Dân ca - tài sản văn hóa tinh thần của người Thu Lao ở Lào Cai
Cũng như hầu hết các dân tộc khác, văn học dân gian của người Thu Lao được hình thành trong đời sống cộng đồng, lưu truyền bằng hình thức truyền khẩu và mang đậm tâm tư, tình cảm, nếp sống, nếp nghĩ của người Thu Lao. Thời gian trôi qua, có những truyền thống cũ đã bị thay thế hoặc biến đổi cho phù hợp với hoàn cảnh mới, song văn học dân gian Thu Lao muôn đời vẫn thắm thiết, ngọt ngào những tình cảm chân thật của những con người miền núi. Như những tư tưởng triết học, là cái nhìn sâu sắc của người dân Thu Lao trước hiện thực khách quan và đời sống tâm tình của con người.
Văn học dân gian Thu Lao gồm hai mảng chính: Truyện kể Thu Lao và Dân ca Thu Lao. Các loại hình dân ca Thu Lao (qua những tác phẩm đã tập hợp): Dân ca nghi lễ, phong tục gồm các bài cúng, các bài dùng trong các lễ hội…; dân ca trữ tình sinh hoạt gồm có các bài hát mang tính nghi lễ, song đậm chất trữ tình; các bài hát đối đáp giao duyên; bài hát lao động; các bài hát tâm tình xót xa như một lời than thân… và cũng có những khúc hát mang tình yêu Tổ quốc sâu lắng. Tất cả, dù có hát trong môi trường diễn xướng nào, dù hát về ai, về cái gì, hát ở trong thời kỳ nào, dân ca Thu Lao đều rất chân phương, giản dị nhưng chứa đựng tính nghệ thuật cao như bất kỳ một hình thức dân ca nào khác.
Người Thu Lao gọi hát là Kháo và có bốn mươi chín bài Kháo khác nhau đủ để thể hiện mọi khía cạnh đời sống. Và người Thu Lao hát ở mọi lúc, mọi nơi, đâu cũng là môi trường diễn xướng của họ: Hát trong lễ xin dâu, lễ cưới như: Sư lấu, kháo soi số (Hát khen giàu về đằng ngoại), kháo sói sú (Hát khen giàu về đằng nội)…; hát trong lúc làm ăn như Kháo ừn chẳng (Hát mùa xuân làm nương); hát khi đi chợ như Kháo khíu bằn dư (Rủ bạn gái đi chợ), các bài hát giao duyên ngày chợ thứ nhất, thứ hai… Xét về hình thức diễn xướng, có thể chia dân ca thành hai loại lời hát: lời hát đơn và lời hát đôi. Hát đơn là những bài hát thiên về nghi lễ hay dùng để bộc lộ tâm tư một cách thầm kín. Hát đôi chủ yếu là những bài hát được diễn xướng ở các nghi lễ phong tục hoặc trong các cuộc vui chơi của trai gái. Tuy nhiên, yếu tố trữ tình ở hai loại này là như nhau. Có thể hát đối đáp, hát chỗ đông người hoặc hát khi chỉ còn lại một mình. Khi bài hát đã được cất lên thì ai cũng có thể trở thành khán giả và ai cũng có thể trở thành người hát. Tiếng hát mang nặng tâm tình dù là các khúc hát mang tính nghi thức như bài hát giao duyên trong đám cưới, hay chỉ là những đoạn kể về cuộc sống, về sinh hoạt thường ngày. Người Thu Lao chỉ hát khi cảm xúc trong trái tim đã thật đầy, muốn tuôn ra để thỏa nỗi lòng. Có Giục hát (Kháo sùi) đấy, nhưng không ép hát bao giờ, vì người Thu Lao là vậy! Nhưng ai cũng muốn hát để đáp lại tình cảm của người giục hát. Như thế trao nhau lời hát là trao nhau tình cảm, sự tôn trọng và trân trọng văn hóa cộng đồng.
Người Thu Lao cũng như những tộc người khác, dân ca là máu thịt, là tinh thần, gắn liền với sự hình thành và phát triển của cộng đồng từ thời xa xưa cho đến tận ngày nay. Sáng tác, diễn xướng và lưu truyền luôn tồn tại đồng thời, chính vì thế, dân ca không bao giờ lạc hậu khi tình cảm con người, những nếp sống và nếp nghĩ có thay đổi. Với một dân tộc, yêu tiếng hát như người Thu Lao thì dân ca chính là chất keo gắn kết cộng đồng lại với nhau. Người Thu Lao coi tiếng hát là lời chào và là cớ để bắt quen. Khi sang làng khác muốn làm quen thì có bài hát Cổ táy đẳng mai hỏa (bài hát làm quen khi sang làng khác hát), khi có khách đến làng thì lại hát Kháo khíu tẻo soỏng (Khi có khách đến làng), Kháo khíu (Bài hát đầu tiên khi con gái làng khác đến chơi), Kháo đằng giật (Bài hát gặp nhau)… Khi đã quen rồi lại có Kháo sùi (Giục hát), Kháo sui (Cầu hát khi có khách đến làng) … Hiểu nhau thêm thì lại có những bài hát tâm tình, kể nỗi lòng như: Lây dứ ní dư phằn (Mình thấy buồn trong lòng), Kháo trẩy ra (Bài hát buồn), Khao tẩu dừn (Bài hát muốn lập gia đình cho con trai nhưng nghèo quá).
Và người Thu Lao đâu chỉ biết hát tìm bạn, hát yêu mà sâu sắc và cao cả hơn là biết giữ trọn đạo "uống nước nhớ nguồn". Nếu người Việt có câu dân ca:
"Ơn nghĩa sinh thành
Người hỡi đừng quên
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra".
Thì người Thu Lao cũng có rất nhiều những khúc hát ơn nghĩa như vậy: Kháo cáo bố bu mi (Bố mẹ nuôi con khôn lớn), Kháo bố bu mi (Trông cậy bố mẹ), Kháo bô cháu gi à (Trông cậy anh trai chị dâu), Kháo bô la sáng (Nhờ bạn bè giúp đỡ)…
"Uống nước phải nhớ nguồn
Không quên ơn mẹ mãi mãi
Uống nước không quên lần (cái dẫn nước)
Đời đời không quên mẹ"…(Kháo khíu tẻo soỏng)
Đạo lý làm con phải giữ trọn chữ hiếu, nhớ ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và biết ơn những người giúp đỡ mình khi khó khăn đã ăn sâu vào máu thịt, vào tâm thức của người Thu Lao, tạo nên truyền thống ứng xử tôn kính, hài hòa trong quan hệ giữa người với người.
Bên cạnh những khúc hát đối đáp giao duyên, hát cho nhau nghe, người Thu Lao còn thích hát đơn, hát một mình khi đi làm nương có Kháo ùn chẳng (Bài hát mùa xuân đi làm nương), hát than thân phận kém may mắn có Kháo khà rèng (Nhà nghèo phải đi làm thuê), Lặc nứ lặc khầm (Tiếng hát mồ côi) Bu tể bu bu thò tử ní (Tiếng hát mồ côi cha), Kháu bô cháu già (Bài hát mồ côi)… Ở những bài hát đơn đó, cái tôi cá nhân của người hát đã vút lên trong những nỗi riêng tư, song lại trở thành một hiện tượng của cộng đồng. Cộng đồng đã lấy những niềm riêng đó để hát lên, nói thay cho tâm trạng của chính mình và vì vậy, khi buồn ai cũng có thể hát Khao trẩy ra (Bài hát buồn), Kháo đẳng đá (Bài hát cô đơn)... để nói lên nỗi lòng giấu kín.
Người Thu Lao coi tiếng hát như một thứ của chung, cần như cơm ăn nước uống hằng ngày, ai cũng được dùng nếu thấy hợp với mình, như phương tiện giao tiếp thông dụng. Ai không quen qua tiếng hát thành quen. Ai quen rồi qua tiếng hát thấy thân hơn, quý nhau hơn để cùng chia sẻ cho nhau và để sống bình đẳng hơn trong cộng đồng. Qua năm tháng của cuộc sinh tồn, dân ca như chất vữa vững chắc xây dựng nên tình đoàn kết cộng đồng Thu Lao.