Tiềm năng du lịch Thường Xuân - Thanh Hóa
Đến với Thường Xuân - Thanh Hóa là đến với mảnh đất địa linh nhân kiệt với tên núi tên sông, tên làng, tên bản đều gắn liền với cuộc khởi nghĩa của người anh hùng dân tộc Lê Lợi, với phong trào Cần Vương của danh nhân Cầm Bá Thước; đến với phong tục tập quán độc đáo của đồng bào dân tộc Thái Đen, Thái Trắng, Mường, đồng bào vùng giáp ranh với nước bạn Lào và thưởng thức những món ăn dân dã mà đậm đà khó quên.
Chiều chiều, du khách có thể ngồi bên bờ suối ngắm cảnh non nước, nghe tiếng suối róc rách, tiếng mõ lóc cóc khi đàn trâu đi ăn trở về. Đêm đến ngồi bên đống lửa trại cùng các chàng trai cô gái Thái, Mường, ngây ngất bên chum rượu cần, đắm say với điệu múa xòe, nhảy sạp cùng tiếng khèn, tiếng cồng chiêng vang vọng khắp núi rừng. Sống lại không khí của Hội thề Lũng Nhai tại xã Ngọc Phụng - nơi này cách đây gần 600 năm Lê Lợi cùng 18 vị anh hùng dân tộc đã chích máu thề nguyền quyết tâm chống giặc Minh bảo vệ đất nước. Tại khu di tích còn có thác 7 tầng, đồi Bãi Tranh với phong cảnh kỳ thú, có Khu di tích chùa Cửa Đạt - nơi thờ vị anh hùng dân tộc Cầm Bá Thước và Bà chúa Thượng Ngàn. Hàng năm, từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch, mỗi ngày khu di tích đón hàng ngàn khách thập phương tới dâng hương cầu phúc, cầu tài… Đến lễ chùa, mỗi du khách sẽ mang về cho mình một sản vật của vùng núi hoang sơ này mà người đi lễ chùa gọi đó là “lộc”. Những sản vật đơn sơ, mộc mạc, lạ mắt như cành quế, bó chè, nắm rau má, ống cơm lam… cũng góp phần hấp dẫn khách thập phương.
Đến với Thường Xuân cũng là đến với sự hùng vĩ của công trình thủy lợi, thủy điện Cửa Đạt có sức chứa 1,5 tỷ mét khối nước. Từ trên mặt đập phóng tầm mắt về bốn phía sẽ được thưởng thức bức tranh sơn thủy hữu tình, có non có nước và những dãy núi trùng điệp bốn mùa mây mù che phủ. Với mặt hồ rộng khoảng 6.600 ha, nơi sâu nhất 80m, vùng sâu trung bình 30m rất phù hợp cho dịch vụ du thuyền ngắm cảnh, câu cá và thưởng thức những món ăn dân dã trên thuyền, hòa mình vào phong cảnh thiên nhiên.
Chưa hết, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên ở vùng rừng thượng nguồn sông Chu thuộc huyện Thường Xuân với diện tích 23.610ha được ví như Amazon của Việt Nam. Theo thống kê sơ bộ, khu bảo tồn có hơn 6.000ha rừng nguyên sinh, 527 loài thực vật, trong đó có 156 cây thuốc quý, 136 loài chim, 53 loài bò sát và lưỡng cư, 143 loài bướm, hơn 40 loài cây ăn quả, 300 loài cây gỗ…, nhiều loài động vật quý hiếm như hổ, báo, bò tót, gấu nâu, vọc đen má trắng, gà lôi, chim trĩ, công phượng, hươu, nai…, trong đó có 25 loài được ghi vào sách đỏ Việt Nam. Bên cạnh đó còn nhiều loại thực vật quý hiếm như sến, táu mật, lim xanh, lát, chò chỉ, chò nâu, pơ mu, sa mu, gụ mật, quế, trầm gió…
Tiềm năng du lịch của Thường Xuân là rất lớn, tuy nhiên hiện tại vẫn chưa có kế hoạch khai thác nguồn tiềm năng này. Hầu hết du khách đến với Thường Xuân chỉ mang tính tự tìm hiểu khám phá mà chưa có một tour du lịch quy mô nào tới với mảnh đất địa linh nhân kiệt này. Để làm được điều đó đòi hỏi các cấp ngành liên quan cần có sự phối kết hợp để đưa Thường Xuân trở thành một điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Thanh Hóa, bắt đầu từ các giải pháp như thu hút đầu tư từ bên ngoài cả về nguồn lực và nhân lực, thu hút vốn để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng như: điện, đường, hệ thống nhà hàng, khách sạn; liên kết với các huyện trong tỉnh có tiềm năng về du lịch như: Suối cá thần Cẩm Lương - Cẩm Thủy, bãi biển Sầm Sơn, Khu di tích Lam Kinh - Thọ Xuân; có kế hoạch hợp tác với các công ty lữ hành, du lịch trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá những danh lam thắng cảnh, vùng đất, con người của quê hương Quế Ngọc - Châu Thường (huyện Thường Xuân) với cả nước; đồng thời thuê các chuyên gia về du lịch thiết kế những tour du lịch phù hợp điều kiện vốn có của Thường Xuân với sự kết hợp du lịch sinh thái và du lịch tâm linh.
Việc khai thác tốt nguồn tiềm năng du lịch của huyện Thường Xuân sẽ góp phần phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, giải quyết các vấn đề dân sinh và nâng cao vị thế của huyện nhà.
Nguồn: VEN