Độc đáo đá Phú Yên
Trên vạn dặm thiên lý qua Thạch Bi Sơn, tiến sĩ Phan Thanh Giản xúc động trước núi đá hùng vĩ, uy nghi, “sừng sững vươn cao đá một hòn”, đã cảm tác bài thơ trên. Thạch Bi Sơn – núi Đá Bia được biết như “nhất trụ kình thiên” đã làm say đắm bao tao nhân mặc khách, say đắm những nghệ nhân dân gian, say đắm những thi sĩ đương đại...
Tục truyền vua Lê Thánh Tông đánh nước Chiêm mở đất đến đây, ở trên đỉnh núi mài đá khắc bia làm chỗ chia bờ cõi với nước Chiêm nên gọi là núi Thạch Bi. Và từ núi Đá Bia trải dài giữa non nước Phú Yên là cả một quần thể đá, một di sản đá tự nhiên, di sản văn hóa đá Phú Yên. Đá Phú Yên có giá trị văn hóa đặc thù, là một điểm nhấn đầy ấn tượng của con đường di sản văn hóa nhân loại qua miền Trung.
Phú Yên có nhiều loại đá đặc trưng là đá xám ở TX Sông Cầu và đá trứng, đá đỏ ở huyện Tuy An, đá đa sắc màu ở Sông Hinh... Trong cuộc hành trình khám phá, ta bắt gặp không ít đồi núi đá và những gành đá được ví như “hòn non bộ khổng lồ”! Này đây Đá Dĩa, Đá Bàn, đá núi Chóp Chài, Bạch Thạch tự nằm trên đỉnh núi Xuân Đài, Nhất Tự Sơn, Đập Hàn, hòn Vọng Phu, hòn Yến, gành đá Hòa Thắng, hóc Hoành, gộp đá Lợp, hang Vàng, hang Võ Trứ… Trên dòng sông Ba, sau khi thủy điện Sông Ba Hạ khởi công xây dựng, đá dần lộ thiên rất nhiều với những cấu tạo đặc dị, có màu sắc đẹp nhu hòa như đen, xanh, hoàng thạch, sọc dưa... Giới sưu tầm đá cảnh khắp nơi đổ dồn về sông Ba tìm đá cảnh. Và đá cảnh Phú Yên được giới sưu tầm từ Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc ưa chuộng.
Là xứ sở của đá, Phú Yên có những di sản đá tự nhiên nổi tiếng. Gành Đá Dĩa - một kiệt tác đá của thiên nhiên độc đáo, được xem là độc nhất vô nhị ở Việt
Di sản văn hóa đá Phú Yên chứa đựng những giá trị văn hóa của nhiều tộc người thuộc nhiều lớp văn hóa được tích hợp suốt chiều dài lịch sử. Đến với Năm Du lịch quốc gia – Phú Yên 2011, chắc chắn bạn sẽ được thưởng thức bữa tiệc âm nhạc từ cặp kèn đá và bộ đàn đá Tuy An. Nhịp điệu kèn đá thôi thúc, gấp gáp, khi người ta “rúc” tù và: “Dốc thanh vạn lý khê sơn nguyệt”... Đàn đá là khí thiêng sông núi ngàn năm hun đúc, tích tụ. Lời của đá là hồn sông núi. Cặp kèn đá này là nhạc khí thời cổ đại bằng đá thuộc bộ hơi duy nhất phát hiện được ở nước ta, có khả năng hòa tấu không những với đàn đá Tuy An, mà còn cả với các nhạc khí hiện đại. Đàn đá gồm tám thanh, đây là bộ đàn đá có thang âm hoàn chỉnh nhất trong tất cả các bộ đàn đá đã được phát hiện tại Việt
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Sơn, Phú Yên nằm trong không gian phân bổ văn hóa cổ Sa Huỳnh ở duyên hải miền Trung, sau này đã tồn tại và phát triển vương quốc cổ Chămpa, nên trên địa bàn còn lưu giữ khá nhiều loại hình di tích kiến trúc, trong đó có số lượng lớn tác phẩm điêu khắc dưới dạng tượng, phù điêu bằng đá. Những tác phẩm điêu khắc phát hiện được ở Phú Yên không còn nguyên vẹn như một số tác phẩm điêu khắc đang được trưng bày tại Bảo tàng Chăm ở TP Đà Nẵng, ở tháp Pô Nagar tỉnh Khánh Hòa hay tháp PoKlongGarai, tháp Rômê ở tỉnh Ninh Thuận... Nhưng khi tiếp xúc những tác phẩm điêu khắc đá ở Phú Yên, các nhà nghiên cứu đều công nhận vẻ đẹp kỳ lạ và tính độc đáo của những di sản này.
Nhà văn Đào Minh Hiệp có cái nhìn rất tinh tế: “Miền đất Phú Yên, đá có ở mọi nơi, mọi chỗ. Đá có trong tự nhiên; đá gắn bó với sự sinh tồn, với lịch sử đấu tranh cách mạng và phát triển của người dân nơi đây; đá qua khối óc và bàn tay tác tạo của con người để rồi trở thành những di sản văn hóa đá hiện hữu trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Phú Yên sẽ trở thành một điểm tham quan, du lịch nổi tiếng, nếu biết khai thác đá tự nhiên làm vật liệu chính để kiến thiết làng xóm, xây dựng đô thị nhà ở bằng đá, tạo các vật dụng trong sinh hoạt gia đình...”
Đá – một biểu tượng của văn hóa, của thiên nhiên Phú Yên.