Văn hoá ẩm thực Dân tộc Dao, Bắc Kạn
Người Dao có tục chia làm hai mâm trong khi ăn. Gian trước bàn thờ được bố trí bàn ăn cho nam giới và khách. Nữ giới ăn ở gian bên trong và thường được bố trí ngồi ở một chiếc bàn thấp. Nồi cơm được để ở gần chân cột nhà, giữa khoảng cách của 2 mâm. Gian ngoài (chỗ ăn của nam giới) và gian trong (chỗ ăn của nữ giới) được ngăn bằng một miếng liếp nhỏ, thấp. Đối với các bữa ăn khi gia đình có khách, cô gái ở gian trong thỉnh thoảng đứng dậy quan sát mâm cơm qua vách ngăn này, nếu thấy các bát đựng thức ăn đã vơi, họ sẽ chủ động tiếp thêm chứ không bao giờ để người trong mâm phải đứng dậy lấy hoặc gọi tiếp. Trong bữa ăn thường ngày, ai có nhu cầu ăn cơm tiếp thì tự đi xúc lấy. Khi gia đình có khách quý, ngoài việc chuẩn bị thêm 1 - 2 đồ ăn ngon họ luôn bố trí một bát to đựng cơm cho khách tự xẻ. Cơm của người Dao nấu thường nhiều nước.
Thức ăn chủ yếu là các loại rau rừng và rau tự trồng. Rau tự trồng thường là ngọn bí, quả bí, rau cải và một số loại đỗ, khoai. Nguồn rau chủ yếu là các loại măng, bồ khai, ngót rừng và một số loại lá cây có tác dụng chữa bệnh gan, thận. Cách chế biến chủ yếu là xào, luộc hoặc nấu canh. Việc ninh nhừ ít được thực hiện. Thịt được ăn rất dè xẻn, tiết kiệm do trước đây đời sống kinh tế còn hết sức khó khăn.
Trong sinh hoạt hàng ngày, đồng bào Dao thường uống nước chè. Chè được hái từ các cây cổ thụ, gọi là chè tuyết. Hái xong, họ sao chè trong các chảo gang cho đến khi khô thì đút vào ống nứa to, bịt kín lại và để trên gác bếp.
Loại đồ uống phổ biến thứ hai trong sinh hoạt của người Dao là rượu. Rượu được dùng khi tiếp khách, làm lễ, hay dùng uống sau khi lao động mệt nhọc và trong các bữa ăn.
Nhìn chung, đồng bào người Dao rất coi trọng việc ăn uống trong dịp tết, nhất là tết Thanh minh, rằm Tháng bảy và tết Nguyên đán. Đây là các kỳ nghỉ lao động, sản xuất. Do vậy, bà con thường chuẩn bị thực phẩm hết sức công phu, cách chế biến món ăn cũng đa dạng và cầu kỳ.