Non nước Việt Nam

Hà Lều: Làn điệu dân ca độc đáo của người Tày – Nùng (Cao Bằng)

Cập nhật: 11/05/2011 16:48:11
Số lần đọc: 2937
Trong các làn điệu dân ca Tày-Nùng ở Cao Bằng thì Hà Lều là một trong những làn điệu hay, có sức cuốn hút lạ thường. Ai đã từng nghe và hiểu được ý nghĩa của câu lượn thì muốn được nghe mãi. Cái âm điệu ì ì... à lều... à đới cứ theo suốt cuộc đời mình. Càng đi xa, càng thành đạt, càng nhớ nhung nó, nhớ nhung đến mê say.

Hà Lều có những nét rất gần gũi với quan họ Bắc Ninh. Hà lều cũng như quan họ, thường được cất lên trong các cuộc vui, nhưng được hát phổ biến nhất là vào dịp giêng hai-mùa của hát hội-mùa của "lồng tồng" và cũng là mùa của nam thanh nữ tú hoa lòng thắm đỏ, muốn được tỏ tình, trao duyên. Cũng một bên nam, một bên nữ hát đối đáp nhau, khi bên này vừa dứt thì bên kia đã cất ca lời đáp. Nếu cả hai bên đều có "thầy" ứng tác giỏi thì cuộc hát như một dòng chảy, không bao giờ ngắt quãng. Nhất là khi "lòng” đã gặp "lòng" thì cuộc hát sẽ thâu đêm suốt sáng, song không hề mảy may xuất hiện một lời nói, một cử chỉ bờm sơm, cợt nhả nào. Họ hoàn toàn trân trọng nhau. Càng về khuya càng im lặng, im lặng như muốn nín thở để nghe cho tường từng ý, từng lời câu hát của đối phương mà lựa đáp lại cho thật hay, thật khéo. Có khác chăng Hà lều chỉ hát đôi, còn Quan họ có thể hát đôi, có thể hát tốp, song dù hát đôi hay hát tốp đều có bè cả. Với Hà lều, mới nghe, ta có cảm tưởng như hai người cứ thế ì ì... à lều... à đới nhưng nghe kỹ thì ta sẽ thấy một người "đi” giọng thấp, một người “đi” giọng cao, kiểu như người nọ lựa bước đợi người kia để vẫn hoà cùng một nhịp bước. Hát Hà Lều khó là khó ở chỗ đó. Chỉ một mình có chất giọng ngọt thôi thì chưa đủ mà phải có người thứ hai có chất giọng gần gần như mình thì mới có tên Hà Lều. Chính vì thế, hiểu theo kiểu giản đơn thì hát Hà Lều ai ai cũng hát được, chỉ cần nghe vài lần là biết hát, nhưng hát để được nhiều người khen hay thì không dễ chút nào và không phải ai cũng hát được. Ở một cuộc hát bình thường, rất có thể ít người đến nghe, nhưng nếu biết tin cặp hát cặp anh A, chị B thì dù bận đến mấy người ta vẫn gác bỏ lại công việc để đi nghe lượn. Trước hết là nghe cái chất giọng ngọt lịm như mía lùi của cặp hát đó, mà thói thường người có giọng hát đẹp, mê hồn cũng là người ứng tác giỏi. Giỏi ở đây có nghĩa là lời hát vừa nhanh, vừa sắc. Đối phương mà "non tay" thì chỉ lắc đầu "xin chào"! Nếu muốn được hát tiếp thì "bên thua" phải có lời hát "xin lại" thì bên kia mới gỡ cho. Và như vậy, cuộc hát lại mới tiếp diễn. Đây chính là một nét đặc thù của Hà Lều, phải nói là rất riêng so với nhiều làn điệu dân ca khác. Một đặc điểm nữa, lượn Hà Lều thường là câu thơ song thất, âm tiết thứ năm của câu thứ hai được gieo vần vào âm tiết cuối của câu đầu. Chính cách gieo vần đó tạo nên đặc trưng của Hà Lều là hát song ca mà tạo hai bè cao thấp trong câu hát, song vẫn bảo đảm ăn nhập với nhau, ăn nhập đến mức hoà quyện, nhuần nhuyễn như cùng diễn tả cái tâm đắc từ nơi sâu thẳm của tâm hồn. Song, xét cho cùng giai điệu ngọt ngào, êm ái ấy cũng chỉ là phương tiện truyền tải của câu hát. Cái tinh tuý, chắt lọc làm mê hồn người nghe của Hà Lều chính là lối nói tượng trưng, ví von bằng hình ảnh. Ví như câu:

"Khửn rườn tỉnh muổ rà rà
Khảm pây pỉ mí mà rử lố"

(Câu này có nghĩa là: "Đến nhà em, anh chỉ nghe tiếng ngô xay thì chắc là lần sau anh không bao giờ dám đến chơi nhà em nữa"). Vì là miền núi, ruộng ít, nương nhiều, thường hay ăn cháo bẹ. Song đây chỉ là cách nói của mấy chị kia, vì ở đời, mấy ai có khách quý đến chơi nhà lại cho ăn cơm ngô. Dù nghèo khó đến mấy cũng vay mượn bằng được vài đấu gạo để thổi cơm mời khách! Cái hồn của câu lượn mời này chính là ở tiếng tượng thanh "rà rà" ấy. Vì xay ngô ở miền núi bao giờ cũng xay bằng cối đá, và để ngô khỏi bắn ra xa thì người ta thường lấy một miếng vỏ cây to bằng hai bàn tay vòng quanh chiếc cối, vì vậy khi ngô bắn ra khỏi cối là văng vào vỏ cây kia nên phát ra tiếng "rà rà". Song đây chỉ là cách nói của các chị em. Vì hát mời đã bao nhiêu câu rồi mà vẫn không được đáp lại, nên các chị muốn thông qua cái âm thanh "rà rà" để nói rằng các anh chê giọng Hà Lều của bọn em không hay, không ngọt, giọng vỡ như tiếng xay ngô nên mới không hát đáp. Cái thần của Hà Lều là ở chỗ đó, muốn nói lòng mình mà lại không nói thẳng lòng mình, mà thông qua một thứ vật dụng cụ thể, một âm thanh hay một hình ảnh cụ thể mà biểu cảm. Vì lẽ đó nên người nghe chỉ cần nghe một lần mà nhớ mãi. Đặc biệt là, nếu câu lượn ấy được phát ra từ một cặp hát có chất giọng ngọt ngào, tha thiết thì khác nào như một thứ mật ngọt rót vào tim ta, làm ta xao xuyến đến mê say. Lúc đó, dù không muốn, cũng phải hát đáp.

"Khảu táy van nuổi quá khảu nà
Háng xục pỉ tẻo mà pày mắu"

Trong thực tế, dù có nấu khéo đến mấy thì cơm ngô (khẩu táy) cũng không thể thơm dẻo như cơm gạo được, nhưng ở đây các anh ấy lại hát “Khảu táy van nuổi quá khảu nà" thì tài tình quá đi! Chính bởi lời hát đáp tài tình và động lòng này đã dẫn cuộc hát kéo dài đến thâu đêm suốt sáng. Cứ thế, cái âm điệu ì ì... à lều... à đới... làm âm vang cả làng, cả xóm. Càng về khuya, giọng càng ngọt, càng say. Dường như đêm đó, từ già đến trẻ, đều thổn thức, đều mải mê. Mọi người những tưởng, sau một đêm hát dài như thế, chắc chắn các cặp hát đều mỏi mệt, "cạn nguồn"... Nhưng không, cuộc hát vẫn kéo dài đến lúc ánh nắng mặt trời chênh chếnh xuyên qua lùm cây nghiến sau nhà rọi bóng nắng vào ô cửa. Và câu kết mới cảm động làm sao:

"Pỉ pay khoăn nhằng dú thang sàn
Bău mạy tốc dá dan noọng nớ"

Nguyên nghĩa của câu này là: "Anh đi, hồn ở lại cuối sàn, lá rụng đừng giật mình em nhé!". Đây là lời dặn dò, nhắn nhủ của các chàng trai khi tạm biệt các bạn gái của mình sau một đêm hát. Lời dặn thật đơn giản, mộc mạc nhưng cũng thật trữ tình. Vì thực chất lời dặn là lời cầu mong, nguyện ước. Các anh không cầu chúc cho bạn mình mạnh khoẻ, yêu đời như bình thường chúng ta vẫn gặp, mà ở đây người đi chỉ khuyên người ở lại rằng: Anh xuống cầu thang, rời em để đi về nhưng hồn anh vẫn mãi mãi ở lại cuối sàn nhà em, nếu em có nghe lá rụng thì đừng giật mình em nhé!

Mới nghe qua lời dặn đó thì thấy có một cái gì đó vô lý lắm, nhưng ở đây lại không vô lý chút nào, mà lại rất có lý, có tình. Sở dĩ lại như thế vì người đi hồn có đi đâu, hồn vẫn ở lại cuối sàn mãi mãi và thực chất hồn ở lại trong lòng người bạn tình của mình, hay nói một cách khác là hồn đã "hút" lại bên nhau. Chất men say trong câu lượn Hà Lều là như vậy đó.

Nguồn: website Quê Hương

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT