Hoạt động của ngành

Du lịch Sơn La - Tiềm năng và thách thức

Cập nhật: 11/05/2011 10:32:41
Số lần đọc: 3439
Nằm ở trung tâm các tỉnh miền núi phía Tây Bắc, Sơn La có 250 km đường biên giới với nước bạn Lào, có đường giao thông đường bộ, đường thủy thuận lợi; là vùng đất sinh sống lâu đời của 12 dân tộc anh em với các giá trị văn hóa dân tộc; có hệ thống hang động kỳ thú, thác nước hùng vĩ, các hồ thủy điện, các mỏ nước khoáng nóng, khí hậu mát mẻ...

Tiềm năng du lịch Sơn La

 

Sơn La đang mang trong mình nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các hoạt động du lịch. 

 


Theo thống kê của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, đến nay, Sơn La có 37 di tích lịch sử cách mạng, 36 di tích khảo cổ học, 14 di tích danh thắng, 3 di tích kiến trúc nghệ thuật, trong số này đến nay cớ 10 di tích được xếp hạng Quốc gia, 29 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Tiêu biểu như: Nhà ngục Sơn La, Văn bia Vua Lê Thái Tông (Thành phố), Đồn Mộc Lỵ (Mộc
Châu), Kỳ đài Thuận Châu, cứ điểm Nà Sản, Tượng đài Thanh niên xung phong ngã ba Cò Nòi (Mai Sơn), cầu Tà Vài (Yên Châu), danh thắng Hang Dơi (Mộc Châu), hang Chi Đảy (Yên Châu) và các công trình thủy điện, nhất là công trình thủy điện Sơn La, Huội Quảng, Nậm Chiến và hồ thủy điện Sơn La... Đó là những địa chỉ hấp dẫn, có thể thu hút mỗi năm hàng ngàn lượt khách du lịch đến thăm nếu được đầu tư khai thác.


Xét về mặt tài nguyên du lịch nhân văn, thì Sơn La là vùng đất sinh sống lâu đời của 12 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, độc đáo và tương đồng. Nhiều làng, bản dân tộc còn giữ được nhiều giá trị sinh hoạt văn hóa truyền thống, được xem như là tài nguyên du lịch nhân văn đặc thù để khai thác, tạo thành những sản phẩm du lịch văn hóa có giá trị. Nhiều làng bản dân tộc có đủ điều kiện để phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo, như các bản: Phụ Mẫu, Nà Bai, xã Chiềng Yên; bản Áng, xã Đông Sang (Mộc Châu); bản Hài, bản Cá, bản Bó, phường Chiềng An; bản Tông, bản Hụm, xã Chiềng Xôm (Thành phố); bản Han 4, Han 5, xã Mường Do (Phù Yên); bản Lướt, xã Ngọc Chiến (Mường La); bản Ca, bản Đúc, xã Chiềng Khoang (Quỳnh Nhai); phiên chợ vùng cao Làng Chếu (Bắc Yên), Co Mạ (Thuận Châu), Tết Độc Lập (Mộc Châu)...


Các dân tộc Sơn La có nhiều lễ hội như: Lễ hội mợi, lễ kéo si, lập tịnh, lễ hội hoa ban, xên bản, xên mường, xíp xí, cầu mưa, cầu mùa, nào xồng, gieo hạt, kin pang then, gội đầu, xên pang ả, mương a ma, mừng cơm mới... cùng các trò chơi dân gian như: đua thuyền, tung còn, ném pa pao, bắn nỏ, giã bánh dầy, kéo co, đẩy gậy, đánh tu lu, rồng ấp trứng, tó mak lẹ... Về vũ, nhạc dân tộc có các điệu xòe, múa xạp, múa nón, múa khèn, múa ô, nhảy tha kềnh, múa chuông, múa cống tốp, au eo, cùng câu khắp, lời đang, câu ví... Về ẩm thực có các món ăn dân tộc như: Rượu cần, rượu hoãng, pa pỉnh tộp, mọ tu cáy, nhứa dảng, cơm lam, bánh dầy... là những món ăn ngon, lạ, hấp dẫn đối với du khách.


