Non nước Việt Nam

Tục kết Chạ Khả Lễ Bái Uyên của vùng Kinh Bắc

Cập nhật: 20/04/2011 08:23:30
Số lần đọc: 2751
Tục lệ kết “Chạ” giữa các làng, xóm hay các nhóm người có cùng một lợi ích, một sở thích hoặc một niềm đam mê trong cuộc sống được xem là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng Kinh Bắc – Bắc Ninh. Lễ hội đón “Chạ” Khả Lễ- Bái Uyên là một điển hình như thế.

Theo những sử liệu nghiên cứu về văn hóa các làng Việt cổ vùng Kinh Bắc xưa, thì việc kết chạ không chỉ riêng ở lĩnh vực hát Quan họ mà đó là một nét đẹp trong tổ chức, quản lý và sinh hoạt của các cộng đồng dân cư. Những làng, xóm có chung một nguồn nước, một cánh đồng hoặc cùng nhau xây dựng quy ước trong việc dựng làng, lập ấp đánh đuổi kẻ gian, giữ yên làng xóm... hoặc thờ chung một Thành hoàng làng đều là “Chạ anh Chạ em” của nhau, không phân biệt địa vị ngôi thứ. Do vậy mà giữa các làng kết “Chạ” đều có tục đón rước, tiếp “Chạ” trong ngày hội, trở thành một nét đẹp trong văn hoá truyền thống và được lưu truyền cho đến ngày nay.

Khả Lễ xưa còn có tên nôm là làng Sẻ thuộc trang Bồ Sơn huyện Tiên Du, nay thuộc phường Võ Cường TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Theo những bậc cao niên trong làng cùng những thần tích sắc phong và thư tịch cổ được lưu giữ cho thấy tên gọi làng Sẻ bắt đầu xuất hiện từ thời nhà Trần. Trong cuộc kháng chiến ba lần chống quân Nguyên Mông, dân thôn Khả Lễ đón ba vị dũng tướng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là Chính Trực, Nghiêm Trị và Quảng Pháp - người xã Thụy Hậu, huyện Lương Giang, phủ Thiệu Thiên đạo Thanh Hoa (Thanh Hóa ngày nay) về mở trại đóng quân trên núi Sẻ, cùng người bản trang xây dựng đồn sở; giúp dân khai khẩn đất hoang, mở làng lập ấp, sẵn sàng ứng phó với quân Nguyên. Khi ba ông hóa vào ngày 24/11 âm lịch, dân bản trại Khả Lễ làm tấu biểu tâu lên triều đình, nhà vua đã phong tặng ba ông làm Trung Đẳng Thần và được người Khả Lễ tôn thờ làm Thành hoàng làng.

Cùng thờ chung Thành hoàng làng nên từ xa xưa người làng Sẻ đã kết “Chạ” với làng Bưởi, thôn Bái Uyên, xã Liên Bão, huyện Tiên Du. Nét văn hóa đặc sắc này đến giờ vẫn được lưu truyền và gìn giữ. Theo tập tục, người làng Sẻ đón “Chạ” Bái Uyên vào hội Đình đám, tức ngày giỗ Thánh 24/11 âm lịch và ngày hội làng mùng 6 Tết Nguyên đán hàng năm. Đám rước Khả Lễ ra ngoài Điếm đầu làng đón “Chạ” Bái Uyên, hai bên dừng kiệu ở núi Sẻ và cùng dự tiệc rước, ăn bánh rán, bánh xu xuê, kẹo vừng, kẹo lạc và bánh gai, bánh mật rồi cùng về đình làng vào hội Tế. Sau khi hoàn tất các nghi lễ, người làng Sẻ mời “Chạ” Bái Uyên ăn giải cỗ chạ rồi về nhà các ông bà trùm chơi quan họ, ca hát thâu đêm. Hôm sau, người Khả Lễ rước tiến “Chạ” Bái Uyên đến chân núi Sẻ thì chia tay. Về phần mình, người làng Bưởi tổ chức đón “Chạ” Khả Lễ vào ngày hội Đình mùng 5 tháng 12 và hội làng 13 tháng Giêng âm lịch với các nghi lễ đón rước và tiễn như khi “Chạ” làng Bái Uyên lên làng Khả Lễ

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, tục kết “Chạ” giữa Khả Lễ và Bái Uyên hiện vẫn được bảo tồn gìn giữ và phát huy. Ông Nguyễn Phương Hợp - Trưởng khu Khả Lễ cho biết, vào các ngày hội đình đám, lãnh đạo và người dân hai địa phương vẫn mời nhau đến tham dự. Việc đón tiếp đơn giản hơn, song vẫn giữ được sự trang trọng, đầm ấm thể hiện tình đoàn kết gắn bó giữa “Chạ anh Chạ em”.

Nguồn: Báo Du lịch

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT