Cỗ bàn ăn uống trong đám cưới người Mường truyền thống
Trong lễ này, nhà trai thường mổ thịt một con lợn chừng 50kg trở lên, gạo nếp đủ chừng 200- 300 người ăn. Rượu cần và rượu chai chủ yếu trông vào nơi họ hàng mang đến mừng. Luật tục từ xưa là: mang sang nhà cô dâu một vai lợn (đùi trước) chưa luộc, 6 lá thịt luộc tầu thằm - tức là loại thịt được bày theo kiểu dẻ quạt hình tròn, 6 chai rượu, 6 lá thịt “wẽnh wơng”- tức là những miếng thịt được bày theo kiểu vòng tròn nhưng bì thịt quay ra ngoài, miếng nọ nối miếng kia thành hình tròn, ở giữa có thịt nạc, xương và gan, ruột và 6 gói cơm, 6 lá thịt “pản pếp”- tức là thịt được bày bán theo hình chữ nhật, giống cái bếp nhà sàn, bì lợn quay ra, 6 ngàng - tức mỗi ngàng là một vòng thịt sống dày khoảng 2 cm chặt ngang lưng con lợn. Ba mâm cỗ đủ món, mỗi mâm cỗ gồm 2 lá thịt luộc, món ngách lãi (nộm thủ lợn), dồi chả rang và một số món xào rau. Ba mâm này một biếu cụ, một biếu bố mẹ vợ, một anh chị vợ. Một mảng thịt có cả xương mông của con lợn biếu ông đại diện bên nội của chú rể và đại diện bên ngoại của chú rể, ý nghĩa của hưởng phần thịt này là để thể hiện trách nhiệm của họ hàng đối với nhau, thường là chỉ chú, bác, cậu ruột của chú rể mới được hưởng. Một cái mông lợn còn sống biếu ông (bà) mối ăn trong lễ cưới. Mâm này có một lá thịt to được bày theo kiểu wẽnh wơng, khoảng vài chục gói cơm, gói thịt (quà lả) biếu họ hàng nữa. Người ta soạn vài mâm đặt lên bàn thờ để mo dâng tiên tổ giống như thờ ngày Tết, có điều lối mo khấn mang nội dung khác. Trong lúc ông mo khấn giường thờ thì dâu rể cùng với những người piêng (phù dâu, phù rể) phải trình lạy trước bàn thờ. Phần còn lại được chế biến và bày mâm, tiếp đoàn khách đua dâu bên nhà gái và tiếp họ hàng đến mừng, tiếp thông gia cũ.
Họ hàng và thông gia cũ đến mừng thì ăn cơm tại nhà chủ. Đoàn phía nhà gái đi đưa dâu được mời sang một nhà bên cạnh. Phía nhà trai cử một số đại diện sang bên ấy để đảm đương việc tiếp khách. Sau khi uống rượu cần phía nhà trai mời khách rửa tay ăn cỗ. Các mâm cỗ được đặt trên các cửa võng trải chiếu hoa. Để đảm bảo đúng thứ bậc của các vai vế ngồi mâm, phía bên đoàn khách tự xử nhau ngồi vào các vị trí. Nếu thấy mâm bày mấy gói cơm tức là cỗ ấy “đóng” mấy. Nhưng họ cũng dành hai, ba chỗ cho phía bên nhà trai (chủ) vào tiếp. Khi khách và chủ đã ngồi yên vị trong các mâm (đàn ông ngồi cùng mâm đàn ông, đàn bà ngồi mâm đàn bà). Một đại diện đàn ông và một đại diện đàn bà của phía khách đứng dậy chắp tay phía trước để làm lễ chào cơm, lập tức tất cả mâm cùng đứng dậy trịnh trọng làm thủ tục chào cơm. Nội dung bài chào cơm cũng giống như bài chào rượu cần nhưng lời văn có khác đôi chút, người nào có khả năng nói dài càng hay. Phía khách nói:
“Ơn nội ơn ngoại (Nội ngoại nhà rể)
Không chê con nhà chúng tôi
Nghèo hèn lú dại
Còn thương nuôi lấy con nhà chúng tôi
Hôn nay được đêm tốt ngày lành
Cái tháng lại yên
Chúng tôi đưa con về
Ăn nhờ bố mế
Anh chị, các em
Làm nên sự bận rộn tốn kém
Cho họ nội họ ngoại
Phải lo mâm cao cỗ đầy
Tiếp đón con chúng tôi
Ăn uống nhờ no say
Chúng nguyền cho con ta
Trời đất đem lại
Vía vái hợp nhau
Có con trai con gái
Con gái cầm cửa (ý nói ở)
Cơn đứa cầm nhà
Làm nên cơm nếp tháng năm
Cơm chăm (tẻ) tháng mười
Để chúng tôi là cậu là mộng (là ngoại)
Trông cậy nhờ con
Cho hai gia đình chúng ta
Tốt đường đi sá lại
Mãi mãi cùng nhau”
Bên chủ đáp lại:
“Hôm nay được đêm tốt ngày lành
Cái tháng lại yên
Ơn bố ơn mế
Ơn nội ơn ngoại
Không chế bố già mế hèn (yếu)
Cảnh nhà đói khó
Cờn cho con về nuôi chúng tôi
Tốt phúc nhờ trời
Con ta sinh được con trai, con gái
Làm nên cơm ăn giàu có
Để chùng ta là cha là mẹ
Trông cậy nhờ con
Đáng là cái bữa hôm nay
Chúng tôi phải có cơn dành rượu rắp
Để tiếp đãi các ông các mế mới phải
Nhưng lòng hay, tay áo ngắn
Chỉ có gói cơm khô muối trắng
Xin mời xét qua
Xin thương chúng tôi
Để mời các ông các mế”
Hai bên đưa tay ơn thảo nhau, thủ tục chào cơm đã xong, mọi người ngồi xuống, một người phía chủ chia đũa, một người rót rượu. Chén rượu đầu tiên được mọi người cùng uống cạn. Người Mường không chạm chén mà chỉ giơ chén rượu lên cao ba lần, ý nghĩa để tôn kính tổ tiên rồi mời uống. Mỗi người uống rượu lại húp một miếng nước canh (nước canh đám cưới thường là nước canh nấu cây chuối thái với nước luộc thịt). Sự mời mọc, ăn uống thoải mái dần. Người ta gắp dùng từng miếng trong bát, trong đĩa rồi gắp đén món chính để giữa mâm tức thịt luộc. Món thịt luộc trong cỗ cưới thường bày ba lá thịt chồng lên nhau. Trước khi ăn, người ta đổ dồn ba lá thịt đó vào với nhau ở giữa mâm có lót lá chuối. Sự uống rượu họ uống đều nhau, cứ hết một lượt lại rót lượt khác. Vì thế đoàn khách đi đưa dâu cũng phải chọn người uống rượu tốt và phía chủ cử người ra tiếp khách phải chọn người tửu lượng cao, vì chủ phải uống thì khách mới uống. Trường hợp khách thấy chủ uống yếu, họ sẽ chủ động mời uống, lúc đó chủ buộc lòng phải uống theo. Có khi phía chủ phải viện lý do mà đổi người tiếp khách hoặc cử thêm người tửu lượng cao vào tiếp khách. Người nào có khả năng văn nghệ dân gian họ sẽ hát hoặc kể chuyện cười để làm vui cuộc cơm rượu và đẻ “chống” rượu. Những hình thức vă nghệ đó cũng làm cuộc vui càng đậm đà bản sắc dân tộc và cũng được kéo dài vì cuộc đón dâu thường vào buổi tối lúc chập choạng tối mới đón dâu vào nhà. Ngày nay, hầu hết người ta chuyển sang ban ngày. Chuyện ép rượu thường diễn ra ở những mâm tập trung trai gái trẻ, gần như chuyện ăn chỉ là phụ mà sự uống rượu, thường đang hát đối đáp lại là chính. Đây là một dịp trai gái đưa tình bằng những lời hát giao duyên.
