Khám phá Phú Yên
Với chủ đề “Du lịch biển, đảo”, Năm du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung bộ - Phú Yên 2011 ngoài lễ mít tinh trọng thể và chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 400 năm Phú Yên, còn có trên 30 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch có quy mô lớn diễn ra liên tục trong năm tại các tỉnh, thành vùng duyên hải Nam Trung bộ như: Giải leo núi quốc tế chinh phục đỉnh núi Đá Bia, Đêm giao lưu văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc và một số nước, khai mạc Tháng du lịch biển, đảo Việt Nam, Festival âm nhạc truyền thống các nước ASEAN…
Đây cũng sẽ là dịp để du khách trong và ngoài nước khám phá những nét hoang sơ, kỳ thú của biển, đảo Nam Trung Bộ và Phú Yên. Hy vọng bài viết nhỏ này như một cẩm nang cho du khách trong hành trình du lịch đến với Phú Yên.
Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Nhạn
Núi Nhạn nằm bên bờ Bắc sông Đà Rằng, thuộc địa phận phường I, TP. Tuy Hòa. Đứng ở độ cao 64m trên đỉnh núi Nhạn, du khách có thể ngắm nhìn vẻ đẹp toàn cảnh của TP. Tuy Hoà nằm bên bờ biển Đông và dòng sông Đà Rằng với 4 chiếc cầu đường sắt và đường bộ chạy song song qua sông. Trên đỉnh Núi Nhạn có ngôi tháp Chăm cổ kính có tên gọi là Tháp Nhạn, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XI. Đây là một trong những ngôi tháp vào loại lớn của người Chăm. Tháp có cấu trúc bình đồ vuông, mỗi cạnh 10m, chiều cao 23,5m, gồm 3 phần chính: đế, thân và mái. Cửa tháp quay về hướng Đông.
Hàng năm, vào dịp lễ, tết, trên núi Nhạn tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, vui chơi giải trí. Đặc biệt, vào rằm tháng Giêng âm lịch, nơi đây diễn ra Hội thơ Nguyên Tiêu thu hút đông đảo văn nghệ sĩ và du khách.
Di tích khảo cổ quốc gia Thành Hồ
Thành Hồ nay thuộc thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa, cách TP. Tuy Hòa 13km về phía Tây theo quốc lộ 25, là một di tích kiến trúc quân sự và đô thị của người Chăm, hình thành từ thế kỷ VII.
Thành Hồ được xây dựng bên bờ phía Bắc sông Đà Rằng, với cấu trúc hình tứ giác. Hiện trạng bờ thành phía Đông dài 785m, phía Bắc dài 742m, phía Nam bị sông xói lở chỉ còn lại 250m, phía Tây dựa vào núi Hòn Mốc. Các bờ thành cao từ 3-5m, chân bờ thành rộng từ 20-30m. Qua khai quật khảo cổ đã phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc và hiện vật. Các hố khai quật hiện được bảo vệ nguyên trạng để phục vụ khách tham quan, nghiên cứu.
Thành Hồ được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích khảo cổ quốc gia năm 2005.
Di tích khảo cổ quốc gia Thành An Thổ
Thành An Thổ nằm ở thôn An Thổ thuộc xã An Dân, huyện Tuy An, được xây dựng vào năm 1832 và hoàn thành khoảng năm 1836, là trung tâm hành chính của chính quyền phong kiến ở Phú Yên. Trong thời gian từ năm 1901 đến năm 1906, ông Trần Văn Phổ đến giữ chức Giáo thụ tại phủ Tuy An. Ông đã đưa cả gia đình đến An Thổ sinh sống và đồng chí Trần Phú - Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chào đời tại đây vào ngày 1/5/1904. Hiện nay, tỉnh Phú Yên đang trùng tu, tôn tạo Thành An Thổ và xây dựng khu trưng bày lưu niệm về đồng chí Trần Phú. Đây sẽ là một điểm đến có ý nghĩa đối với du khách gần xa. Thành An Thổ được công nhận là Di tích khảo cổ quốc gia năm 2005.
Di tích lịch sử Vũng Rô
Trên con đường thiên lý Bắc Nam, khi đến đỉnh đèo Cả, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy một vùng non xanh nước biếc hoà quyện vào nhau hết sức nên thơ và hùng vĩ. Đó là Vũng Rô, một trong những vịnh đẹp nổi tiếng của khu vực ven biển miền Trung.
Vũng Rô rộng 1.640ha mặt nước, độ sâu có thể tiếp nhận tàu trọng tải trên 5.000 tấn, được Đèo Cả, núi Đá Bia, Hòn Bà che chắn cả 3 hướng: Bắc, Đông, Tây. Trong vịnh có nhiều bãi nhỏ gồm: Bãi Lách, Bãi Mù U, Bãi Ngà, Bãi Chùa, Bãi Chân Trâu, Bãi Hổ, Bãi Hàng, Bãi Nhỏ, Bãi Chính, Bãi Bàng, Bãi Lau, Bãi Nhãn. Đá Bia - Vũng Rô - Đèo Cả là những địa danh lịch sử, văn hóa và du lịch tiêu biểu ở tỉnh Phú Yên.
