Non nước Việt Nam

Hát nhà trò Văn Trinh - Một nét đẹp văn hoá

Cập nhật: 25/04/2011 14:09:34
Số lần đọc: 2639
Năm 2009, ca trù của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Thực ra thì ca trù có nhiều tên gọi khác nhau như hát ả đào, hát cô đầu…

Ở Thanh Hóa, Nghệ An và một số địa phương trong cả nước, người ta gọi là hát nhà trò. Theo các nhà nghiên cứu thì hát nhà trò, tức là vừa hát vừa làm trò - một trong những gốc tổ của nghệ thuật Ca Trù. Ở Văn Trinh, Quảng Xương, Thanh Hóa, hát nhà trò mang bản sắc riêng.

 

Hát nhà trò Văn Trinh là một nét văn hoá truyền thống đặc sắc của xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương (Thanh Hoá) - vốn là vùng đất Văn Trinh xa, nơi mà vị tướng tài ba Trần Nhật Duật đã chọn làm điểm lập ấp đóng quân. Trần Nhật Duật từng được xem là tổ sư âm nhạc đời Trần, một người sành âm luật, giỏi đặt bài ca, điệu múa để các phường hát chầu phục vụ triều đình. Chính ông là người đã khai sinh ra điệu hát nhà trò Văn Trinh - một trong những điệu hát đầu tiên của ca trù Việt Nam.

 

Hát nhà trò Văn Trinh mang đậm sắc thái Văn Trinh và gắn liền với các lễ hội truyền thống của vùng. Trong đó, những lời ca được xướng lên đặc biệt tự hào, ca ngợi những anh hùng dân tộc, những cảnh đẹp của sông nước, núi non hữu tình. Dường như khi câu hát xướng lên, người nghe như cảm nhận được từng dòng chảy của thăng trầm lịch sử và từng hơi thở, nhịp điệu của cuộc sống vẫn đang âm thầm chảy theo thời gian, trong lòng mỗi thế hệ đã đi qua của vùng đất  “tàng phong tích thủy” này.

 

Hát nhà trò Văn Trinh không phải là lễ tục, lễ nhạc dân gian mà là điển lễ được dân gian hóa. Bởi vậy, ngoài có những khuôn mẫu riêng, những bài hát trong quá trình lưu truyền đã được nhân dân sáng tạo và bồi đắp nên càng trở nên phong phú. Phải chăng vì lẽ đó mà tương truyền những tao nhân, mặc khách trên đường thiên lý Bắc Nam nếu đã dừng chân ghé lại vùng đất Văn Trinh, cũng mê mẩn, đắm say trước tiếng đàn phách mê li, lời ca mượt mà của các ca nương để rồi ngẩn ngơ, lưu luyến mãi không dời.

 

Ông Hoàng Tuấn Phổ - Nhà nghiên cứu VHDG Việt Nam cho biết: “Lúc còn sống ông Trần Nhật Duật rất yêu thích bộ môn nghệ thuật này, sau khi ông chết dân chúng muốn cầu phúc nên cũng đã tổ chức những cuộc hát như thế để thờ ông Trần Nhật Duật. Trong phần hội lễ thì phần thờ là rất quan trọng, sau khi thờ ông ấy thì mới đến những bài hát phục vụ dân làng, dân xã”.

 

Hát nhà trò Văn Trinh như đánh dấu chặng đường đầu của con đường phát triển thể loại âm nhạc mang sắc thái tâm linh nhưng hướng tới dân gian hóa về hình thức, xã hội hóa về nội dung. Tuy rằng, theo thời gian và trải qua những thăng trầm của lịch sử, hát nhà trò Văn Trinh đã bị mai một, thất truyền. Để rồi thế hệ người dân nơi đây khắc khoải tựa “hiên mai thuở vắng” mà khôn nguôi nhớ về một thời đại hoàng kim của loại hình âm nhạc đặc sắc - hát nhà trò.

Nguồn: VTV

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT