Lễ hội H’Tend - Tết đầu năm của người Hơre
Đây chính là thời gian diễn ra lễ hội H’tend. Tiếng Hơre, H’tend có nghĩa là lễ cúng thần linh và hội vui chơi đầu năm, đầu mùa. Lễ hội được tổ chức khá chu đáo... gắn với nhiều lễ thức và sinh hoạt cộng đồng phong phú, độc đáo... Bói quẻ giò gà và xin keo âm dương là những nghi thức để chọn ngày vào hội. Tùy theo sự đoán định về quẻ bói của padâu (thầy cúng), kết quả bàn bạc của hội đồng già làng, prak lây (chủ làng) sẽ đưa ra quyết định cuối cùng chọn cho làng mình 3 ngày ăn tết riêng và thông báo cho các gia đình được biết.
Để đón hội H’tend, người Hơre chuẩn bị khá chu đáo, từ lễ vật, thức ăn đồ uống đến dọn dẹp nhà cửa, nguồn nước, đường làng, dựng cây nêu, lau chùi, chỉnh sửa cồng chiêng, nhạc cụ, sửa soạn áo váy. Những công việc này chiếm khá nhiều thời gian, nhưng từ người già đến trẻ con đều rất vui mừng, hồ hởi. Không khí chuẩn bị đón tết H’tend ở các plây của người Hơre vừa thiêng liêng trân trọng, vừa ấm áp chân tình, thể hiện tình cảm cộng đồng sâu sắc. Vào thời gian này, khắp vùng cư trú của đồng bào Hre, ngày vui kết thúc ở làng này lại bắt đầu nơi làng khác, không khí hội hè, chiêng trống, hát ca kéo dài hết ngày nọ sang ngày kia, rộn rã núi rừng.
Ngày Tết thứ nhất mở đầu rất sớm, nghi lễ trước tiên gọi là h’vang h’nim (dọn nhà, đuổi tà ma, điều xấu; rước điều tốt, niềm vui). Tiếp đến là các lễ cúng kla hoang, chem h’rai, quai xirô mà nội dung chủ yếu là rước thần linh, tổ tiên về ăn Tết cùng người sống; cầu mong được mùa, no đủ; cầu mong thần linh ban cho niềm tin chống lại kẻ xấu, điều ác, có sức mạnh đối phó với tai họa thiên nhiên. Các nghi thức này đều được tổ chức theo từng gia đình, quanh bếp lửa hồng ấm áp. Lễ cúng trâu (ta h’reo capơ) ngay trước cửa chuồng vào tảng sáng là khởi đầu của ngày Tết thứ hai. Người Hơre rất quý con trâu, vì đối với họ, ngoài giá trị của cải, con trâu là vật thân thiết giúp họ kéo gỗ, cày bừa. Lễ ta h’reo capơ kết thúc sau lời nguyện cầu của chủ nhà mong cho con trâu được mạnh khỏe, biết nghe lời người, ăn cho ngoan, cày cho giỏi. Sau đó người ta dọn cơm lam, rượu cà rỏ, thịt lợn béo để mời khách cùng cả nhà ăn uống no say. Bên ché rượu, mọi người tâm tình, trò chuyện, kể h’mon theo nhịp trống, hát calêu, ca choi... Con trai trổ tài đánh chiêng, chơi đàn krâu, b’rót, thi bắn nỏ, phóng lao, múa gươm, múa giáo,... Con gái thì nhảy múa, khoe vòng kiềng và những bộ váy thổ cẩm tự mình dệt lấy; mời rượu cần, rồi hát ca choi đối đáp với chàng trai mà mình thích. Cuộc vui kéo dài cho đến sáng hôm sau. Ngày Tết thứ ba, ngày cuối cùng, gọi là ôkroh. Nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ, chiếu hoa trải lên sàn, ché rượu ngon đặt ở giữa để đón khách đến thăm. Chủ nhà và khách chúc nhau những lời thật đẹp: “Cái ốm bỏ đi, làm gì được nấy”, “Người khỏe, thóc đầy”, chúc người già “sống lâu như cây kơ nia”, chúc con trai “lấy vợ tóc dài”, chúc con gái “lấy chồng làm ruộng giỏi”, chúc con trẻ “lớn mau như măng, cao hơn cha mẹ”...
Trước đây, hội vui ôkroh (phần cuối của Tết H’tend) có thể kéo dài đến mười ngày, nửa tháng, tốn nhiều của cải, có phần lãng phí thời gian. Hiện nay, đồng bào chỉ ăn Tết trong 3 ngày. Tuy vậy, không khí sôi nổi vui tươi khắp núi rừng Hơre vẫn kéo dài suốt tháng trời, vì mỗi làng chọn cho mình một thời điểm riêng để tổ chức H’tend, năm sau không trùng năm trước, làng nọ chẳng giống làng kia.