Đặc biệt, Vũng Rô là một trong những bến quan trọng của đường Hồ Chí Minh trên biển, tiếp nhận hàng trăm tấn vũ khí do những con tàu không số vận chuyển từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ tháng 11/1964 đến tháng 2/1965, bến Vũng Rô đã đón 4 chuyến tàu không số. Riêng chuyến tàu thứ tư cập bến đêm 15/2/1965, sáng hôm sau bị địch phát hiện. Để đảm bảo bí mật và an toàn cho đường Hồ Chí Minh trên biển, ta đã phải phá huỷ con tàu không số cho chìm xuống biển tại Bãi Chùa. Vận chuyển và tiếp nhận vũ khí tại Vũng Rô những năm 1964-1965 là sự kiện lịch sử hào hùng, thể hiện tinh thần mưu trí, dũng cảm của quân và dân ta. Vũng Rô được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia ngày 18/6/1997.
Di tích thắng cảnh Gành Đá Đĩa
Dọc bờ biển Việt Nam có rất nhiều gành đá, song có lẽ độc đáo và hấp dẫn vào bậc nhất phải kể đến gành Đá Đĩa thuộc xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; cách TP. Tuy Hoà hơn 40km và cách thị trấn Chí Thạnh khoảng 11km về hướng Đông.
Gành Đá Đĩa có chiều rộng khoảng 50m và trải dài hơn 200m, là một thắng cảnh thiên tạo hiếm thấy. Đá ở đây được dựng đứng theo từng cột, liền khít nhau, có tiết diện hình lục giác hoặc hình tròn, giống như những cái đĩa xếp chồng lên nhau nên mới có tên gọi là Gành Đá Đĩa.
Theo kết quả nghiên cứu địa chất, đá ở Gành Đá Đĩa là loại đá bazan được hình thành do hoạt động của núi lửa cách nay hàng triệu năm. Nham thạch phun ra từ miệng núi lửa gặp nước biển bất ngờ bị đông cứng lại, đồng thời xảy ra hiện tượng ứng lực gây nên sự rạn nứt toàn bộ khối nham thạch theo mạch dọc, xiên, ngang khiến những cột đá bị cắt thành nhiều khúc.
Bên cạnh Gành Đá Đĩa có một bãi biển dài khoảng 3km, cát trắng mịn, sạch và nước biển luôn trong xanh, là điều kiện tốt để hình thành một khu nghỉ dưỡng biển. Phong cảnh ở đây còn nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ và môi trường thuần khiết. Gành Đá Đĩa chắc chắn sẽ để lại ấn tượng khó quên cho du khách khi đến tham quan.
Vịnh Xuân Đài
Vịnh Xuân Đài nằm cách TP.Tuy Hoà khoảng 45km về phía Bắc. Đường quốc lộ 1A chạy dọc men theo bờ tây vịnh Xuân Đài, đi vào Nam ra Bắc khi đến đỉnh dốc Găng, du khách có thể dễ dàng ngắm một góc cảnh vịnh Xuân Đài. Tàu thuyền có thể đi vào từ cửa vịnh hoặc xuất bến từ cảng Dân Phước, Tiên Châu, Nhất Tự Sơn... để đi tham quan toàn vịnh.
Vịnh Xuân Đài có diện tích mặt nước khoảng 13.000ha. Cửa vịnh rộng khoảng 4,4km, vịnh có độ sâu từ 7-18m; bờ vịnh dài khoảng 50km, chạy qua nhiều vùng địa hình khác nhau với những tên gọi khá thú vị như: Gành Đèn, Mũi đá Ong, Gành Đen, Gành Đỏ, Vũng Lắm, Vũng Mắm, Vũng Dông, Vũng Sứ, Vũng Chào, Vũng Me, Vũng La, bãi Ôm, bãi Từ Nham, Mũi Động Tranh, Mũi Gành Tướng, Hòn Móm, Mũi Tai Mã, Gành Bà, Cù lao ông Xá, đảo Nhất Tự Sơn, đám Cồn Cả...
Mặt phía Đông Nam cửa vịnh là: Gành Đá Đĩa, Hòn lao Mái Nhà; phía Bắc là bãi cát Từ Nham, bãi biển Từ Nham, đầm Cù Mông, vũng Vuông, bãi Tràm, bãi Nồm..., dưới biển có nhiều loại san hô và rong biển.
Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai
Từ TP. Tuy Hoà đi về phía Tây khoảng 80km theo quốc lộ 25, đến địa phận xã Suối Trai và Krông Pa của huyện Sơn Hoà, du khách sẽ gặp những cánh rừng bạt ngàn của Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai. Khu bảo tồn có tổng diện tích tự nhiên trên 22.000ha, trong đó rừng tự nhiên chiếm 12.340ha. Nơi đây có những hệ sinh thái chuyển tiếp giữa vùng Đông và Tây dãy Trường Sơn, nên hệ động thực vật khá phong phú và đa dạng. Đồng thời, nơi đây vẫn còn bảo tồn nhiều nét văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số (Chăm, Ê Đê, Ba Na): Lễ hội đâm trâu, Lễ bỏ mả, Lễ hội mùa, Lễ mừng sức khoẻ và nhiều loại hình văn hoá nghệ thuật dân gian đặc sắc khác.
Với vị trí địa lý thuận lợi, giàu tài nguyên thiên nhiên và nhân văn, Khu Bảo tồn thiên nhiên Krông Trai có điều kiện để phát triển du lịch sinh thái kết hợp với văn hoá.
Nguồn: VEN