Hoạt động của ngành

Thừa Thiên Huế: Huyện Hương Trà phát triển du lịch - dịch vụ

Cập nhật: 12/05/2011 10:58:38
Số lần đọc: 2595
Hương Trà đang từng bước huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại (DL-DV-TM), phấn đấu đưa vùng đất tiềm năng này trở thành trung tâm dịch vụ phía Bắc của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tiềm năng thấy rõ

Là huyện nằm liền kề thành phố Huế, trên trục giao thông xuyên Á, tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, đồng thời nằm trên trục phát triển đô thị chủ đạo của tỉnh, cụm du lịch trọng điểm Huế và vùng phụ cận, nên Hương Trà rất có tiềm năng phát triển mạnh về DL-DV. Theo đó, DV - DL - TM đang từng bước phát triển khá, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Tốc độ tăng trưởng dịch vụ bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt trên 18%, tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 41,2% GDP năm 2010. Các ngành dịch vụ khá đa dạng như vật tư nông nghiệp và xây dựng, tài chính ngân hàng, giao thông vận tải... Đặc biệt, dịch vụ vận tải “ăn nên làm ra” với các công ty lớn như Công ty TNHH Vận tải LuckAn, CT CP Vận tải Trường Sơn, Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới... Bước đầu hình thành các cơ sở kinh doanh theo hướng hiện đại như trang trí nội ngoại thất, siêu thị nhỏ, showroom xe máy, dịch vụ nhà hàng, vui chơi, giải trí dọc tuyến QL 1A. Đặc biệt, dọc sông Bồ hình thành tuyến đường kinh doanh dịch vụ với các nhà hàng, điểm giải trí; đường tránh phía Tây với nhiều điểm kinh doanh xăng dầu, khu du lịch. Mạng lưới chợ nông thôn cũng được huyện quan tâm đầu tư xây dựng kiên cố bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Không kể một số xã do điều kiện đặc thù, vẫn chưa có chợ trung tâm, đến nay, có 6 chợ ở các xã được xây mới, 4 chợ được nâng cấp mở rộng, riêng chợ thị trấn đã hoàn thành quy hoạch mở rộng giai đoạn 2. Hiện, huyện đang cố gắng tìm kiếm các nguồn vốn từ dự án, chương trình phát triển thương mại nông thôn để có thể xây dựng các chợ còn lại.

Hương Trà còn có tiềm năng về du lịch; là nơi lưu giữ nhiều công trình kiến trúc, danh lam, thắng cảnh như lăng Gia Long, Minh Mạng, điện Hòn Chén, phố cổ Bao Vinh, cảng cổ Thanh Hà, khu di tích ChămPa. Đặc biệt hệ sinh thái đầm phá với 700 ha mặt nước, 7km bờ biển... Trong kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2011-2015, Hương Trà gắn phát triển du lịch với phát triển làng nghề, phát triển văn hóa - thể thao và bảo vệ môi trường. Phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa nông thôn.

Phát triển theo quy hoạch

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Công, Phó phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Hương Trà: “Tuy hoạt động DV - TM có phát triển hơn so với trước, nhưng vẫn còn mang tính tự phát, phân tán, quy mô nhỏ, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của địa phương. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế. Chính vì vậy, để phát huy tiềm năng du lịch sẵn có, huyện đã kêu gọi và tạo mọi điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các loại hình kinh doanh du lịch. Đặc biệt, sẽ chú trọng phát triển các ngành và lĩnh vực dịch vụ phụ trợ phục vụ du lịch, chú trọng xúc, tiến quảng bá du lịch (XT, QBDL); gắn công tác XT, QBDL với xúc tiến đầu tư thương mại. Triển khai kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch, dịch vụ. Hình thành một số khu du lịch có thương hiệu”.

Kết luận tại buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh và huyện Hương Trà về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2011, đồng chí Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nêu rõ: “Hương Trà có lợi thế về vị trí địa lý và là nơi có nhiều di sản như lăng Minh Mạng, điện Hòn Chén, phá Tam Giang... vì vậy phải biết tận dụng để đầu tư phát triển dịch vụ”. Với tinh thần đó, các loại hình du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái đang và sẽ là thế mạnh và tầm nhìn chiến lược của huyện trong việc thúc đẩy DL-DV tăng tốc. Thực tế hiện nay, hoạt động kinh doanh DL-DV trên địa bàn đã thu hút nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư và phát triển ngày càng phong phú, đa dạng. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã và đang nghiên cứu lập dự án đầu tư DL-DV tại các xã Hương Hồ, Hải Dương, Hương Phong. Hiện, dự án khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Kinh Thành ở xã Hải Dương với diện tích trên 90ha, có kinh phí dự kiến 800 tỷ đồng do CT CP TM Kinh Thành đầu tư đã được phê duyệt; khu du lịch sinh thái về nguồn trên diện tích 36ha, kinh phí gần 100 tỷ đồng đã đưa vào sử dụng. Sắp tới, huyện tập trung khai thác các điểm du lịch như: Thủy điện Hương Điền gắn với Địa đạo Khu ủy Trị Thiên, đầm phá và rừng ngập mặn Rú Chá, du lịch biển Hải Dương... Tất cả đều là những điểm nhấn quan trọng để Hương Trà mạnh dạn với chiến lược phát triển kinh tế DL - DV.

Theo định hướng phát triển dịch vụ 2011-2015, huyện thúc đẩy chuyển dịch và hoàn thiện cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Trong đó, tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ có lợi thế, phấn đấu đưa Hương Trà thành trung tâm dịch vụ phía Bắc của tỉnh. Phát triển thương mại đa dạng các loại hình doanh nghiệp với nhiều quy mô khác nhau, tăng về số lượng, mới về phương thức hoạt động. Đẩy mạnh đầu tư phát triển dịch vụ giao thông vận tải, viễn thông, ngân hàng; hỗ trợ, khuyến khích và thúc đẩy quá trình hình thành các cơ sở kinh doanh hiện đại, chuyên nghiệp, các trung tâm phân phối hàng hóa có quy mô lớn trên địa bàn. Phát triển du lịch theo hướng du lịch sinh thái gắn với cảnh quan thiên nhiên vùng đầm phá ven biển, du lịch gắn với di tích lịch sử, du lịch tâm linh...
Nguồn: NetCoDo

Cùng chuyên mục