh hoạt động du lịch hướng tới thị trường trong nước còn góp phần nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa và tinh thần của nhân dân theo mức sống đang ngày càng được nâng cao. 

Trong năm qua, nhận thức về du lịch tuy đã có nhiều chuyển biến cùng sự phát triển của ngành, nhưng để huy động được sức mạnh tổng lực thực hiện phát triển du lịch, nhận thức của các cấp, ngành về du lịch cũng như của các tầng lớp xã hội, nhân dân phải được nâng cao và mở rộng hơn. Ngành du lịch phải chủ động tuyên truyền, giáo dục, giúp khẳng định được vai trò động lực của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Từ đó tạo nên những chuyển biến nhận thức sâu rộng và rõ nét trong xã hội về tầm quan trọng của phát triển du lịch ở các địa phương nói riêng và cả nước nói chung, nhất là trong đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, khai thác sử dụng tài nguyên, phân công, phân cấp trong quản lý du lịch. Nhận thức rõ điều này, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân cần biến nhận thức thành hành động thực tiễn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của đất nước, đóng góp ngày càng quan trọng vào sự thịnh vượng của nền kinh tế.

Những thành tựu của năm bản lề 2010 là bước tạo đà quan trọng  của du lịch Việt Nam trong năm 2011 và những năm tiếp theo. Sự đồng lòng, vì lợi ích phát triển chung và kiên quyết khắc phục những yếu kém nêu trên, chắc chắn sẽ tạo nên những bước phát triển mới, ngoạn mục và bền vững của du lịch nước ta.

TS NGUYỄN ANH TUẤN

 (Tổng cục Du lịch Việt Nam)

Nguồn: Trung tâm Thông tin Du lịch

Cùng chuyên mục