Làng cổ Ðường Lâm
Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử và thời gian hàng trăm năm, nhưng ngôi làng đầu tiên được công nhận di sản văn hóa cấp quốc gia vẫn lưu giữ được những di tích và cảnh quan nông thôn đồng bằng Bắc Bộ độc đáo.
Làng Việt cổ Ðường Lâm có 16 di tích kiến trúc gồm đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ họ, lăng mộ. Trong đó, tám di tích được xếp hạng quốc gia như: đình Mông Phụ, chùa Mía, v.v. Tháng 5-2006, Ðường Lâm có hơn 700 ngôi nhà cổ thuần Việt được xây dựng bằng đá ong xứ Ðoài từ những năm 50 của thế kỷ 20 trở về trước, trong đó có 16 ngôi nhà gần 400 tuổi nhưng hiện nay, theo báo cáo của Ban quản lý di tích, toàn xã còn hơn 100 nhà có tuổi thọ 100 năm trở lên, trong đó có hai chục cái có tuổi thọ từ 200-300 tuổi. Số lượng nhà cổ ngày càng ít đi và du khách cũng dễ dàng nhận ra bởi sự hiện diện của những ngôi nhà cao tầng hiện đại mọc lên ngày càng nhiều. Sự tương phản đó không khỏi làm cho những người yêu Ðường Lâm với những giá trị cổ chạnh lòng. Chị bạn đồng nghiệp ghé tai tôi nói nhỏ: Ðường Lâm ngày càng giàu lên nhưng sự giàu có ấy lại có ảnh hưởng không tích cực tới những giá trị của một làng cổ.
Tuy vẫn còn hàng trăm ngôi nhà cổ tồn tại ở Ðường Lâm nhưng chỉ có 12 nhà cổ có đủ điều kiện mở cửa đón khách. Men theo chỉ dẫn của những chiếc bảng nho nhỏ treo trên các cột điện quanh làng, chúng tôi tìm tới hai ngôi nhà cổ đều đóng cửa. Hàng xóm nói rằng, chủ nhân những ngôi nhà này đóng cửa đi làm công việc khác.
Sự giải thích của những người hàng xóm tốt bụng khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn. Vì sao người dân Ðường Lâm lại không thể sống được với báu vật họ đang sở hữu? Mãi tới khi tìm được tới nhà anh Nguyễn Văn Hùng, chủ nhân của một trong hai ngôi nhà cổ loại một, chúng tôi mới được giải thích: Căn cứ vào sự xếp loại nhà cổ mà chủ nhân được nhận lương của Nhà nước từ 150.000 đồng đến 400.000 đồng/hộ. Với số tiền như vậy so với thời giá bây giờ chẳng đủ tiền trà, thuốc mời khách tham quan.
Trong cái khó ló cái khôn, anh Hùng cũng như một vài gia đình khác mở thêm dịch vụ: ăn uống, thuê xe đạp để có thể yên tâm gìn giữ di sản. Ngôi nhà của anh Hùng xây dựng từ năm 1649, đến nay đã 13 đời. Dịch vụ ăn uống nảy sinh từ chính nhu cầu của khách tham quan. Có ngày, Ðường Lâm đón từ 500-600 khách du lịch, nhưng do diện tích chật hẹp nên gia đình anh Hùng cũng chỉ phục vụ tối đa được 120 khách. Sau nhà anh Hùng, một số chủ nhân nhà cổ khác làm theo tuy nhiên chỉ sau một thời gian, không trụ được đành giải thể do không đủ cơ sở vật chất, tiện nghi cũng như tìm kiếm thực khách. Do vậy, để có thể thưởng ngoạn được bữa trưa với những món ăn đặc trưng của làng cổ, khách tham quan phải đặt cơm gia chủ trước khi đi tham quan. Các món ăn dân dã được ưa thích ở Ðường Lâm giờ là đặc sản thu hút khách du lịch: gà Mía đầu công, mình cốc, là sản vật tiến vua một thời, mướp hương xào, rau muống luộc, thịt lợn luộc chấm tương Mông Phụ, củ cải cắt nhỏ phơi khô xào với mề gà, nem rán..., ăn xong tráng miệng bằng kẹo dồi, chè lam và nước chè tươi...
Dừng chân nghỉ tại quán nước trước cổng đình Mông Phụ vừa được đầu tư trùng tu hàng chục tỷ đồng, chúng tôi gặp một cụ bà dáng vẻ hoạt bát, răng đen hạt na, đầu chít khăn mỏ quạ, tay phe phẩy chiếc quạt mo cau, tiếp chuyện khách một cách nhiệt tình. Khi bà tỏ ý sẵn sàng làm hướng dẫn viên, chúng tôi đồng ý ngay. Bà Trung (gọi theo tên người con trai cả) sinh ra và lớn lên ở Ðường Lâm chín mươi năm có lẻ, bà Trung thuộc từng di tích, từng xóm ngõ, ngôi nhà như trong lòng bàn tay. Ði với bà hơn nửa ngày trời tới những di tích nổi tiếng tại Ðường Lâm, chúng tôi như được sống lại với quá khứ về Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán tại sông Bạch Ðằng năm 938, Bố Cái Ðại Vương Phùng Hưng dùng mưu kế giết hổ dữ đem lại sự bình yên cho thôn ấp, về Thám hoa Giang Văn Minh vị sứ thần Bất nhục quân mệnh... Và chúng tôi càng thấu hiểu vì sao mà những người từng sinh ra và lớn lên ở vùng đất này có niềm tự hào đến vậy...
Theo số liệu của Ban quản lý di tích làng cổ Ðường Lâm, lượng khách đổ về làng cổ ngày càng tăng mạnh. Nếu như năm 2009, nơi này đón bốn đến năm mươi nghìn du khách thì năm 2010 đón gần sáu mươi nghìn lượt người. Tuy nhiên, bất kỳ du khách nào cũng dễ dàng nhận ra sự ít ỏi của các dịch vụ ăn theo tại nơi này. Theo đề án của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hà Nội, Ðường Lâm là một trong những địa chỉ áp dụng loại hình du lịch homestay - nghỉ tại nhà dân. Tuy nhiên, khi được hỏi, hầu hết người dân ở đây không hề biết hoặc biết cũng chỉ nghe nói sơ sơ chưa thấy động tĩnh gì cụ thể.
Anh Nguyễn Văn Hùng cho biết, nhiều khách tới đặt cơm cũng có nhu cầu nghỉ đêm. Nhiều công ty du lịch từng là địa chỉ ruột chuyên dẫn khách tua tới đề nghị đầu tư cho gia đình tạo phòng nghỉ qua đêm nhưng khuôn viên nhà anh quá hẹp, sợ cuộc sống gia đình đảo lộn. Hơn nữa nhà cổ là tài sản cấp quốc gia, Nhà nước quản lý, không thể tự ý làm gì cũng được. Việc liên doanh, liên kết với các nhà lân cận làm dịch vụ anh Hùng cũng chưa nghĩ tới. Trong khi lượng khách đổ về Ðường Lâm ngày một đông, muốn giữ họ ở lại với mình, để mỗi người dân trở thành một hướng dẫn viên du lịch, ngoài việc đáp ứng đủ chỗ ăn nghỉ, cần phát triển hơn nữa các sản phẩm ăn uống, sản vật địa phương cũng như các sản phẩm lưu niệm, tất cả những điều này hiện nay còn rất sơ sài và thiếu chuyên nghiệp.
Ðề cập vấn đề này, Phó Ban Quản lý di tích Nguyễn Hùng Sơn, cho biết: Trong Nghị quyết của xã cũng đã có định hướng chuyển đổi cơ cấu địa phương từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch. Ngoài những ngôi nhà cổ mở cửa đón khách, có khoảng bốn chục hộ gia đình sản xuất các sản phẩm truyền thống. Ðường Lâm còn có một chợ quê ngay chùa Mía bán các sản phẩm quê hương. Ông Sơn cho biết, Ban Quản lý chưa được Sở VHTTDL đặt vấn đề chính thức về mô hình homestay. Trong làng, hiện chỉ có hai gia đình ông Thể, bà Lan được các tua du lịch đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, có thể đón khách nghỉ qua đêm, nhưng cũng chỉ có vài trường hợp sinh viên, học sinh lưu trú.
Nếu tính tất cả những hộ tham gia vào các dịch vụ du lịch tại Ðường Lâm khoảng 50 hộ gia đình so với 1.500 hộ sinh sống tại năm làng thuộc Ðường Lâm với gần 6.000 nhân khẩu quả là con số ít ỏi, đồng nghĩa với việc bản thân người dân không được hưởng lợi ích gì từ ngôi làng di tích mang tầm cỡ quốc gia. Nhiều ý kiến cho rằng, với vốn cổ của Ðường Lâm thì người dân phải được hưởng lợi, sống được bằng di sản mà họ đang sở hữu. Từ quan điểm này, các gia đình trong làng đều có tâm lý mong đợi sự hỗ trợ từ phía các cơ quan nhà nước.