Tin tức - Sự kiện

Du lịch thiền - loại hình du lịch mới và thân thiện với môi trường

Cập nhật: 30/06/2008 09:06:12
Số lần đọc: 1734
Những năm gần đây, Zentourism (ZT) phát triển mạnh ở các nước Đông Á. Riêng Nhật Bản, doanh thu của ZT đạt đến 30 tỷ USD mỗi năm. Du khách đến với ZT không chỉ là người bản địa mà còn từ các nước công nghiệp Âu, Mỹ. Lập lại cân bằng tâm linh, thư giãn và thân thiện với môi trường là những đặc trưng cơ bản của loại hình du lịch này. Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng để phát triển ZT.

Nguồn gốc và sự phát triển của ZT

 

Các phương pháp luyện tập Yoga của Ấn Độ giáo cổ xưa nhằm tiếp cận với cõi vô thức đã xuất hiện khoảng 3000 - 3500 năm trước là xuất phát điểm của Thiền. Khoảng 2500 năm trước, đức phật Thích Ca Mầu Ni khi áp dụng Dhyana vào tu tập phật pháp, đã sáng tạo ra dòng Thiền đầu tiên trong lịch sử minh triết phương Đông có tên là Thiền Thiên Trúc.

 

Khoảng năm 520 CN, tức là 1000 năm sau khi xuất hiện dòng Thiền Thiên Trúc Ấ Độ, vị sư tổ đời 28 của dòng Thiền Thiên Trúc là Bồ Đề Đạt Ma sang truyền đạo ở Trung Quốc. Sự kết hợp giữa Dhyana và Đạo Lão đã làm xuất hiện Thiền Tông Trung Hoa, được gọi là Chan (hoặc Tan).

 

Đến đất nước Phù Tang, Chan gặp được mảnh đất màu mỡ để bén rễ xanh cây, đó là thần đạo (Shinto) - một trong các tôn giáo cổ xưa nhất thế giới. Shinto là sản phẩm của nền văn hóa nông nghiệp Nhật Bản, vốn gắn chặt và phụ thuộc vào thiên nhiên, hơn nữa lại là một thiên nhiên đầy rủi ro động đất, núi lửa, trượt lở đất đá... Vì thế Shinto còn được gọi là "Tôn giáo kính thờ thiên nhiên". Ngoài những lễ nghi và tập tục, Shinto còn là sự biểu cảm sức mạnh và vẻ đẹp tự nhiên. Sự kết hợp giữa Chan Trung Quốc và Shinto Nhật Bản tạo ra Zen (thiền Nhật Bản). Ngày nay, Zen trở thành phổ biến và là thuật ngữ tiếng Anh chính thức của thiền. Zen không chỉ là cách tụ tập của phật giáo, mà còn là một lối sống có triết lý giản dị nhưng thâm trầm, đậm sắc thái Nhật Bản hàng ngàn năm trở lại nay của phần đông dân chúng. Zen đi vào nhiều mặt của đời sống Nhật Bản như điêu khắc, nghệ thuật tranh Mặc hội (Sumiye), xây dựng các công viên Thiền (ví dụ điển hình là công viên đá Royanji ở Kyoto). Tầm cao của lối sống Nhật mang đậm phong cách thiền là võ sĩ đạo (Bushido)...

 

Sự phát triển ZT trên cơ sở một xã hội có phong cách sống Thiền đã khiến cho thiên nhiên Nhật Bản được bảo vệ rất tốt. Chính Hội các đền thờ Shinto là tổ chức đầu tiên đề xuất việc bảo vệ môi trường ở đất nước này.


Khả năng phát triển ZT ở Việt Nam

 

Vốn là một đất nước nông nghiệp truyền thống lâu đời, người Việt có tín ngưỡng tôn kính thiên nhiên qua phong tục thờ các nữ thần như nữ thần rừng núi (Thánh mẫu Thượng ngàn), nữ thần mây (Pháp Vân), nữ thần sấm (Pháp Điện), nữ thần mưa (Pháp Vũ), nữ thần nước (Bà Thủy /Thoải), phong tục cúng thần cây đa, ma cây gạo... Những hình thức tín ngưỡng cổ xưa này có nhiều nét tương đồng với Shinto của Nhật và là mảnh đất thuận lợi tiếp nhận các đợt sóng Thiền du nhập vào nước ta qua chiều dài lịch sử dân tộc.

 

Chưa thể nói rằng ZT đã thực sự xuất hiện ở Việt Nam, nhưng với dấu ấn thiền đậm nét trong tầm sâu văn hóa dân tộc, với nguồn du khách ngày càng tăng trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, chắc chắn ZT sẽ là loại hình du lịch đầy hứa hẹn.

Nguồn: Tạp chí DLVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT