Quảng Ngãi: Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của đồng bào miền núi
Trong những năm gần đây, một số lễ hội của đồng bào được khôi phục và tổ chức như: lễ hội đâm trâu, lễ hội cầu mưa, các lễ thức liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Qua sinh hoạt lễ hội các hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian khác dần được khôi phục như đánh cồng chiêng, sử dụng nhạc cụ dân tộc, các làn điệu dân ca : Xà ru, agiới, kalêu, ra ghé... góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn vốn văn hoá dân tộc truyền thống của từng tộc người, từng bước đáp ứng yêu cầu sinh hoạt văn hoá tinh thần cho đồng bào miền núi. Tuy nhiên, qua thực tiễn tổ chức lễ hội cho thấy chỉ có một số người lớn tuổi mới biết các nghi thức lễ hội và hát các làn điệu dân ca của dân tộc mình, đặc biệt là nghệ thuật chế tác và trang trí cây nêu, chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc. Ngoài ra, trong kho tàng văn nghệ dân gian của đồng bào còn có nhiều câu chuyện (Hmon) đa đạng và phong phú, thể hiện ý chí và khát vọng của đồng bào, nhưng chưa được sưu tầm, lưu giữ nên có nguy cơ bị quên lãng. Bên cạnh đó, do điều kiện giao lưu thuận lợi giữa đồng bằng và miền núi nên hiện tượng "Kinh" hoá một số sinh hoạt văn hoá của đồng bào trong lễ cưới, trong trang phục truyền thống, xây dựng nhà ở; nhiều cổ vật quý hiếm như chiêng, ché, đồ trang sức bị bán đi đã làm mất đi nhiều hiện vật có giá trị.
Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của đồng bào miền núi Quảng Ngãi, địa phương và ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng để nhiệm vụ giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của tộc người mình. Từ đó mỗi cá nhân tham gia trực tiếp vào các hoạt động sinh hoạt lễ hội, thực hiện các lễ thức phù hợp với phong tục tập quán, với văn hoá truyền thống của dân tộc mình, có ý thức gìn giữ tài sản văn hoá dân tộc; có kế hoạch khôi phục các lễ hội, các lễ thức sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng có giá trị trong đời sống; loại bỏ những lễ thức lạc hậu, mê tín dị đoan ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống đồng bào; thực hiện việc sưu tầm và ghi chép các làn điệu dân ca, các câu chuyện kể, những bài văn tế của thầy cúng. Khuyến khích sử dụng cồng chiêng, các loại nhạc cụ dân tộc trong tế lễ và sinh hoạt lễ hội cộng đồng. Đồng thời, khuyến khích các già làng trưởng bản, những người cao tuổi và nghệ nhân truyền dạy cho con cháu kỹ thuật chế tác nhạc cụ và sử dụng nhạc cụ, trang trí cây nêu; hướng dẫn tổ chức thực hiện các nghi lễ trong đời sống sinh hoạt văn hoá tâm linh để truyền kinh nghiệm và giá trị văn hoá truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Các địa phương cần nghiên cứu các quy định của luật tục phù hợp với quy định pháp luật, để xây dựng các quy ước bản làng có nội dung phù hợp với đời sống và tập quán của đồng bào. Đầu tư, xây dựng các nhà sinh hoạt văn hoá để tạo không gian sinh hoạt văn hoá cho từng làng; đồng thời chì đạo các ngành chức năng tổ chức thực hiện tốt phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hoá, tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng để khơi dậy, khai thác bảo tồn các loại hình sinh hoạt văn hoá dân dân của đồng bào. Hướng dẫn và khuyến khích nhân dân ở các làng tự tổ chức các loại hình sinh hoạt văn hoá dân gian, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá của đồng bào, vừa trực tiếp sáng tạo ra các giá trị văn hoá mới, làm phong phú thêm vốn văn hoá văn nghệ dân gian của dân tộc mình. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về văn hoá trên các lĩnh vực bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi làm tổn hại đến văn hoá truyền thống. Một giải pháp quan trọng nữa là coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ văn hoá cơ sở, phát huy vai trò của các già làng, những nghệ nhân hoạt động văn hoá; có chính sách khuyến khích thoả đáng để họ tham gia thực hiện tốt yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của dân tộc mình.