Khi mọi người đã ngừng cuộc mâm cơm thì người đại diện hai bên chủ và bên khách cùng ngồi lại với nhau, có trầu và có rượu. Họ nới với nhau những lời cảm ơn và phía chủ trao cho phía khách một số quà và uống với nhau mộy vài chén rượu mạnh - Người Mường gọi chén rượu ấy là chén rượu Chao mang nghĩa là hai mang (hai bên) gặp nhau một cách chính thức để làm thủ tục cuối cùng trong cuộc cưới đó là thể hiện sự hoà hợp thống nhất với nhau bằng những chén rượu được người ta uống cạn với nhau. Sau chén rượu chao mang, phía chủ tuyên bố “chúng tôi xin tháo thác” tức mời khách ra về.
Trong lúc tiếp khách đưa dâu, thì ở nhà chính chủ cũng diễn ra sự ăn uống của họ hàng, bạn bè và những người là thông gia trước đó (thông gia với những đứa con khác của gia đình hoặc các em, cháu ruột của gia đình). Mỗi mâm cỗ ở bên này có thể ít món hơn là mâm cỗ bên nhà tiếp khách đưa dâu, nhưng thường có thêm món ớt. Còn bên nhà tiếp khách đưa dâu người ta thường không bày món ớt, vì quan niệm rằng ớt là thứ cay không tốt cho quan hệ thông gia. Mỗi một vị khách thông gia cũ ngồi mâm nào sẽ được tiếp thêm một mâm gọi là mâm tiếp thông gia- Tiếng Mường gọi là mâm “tiếp khoả”. Mâm “tiếp khoả” gồm có 1 lá thịt bày theo kiểu đầu thằm (dẻ quạt vòng tròn), một chai rượu, một đôi đua, một gói cơm. Người bưng mâm tiếp khoả đến đặt cạnh mâm có khách thông gia và thưa rằng:
“Ơn anh (chị, bố, mế, em…) về mừng với gia đình
Chúng tôi hôm nay, lẽ ra chúng tôi phải có,
Mâm cao cỗ đầy để tiếp đãi thông gia mới phải
Nhưng lòng hay tay áo ngắn
Đến bữa chỉ có muối trắng cơm khô
Một chút gọi là
Thật không phải với thông gia
Thành thật xin thông gia hết lòng thương”
Người thông gia đứng chắp tay cảm ơn rằng:
Hôm nay được đêm tốt ngày lành
Gia đình tổ chức việc mừng cho…
Chúng tôi chân tay trắng
Về mừng nhờ với họ hàng bên này
Bố mế không coi chúng tôi là họ là hàng
Còn coi chúng tôi là khách thông gia
Làm nên sự bận rộn, tốn kém cho họ cho hàng
Còn phải lo mâm cơm cỗ rượu
Tiếp đãi chúng tôi là thông gia
Ăn uống nhờ no say
Xin cảm ơn.
Hai người chắp tay ơn nhau rồi người ta gộp mâm tiếp khách vào mâm có thông gia đang ngồi để mọi người cùng hưởng.
Việc tiếp khách thông gia nếu sơ suất thì sẽ dẫn đến sự không thông cảm với nhau, họ coi đó là thiếu sự tôn trọng nhau. Vì họ cũng là thông gia như nhà thông gia mới đang được họ tiếp chu đáo ở nhà bên mà họ thì lại không được chú ý tiếp đãi đúng tục lệ. Do đó họ sẽ kém vui vẻ, thậm chí bỏ cả bữa cỗ mà chào về hoặc uống rượu vào rồi ra lời nói kháy nhau rất phức tạp.
Sự ăn uống của họ hàng bên nhà chủ diễn ra thoải mái và thân tình, cũng ép rượu, cũng thường đang hát ví và sau cuộc ăn cỗ họ còn tiếp tục uống rượu cần có khi sáng đêm. Nhiều trai, gái gặp nhau giao duyên và cảm nhau rồi lại nên đôi nên lứa.