Có thể nói, với vị trí địa lý và tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, Sơn La đang sở hữu những tài nguyên du lịch thiên nhiên và nhân văn hấp dẫn, có thể tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và vào sự nghiệp phát triển du lịch của cả nước.


Nhận thức được vai trò của du lịch, tỉnh ta đã sớm có chiến lược phát triển du lịch và chính sách khuyến khích phát triển du lịch giai đoạn 2001-2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Nhiều dự án, đề án xây dựng các khu, điểm, tuyến du lịch đã được tỉnh phê duyệt đầu tư xây dựng. Riêng khu du lịch Mộc Châu, từ năm 2004 đến 2010, tỉnh ta đã được Chính phủ hỗ trợ hơn 47 tỷ đồng đầu tư trực tiếp vào hạ tầng du lịch Mộc Châu. Sau hơn 10 năm thực hiện chiến lược phát triển du lịch, hệ thống cơ sở lưu trú và dịch vụ hỗ trợ đã phát triển khá nhanh, thu hút trên 150 tổ chức, doanh nghiệp và cùng nhiều thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực phát triển du lịch, tạo việc làm cho trên 2.000 lao động trực tiếp trong ngành và 2.500 lao động gián tiếp. Đến nay, đã có trên 100 cơ sở lưu trú, với trên 1.600 phòng và trên 3.000 giường, trong đó có khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao. Lượng khách du lịch quốc tế và nội địa không ngừng tăng lên, góp phần nâng cao thu nhập, riêng năm 2008, doanh thu từ du lịch đạt trên 190 tỷ đồng. Năm 2010, lượng khách đến với Sơn La đạt 400.000 lượt, tăng 2,5 lần so với năm 2005, trong đó có 27.400 lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 82,5 tỷ đồng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...


Tuy nhiên, xét về tổng thể, du lịch Sơn La vẫn chưa xứng tầm so với tiềm năng, lợi thế, nhất là phát triển du lịch trong xu thế hội nhập quốc tế. Sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, khả năng cạnh tranh chưa cao; hạ tầng kỹ thuật nói chung và du lịch nói riêng chưa đáp ứng nhu cầu của khách; môi trường kinh doanh, đầu tư du lịch chưa thực sự hấp dẫn; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn nhiều hạn chế, dẫn đến khách du lịch, nhất là khách du lịch nước ngoài rất thiếu thông tin về Sơn La; đội ngũ những người làm du lịch còn nhiều bất cập về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, kiến thức về lịch sử, địa lý, phong tục tập quán, văn hóa - xã hội... Vì vậy, chúng ta cần rút ra những bài học kinh nghiệm, xây dựng lộ trình phát triển du lịch bền vững, đầu tư có trọng điểm, chuyên sâu.... để ngành “công nghiệp không khói” này phục vụ đắc lực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.        

 

Du lịch sinh thái – lợi thế cần được đầu tư phát triển

 

Hiện nay, du lịch sinh thái ở tỉnh ta được tập trung vào mấy điểm chính: Du lịch sinh thái ở các khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa (Bắc Yên - Phù Yên), Xuân Nha (Mộc Châu), Sốp Cộp (huyện Sốp Cộp), rừng thông Noong Cốp (Phù Yên); Danh thắng Hang Dơi, Ngũ động bản Ôn, Hang Ma Lang Chánh, thác Mường Khoa, Dải Yếm (Mộc Châu); Động chín rồng (Phù Yên); Hang Chi Đảy (Yên Châu); Quế Lâm Ngự Chế (Thành phố), cùng các hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Huội Quảng, Nậm Chiến và các hồ thủy lợi: Tiền Phong, Lúm Pè, Chiềng Khoi... đã tô đẹp thêm bức tranh quê hương Sơn La, mời gọi du khách về thăm quan, tổ chức các tour du lịch khám phá, trong đó có hồ thủy điện Sơn La, danh thắng Hang Dơi, hang Chi Đảy, Quế Lâm Ngự Chế... mỗi năm đã đón hàng ngàn lượt du khách đến thăm. 

Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế là vậy, nhưng việc quan tâm đầu tư để những nguồn lợi thế này phục vụ lại lợi ích cho địa phương còn nhiều điều cần quan tâm tìm giải pháp tháo gỡ. Hiện tại, ngoài các điểm du lịch sinh thái như khu du lịch quốc gia Mộc Châu đang được quy hoạch đầu tư, còn Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa và một số điểm có nhiều tiềm năng du lịch sinh thái khác vẫn chỉ là dự án quy hoạch, chưa có các dự án thành phần để đầu tư cụ thể cho từng lĩnh vực. Nếu như ở Vườn quốc gia Cúc Phương; Vườn quốc gia Ba Bể; Động Phong Nha - Kẻ Bàng có đầy đủ các hệ thống giao thông qua lại thuận tiện, có các dịch vụ (xe, thuyền) đưa đón khách, có hướng dẫn viên giới thiệu đến từng chi tiết về lịch sử hình thành, tên gọi, mục đích, giá trị của từng khu, từng vùng, từng vật thể, cá thể và hệ thống dịch vụ nhà nghỉ, nhà hàng phục vụ cho du khách, thì ở các điểm du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh ta, nếu du khách muốn tổ chức một chuyến du lịch mạo hiểm đến Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa hay rừng đặc dụng Xuân Nha thì du khách khó mà có thông tin đầy đủ về vùng đó và đi bằng cách nào, ai hướng dẫn, nghỉ ở đâu, ăn cái gì? Xin nêu ví dụ, trong chiến dịch dập giặc lửa cháy lan, bảo vệ rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa năm 2010. Hầu hết các lực lượng tham gia đều đều gặp khó khăn về đường ra, lối vào, bởi tuyến từ Bắc Yên vòng quanh sang xã Háng Đồng đang mở; tuyến Suối Sập lên thì cát cứ; từ Suối Tọ vào thì hoàn toàn đi bộ. Nếu không có dân sở tại dẫn đường, mở lối thì chuyện mất phương hướng, lạc trong rừng là hoàn toàn có thể xảy ra, chứ chưa nói đến tìm được cái ăn, nước uống khi phải xuyên qua những cánh rừng đại ngàn đi cả ngày không gặp dân bản. Vậy thì, để xây dựng tour du lịch sinh thái ở đây chắc chắn sẽ còn có rất nhiều việc phải làm! 


Đối với du lịch hang động, ngoài danh thắng Hang Dơi (Mộc Châu) được gắn với di tích lịch kháng chiến chống thực dân Pháp, nên còn có hệ thống đường đi lối lại được đầu tư, có hệ thống chiếu sáng, có hướng dẫn viên du lịch giới thiệu, có các dịch vụ giải khát và trạm nghỉ dừng chân. Còn ở hang Chi Đảy (Yên Châu), mọi thứ mới chỉ là bước đầu, nhưng nếu không sớm loại bỏ các nghi thức mê tín, phản văn hóa tự phát ở đây, gây xáo trộn tính hoang sơ, dân rã của nó thì sớm muộn hang Chi Đảy sẽ làm thất vọng du khách về thăm. Các hệ thống hang động khác cũng không kém phần kỳ vĩ, phù hợp với du khách thích du lịch khám phá mạo hiểm, như: Ngũ động bản Ôn, hang Ma Lang Chánh (Mộc Châu), Động chín rồng (Phù Yên). Thế nhưng, những hang động này đến nay vẫn chưa được quy hoạch chi tiết và thu hút đầu tư để đưa vào khai thác. 


Hệ thống du lịch sinh thái trên các hồ thủy điện, thì hiện nay ngành văn hóa - thể thao và du lịch mới tổ chức khai trương tuyến du lịch trên hồ thủy điện Sơn La từ Mường La đi Quỳnh Nhai và ngược lại bằng tàu thuyền khách, nhưng lượng khách đến với tuyến du lịch này còn nhiều hạn chế do mặt hồ mới hình thành, các điều kiện phục vụ trên hồ chưa đáp ứng nhu cầu, chưa có các điểm dừng hợp lý trên tuyến gắn với các hoạt động văn hóa, thể thao, khám phá, vãn cảnh, leo núi... để níu chân du khách. Du lịch trên tuyến vùng hồ thủy điện Hòa Bình gắn với các chợ nổi trên sông đã đưa vào khai thác hàng chục năm nay, nhưng chưa mang lại hiệu quả bền vững do lưu lượng nước mặt hồ không ổn định; các chợ phiên nhỏ lẻ, sản phẩm du lịch kèm theo còn đơn điệu. Còn các hệ thống hồ thủy lợi như: Hồ Tiền Phong, hồ Chiềng Khoi, hay thác Dải Yếm, thác Mường Khoa... hầu hết chỉ đóng vai trò vui chơi giải trí cuối tuần phục vụ khách nội tỉnh, nhưng chỉ được một mùa do lưu lượng nước bị cạn kiệt bởi sự khai thác bất hợp lý về nguồn tài nguyên để kiếm kế mưu sinh của chính con người sở tại. Mặt khác, một số tài nguyên du lịch có giá trị đã bị khai thác quá mức, thiếu sự đầu tư, bảo vệ, nâng cấp, dẫn đến sự xuống cấp của một số khu, điểm du lịch; chưa có các sản phẩm đặc chưng mang thương hiệu văn hóa của từng vùng. Đây là một trong những lý do ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của các sản phẩm du lịch Sơn La trong thời gian qua. 


Được biết, năm 2011, ngành văn hóa - thể thao và du lịch Sơn La đã xây dựng kế hoạch thông tin, quảng bá, giới thiệu, thu hình ảnh về miền đất và con người Sơn La với dự toán khiêm tốn. Bởi thông tin về Sơn La chưa được quảng bá rộng rãi, nên ngay trong dịp nghỉ bù Kỷ niệm 30/4 và 01/5 năm 2011, lượng khách du lịch đến với Sơn La còn quá khiêm tốn, trừ Mộc Châu luôn có khách đặt kín phòng, còn trên địa bàn thành phố nhiều khách sạn, nhà nghỉ thậm chí còn vắng khách du lịch đến đặt phòng, trong khi đó các địa phương khác, như; Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Sầm Sơn (Thanh Hóa)... lượng khách đến tham quan, du lịch trong dịp này khá đông và hệ thống nhà nghỉ luôn ở trong tình trạng “cháy phòng” với giá cao gấp ba, gấp bốn lần so với những ngày thường mà vẫn thiếu. 


Trong chiến lược phát triển du lịch Sơn La tầm nhìn đến năm 2020, mục tiêu mà tỉnh ta đặt ra là: “Phát triển du lịch để nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phấn đấu đưa du lịch Sơn La từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”. Giải pháp đặt ra là “Tập trung ưu tiên cho những sản phẩm mà Sơn La có thế mạnh, có khả năng cạnh tranh cao, như: Du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng. Nguyên tắc và cơ chế đầu tư là Nhà nước quy hoạch và đầu tư hạ tầng kỹ thuật quan trọng bằng nhiều loại nguồn vốn lồng ghép, doanh nghiệp và cộng đồng đầu tư các sản phẩm dịch vụ cụ thể”. 


Để du lịch Sơn La, nhất là du lịch sinh thái phát triển mạnh, thu hút khách du lịch, phục vụ đắc lực lợi ích địa phương, theo anh Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Xúc tiến Du lịch Sơn La: “Trước hết phải tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, hiểu rõ mục đích, giá trị của việc bảo vệ, giữ gìn tài nguyên du lịch; có chiến lược đầu tư hợp lý, có trọng điểm, nhất là chiến lược đào tạo nguồn nhân lực làm du lịch. Đồng thời, cần phải có sự quan tâm đặc biệt hơn nữa của tỉnh, kết hợp tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, hợp tác đầu tư, chắc chắn du lịch Sơn La sẽ ngày càng phát triển”./.

Nguồn: Báo Sơn La

Cùng chuyên mục