Lệ buộc cót: Nét văn hóa truyền thống của người Nùng Bắc Kạn
Nghi thức này được gọi tên là "Pủ lường pủ váng" có nghĩa là (đắp bồ đắp cót). Cót ở đây tượng trưng cho cót gạo nuôi dưỡng người già, cũng là "cót hộ mệnh" được con cháu bồi đắp tiếp, cầu cho người già được sống lâu, khoẻ mạnh "thực túc sức cường". Ở lệ buộc cót gồm có: Một cái cót hình trụ tròn, rỗng trên dưới, để ở giữa đựng gạo, một cái cân tiểu ly mang ý nghĩa trường thọ, sống lâu, một ngọn chuối non, một ngọn dâu tằm non tượng trưng cho sự trẻ trung, tươi tắn. Một cây đèn, một cây chuối non, một đoạn tre non cả rễ. Tất cả đều thể hiện cho số mệnh sống lâu, trường tồn. Những ý nghĩa đó đã thể hiện rất rõ ở lời lẽ của Bụt (then). Trong lễ buộc cót khi Bụt khởi lễ đắp cót hộ mệnh thì các con cháu, họ hàng... những người trong gia đình sẽ xúc gạo ở cái thúng cạnh đó cho đầy ắp. Có một người là nam giới khoẻ mạnh, đạo đức tốt phải lên tầng gác buộc cót. Người này sẽ lấy cái cót tượng trưng ở dậu gạo và ngọn dâu, ngọn chuối non để ở trong cót đặt lên xà nhà.
Sau lễ buộc cót, con cháu của người được làm lễ sẽ đem cây chuối non và đoạn tre non có cả rễ ra vườn trồng cho cây sinh sôi phát triển. Lễ buộc cót đã thể hiện sự kính trọng, lòng yêu thương và sự quan tâm của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Đây là hình thức mừng thọ của người dân tộc Nùng. "lễ buộc cót" đã mang đậm đà bản sắc dân tộc, đã thể hiện truyền thống tốt đẹp của người dân tộc Nùng.