Nghệ thuật dân gian của dân tộc Mường
Những dịp như vậy, khắp núi rừng vang tiếng chiêng rộn rã. Vào những ngày lễ hội, tiếng chiêng vang lên trầm bổng cùng những cuộc vui hội của mọi người. Khi mừng nhà mới, tiếng cồng cũng được đánh lên vui nhộn mừng gia chủ. Có thể nói, tiếng cồng , tiếng chiêng có mặt ở khắp mọi nơi, mọi thời khắc đáng ghi nhớ trong cuộc đời của người Mường.
Vì vậy xưa kia khi nhà nào cũng phải sắm cho nhà mình một vài chiếc cồng. Cồng chiêng là những vật báu tượng trưng cho sự giàu có, sang trọng của mỗi gia đình người Mường. Sử thi đẻ đất đẻ nước còn ghi rõ những không khí có sự tham gia của chiêng cồng:
Con trai đi trước khiêng trống
Con gái đi sau xách cồng
Đến Mường đánh lên hồi trống cái
Cồng bảy cồng mười lên tiếng cho giòn
Cồng cái cồng con kêu cho rộn…
Cồng chiêng có giá trị rất lớn cả về tinh thần lẫn vật chất. Trước đây, người Mường dùng trâu to, bò lớn để đổi được chiếc cồng, chiêng. Tuy vậy, những giá trị cụ thể ấy cũng chỉ là tương đối, còn nói chung, cồng chiêng của người Mường là một tài sản vô giá.
Xưa kia người ta cũng tiến hành đúc chiêng, thợ đức có cả thợ người Mường lẫn thợ người kinh ở xuôi lên, có cả việc trao đổi, buôn bán cồng chiêng giữa vùng này và vùng khác. Một đoạn thường rang của người Mường đã cho thấy việc trao đổi và sản xuất cồng chiêng:
Chiêng này từ xưa
Chiêng từ chợ, từ thợ mà ra
Nó nặn không nồi, không tra bằng đất
Bên dưới nó chất bằng than
Cháy lửa tràn hai bên miệng bễ
Đứa em vào đổ lên cái thành
Đứa anh đúc nên cái chiêng bảy
Nó đổ nên chiếc chiêng ba
Người thợ già già nó bảo buôn lên
Đi bốn mươi đầu làng dưới
Đến chín mươi cuối làng trên
Ai cũng thấy nên nghe được
Quan tiền đem ra trác (mua)
Lạng bạc đem ra mua
Mua được chiếc chiêng bảy, chiêng ba…
Theo loại hình và chất liệu, người Mường chia chiêng thành hai loại chiêng hơ và chiêng nay. “Chiêng hơ là chiêng cổ xưa, cái núm chiêng sáng hồng và bóng lên. Mặt chiêng thường nổi mụn nhỏ li ti, sờ vào thấy ráp ráp. Cũng có nơi gọi là chiêng chô cóc. Chiêng hơ thường được thấy nhiều ở cỡ từ loại chiêng mốt tới chiêng sáu. Còn chiêng nay thì đồng đỏ như chiêng thau, có những nốt tựa như búa ghè. Xét về toàn diện thì chiêng nay kém giá trị hơn chiêng hơ rất nhiều. Xét về âm thanh thì độ vang của chiêng nay không được vang lắm và âm cũng không được đẹp bằng chiêng hơ”.
Trải qua quá trình phát triển và ổn định, một dàn chiêng Mường phải có đủ 12 chiếc mới thành một bộ hoàn chỉnh.
Ngoài ý nghĩa về âm nhạc, dàn chiêng đủ 12 chiếc này còn mang một ý nghĩa khác nữa: “Người ta cho rằng với con số ấy là biểu tượng cho 12 tháng của một năm. Tính theo vòng quay của mặt trăng. Một năm là sự giao thoa của bốn mùa thời tiết để bắt đầu từ con số 1. Sự giao thoa của từng chiếc chiêng là sự âm hưởng của 12 tháng. Vì vậy người Mường lấy 12 chiếc trong một giàn là ở chỗ ấy”.
Một bộ chiêng đầy đủ là 12 chiếc, nhưng nếu không đầy đủ vẫn có thể là một bộ, song ít nhất bộ ấy phải có 4 - 5 chiếc trở lên. Bộ chiêng đầy đủ 12 chiếc được chia làm 3 nhóm, gồm:
- 4 chiêng dàm - có vùng còn gọi là chiêng khầm, là loại có kích thước lớn, âm thoát ra thuộc âm khu trầm trong dàn.
- 4 chiêng bồng – còn được gọi là chiêng đục bồng hoặc chiêng bòong beng, chiêng bôông bêêng, gồm những chiếc có kích thước vừa phải, trung bình, âm phát ra thuộc âm khu giữa trong dàn.
- 4 chiêng tlé – còn được gọi là chiêng chót, chiêng bóng, chiêng poóng, chiêng đón, chiêng lắp, chiêng lóng, là những chiếc có kích thước nhỏ nhất, phát ra những thuộc âm khu cao nhất trong dàn.
Ngoài ra, người Mường còn có tên gọi cho 12 chiếc chiêng trong giàn theo thứ tự chiêng mốt, chiêng hai, cho đến chiêng mười hai với phân loại âm chiêng mốt là cao nhất, chiêng 12 là trầm nhất. Khi trình diễn dàn chiêng người ta thường đánh những tiếng chiêng mở đầu gọi là chiêng gióng với ý nghĩa gióng lên trước để hướng dẫn giàn chiêng cũng như sự chú ý của người nghe. Bộ này gọi là bộ gióng với các chiêng từ chiêng ba đến chiêng bảy. Dùi để đánh cồng, chiêng được làm từ gỗ ổi, gỗ sến hay gỗ cây vông ( cây quả nhấm), đầu dùi được bọc bằng da, bằng vải có đan sợi gai bên ngoài. Da bọc dùi thường được chọn từ da của bộ phận sinh dục các loại trâu, nai, hoẵng, bò…Chiêng có buộc dây để khi đánh người ta xách chiêng trên tay. Dây chiêng thường được buộc bện bằng dây sợi gai hoặc bằng vỏ cây Dó cho êm và không bị mất tiếng.
Chiêng, cồng chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống của người Mường, theo suốt cuộc đời họ từ khi sinh ra đến lúc trở về cõi vĩnh hằng, có mặt ở cả những cuộc vui lẫn khi có chuyện buồn để chia sẻ cùng họ. Vì vậy nghệ thuật cồng chiêng là loại hình âm nhạc quan trọng nhất của người Mường.
Ngoài dàn cồng chiêng nổi tiếng, người Mường còn có loại nhạc cụ phổ biến khác như trống, sáo, cò ke, kèn gỗ, ống ôi, bỉ đôi, boòng beng, trống đồng, trống gỗ, đàn máng ( đàn bầu), đàn tam, đàn tớ ính ( đàn môi), kiểng, chiếm chọc…Tất cả các nhạc cụ này được sử dụng vào các nghi lễ, các cuộc vui trong sinh hoạt, trong lao động sản xuất của người Mường ( như đi săn). Cùng với các làn điệu dân ca, các loại nhạc cụ của người mường đã tạo nên một nền âm nhạc dân gian phong phú và đặc sắc của họ. Những bài dân ca được trình bày có kèm theo các điệu nhạc để làm tăng thêm cái hay, cái đẹp cho bài hát, cũng có loại dân ca không dùng âm nhạc thì lại được thể hiện bằng làn điệu, bằng nhịp và giọng hát của người trình bày và bằng nội dung trữ tình, lãng mạn của lời hát tạo nên một đời sống âm nhạc phong phú của người Mường trong quá khứ cũng như trong hiện tại.