Hoạt động của ngành

Quảng Nam: Tìm hướng phát triển du lịch Nam Giang

Cập nhật: 11/05/2011 07:49:17
Số lần đọc: 2468
Nam Giang sở hữu tài nguyên thiên nhiên, văn hóa đa dạng, được mệnh danh như cánh cửa mở phía Tây Quảng Nam, nhưng khai phóng tiềm năng du lịch vẫn đang là câu hỏi khó…

Những cái tên như thác Grăng, suối nước nóng ĐắcPring, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh hay làng dệt Zara, nghề đan lát truyền thống, các lễ hội cồng chiêng… đã đủ để Nam Giang thu hút khách du lịch. Ông Takadera, chuyên gia du lịch cao cấp thuộc Tổ chức Cứu trợ phát triển quốc tế Việt Nam (FIDR, Nhật Bản) cho rằng, xây dựng dự án phát triển du lịch Nam Giang là điều cần thiết. Không chỉ khai phá tiềm năng du lịch mà còn thúc đẩy cuộc sống của đồng bào dân tộc phát triển theo hướng tích cực. “Một dự án du lịch thành công là phải làm thay đổi cuộc sống người dân tại chỗ. Cộng đồng phải là những người được hưởng lợi nhiều nhất chứ không phải chỉ có một nhóm người” - ông Takadera nói.

 

Hội thảo về phát triển du lịch Nam Giang do UBND huyện phối hợp với Tổ chức Cứu trợ, phát triển quốc tế Việt Nam (FIDR-Nhật Bản) tổ chức cuối tháng 4 vừa qua với sự tham gia của các nhà quản lý du lịch, các công ty kinh doanh lữ hành TP. Đà Nẵng, Hội An… đã đưa ra nhiều ý kiến quan ngại về tính hiệu quả khi triển khai dự án phát triển du lịch trước sự yếu kém cơ ở hạ tầng, sản phẩm du lịch, nhân lực, xử lý môi trường, tính bền vững của dự án, sự hưởng ứng của đồng bào sống trên địa bàn. Ông Lê Hoàng Hà - Trung tâm Lữ hành Hội An - cho rằng, với sự đơn điệu sản phẩm và chi phí cao vì giao thông trắc trở, dù đã có công ty du lịch đưa khách đến Nam Giang nhưng hiệu quả thấp. “Nếu không có chiến lược phù hợp thì khó biến Nam Giang thành điểm đến hấp dẫn, dù ý tưởng đã được phát lộ” - ông Hà nói. 

 

Phía địa phương cũng nhận ra những điểm yếu của mình. Theo bà Phạm Thị Như, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nam Giang, thiếu sản phẩm du lịch, nguồn lực, kinh phí hạn chế, quảng bá tuyên truyền mang tính nhỏ lẻ, định hướng và quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch còn chậm… đã dẫn đến sự lúng túng trong điều hành và thu hút đầu tư du lịch tại địa phương. Địa phương chỉ mới bước đầu khảo sát, đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho chiến lược phát triển du lịch như xây dựng nhà truyền thống văn hóa các dân tộc Nam Giang làm nơi trưng bày, giới thiệu những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc. Có thể đề cập thêm về nỗ lực xây mới, củng cố hệ thống nhà làng truyền thống (gươl, moong) tại các xã, thôn; phục dựng, phát triển các điệu múa hát cồng chiêng; xây dựng hạ tầng giao thông, bê tông hóa đường vào thác Grăng và làng dệt thổ cẩm Zara; quy hoạch các điểm du lịch lịch sử cách mạng, nhà lưu niệm làng Rô, đường Trường Sơn huyền thoại; xây dựng các nhà nghỉ homestay tại làng văn hóa Đắc Ốc; cử thanh niên con em đồng bào dân tộc đi học những lớp ngắn hạn về du lịch… Nhưng ngần ấy rõ ràng chưa đủ cho một “giấc mơ” dài.

 

Ông Takadera kiến giải, ngoài tiềm năng, cần có 3 nguồn vốn là tài chính, chuyên môn, nhân sự để phát triển du lịch. Nam Giang có một “nguồn vốn” lớn, đó là thiên nhiên, văn hóa và lòng hiếu khách. Du lịch cộng đồng - loại hình du lịch phù hợp và mang lại hiệu quả cao nhất cho người dân địa phương - là một lựa chọn. Tuy nhiên, ông Takadera cũng cảnh báo: “Số khách tăng không đồng nghĩa với việc mang lại lợi ích cho cộng đồng mà còn có thể đưa vào cộng đồng những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày của người dân, ô nhiễm văn hóa địa phương, ô nhiễm thiên nhiên và phá vỡ hệ thống cộng đồng”. 

 

Phát triển du lịch, chuyển đổi cơ cấu kinh tế bền vững cho sản phẩm làng nghề và cộng đồng cư dân hưởng lợi từ dự án du lịch ở Nam Giang cần thời gian và sự đầu tư hợp lý. Và để làm được điều này cần đến sự chung sức của cộng đồng và các nhà quản lý, quy hoạch, các công ty kinh doanh lữ hành.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục