Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, niềm tự hào của nền mỹ thuật nước nhà
Năm 1962, Viện Mỹ thuật Mỹ nghệ được thành lập theo quyết định của Bộ Văn hóa, trụ sở đặt tại 38 Cao Bá Quát, Hà Nội. Kèm theo là một biệt thự tại 66 Nguyễn Thái Học, nơi sẽ được sử dụng làm BTMTVN. Ở cương vị Viện trưởng, họa sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Ðỗ Cung đã cùng các cộng sự dành tâm huyết suốt bốn năm cải tạo khu biệt thự, xây dựng thành BTMTVN. Ngày 26-6-1966, BTMTVN được khánh thành với năm nội dung trưng bày chính gồm có: Nghệ thuật đồ đá, đồ đồng, sơ kỳ đồ sắt; Nghệ thuật trang trí trên trang phục của các dân tộc; Nghệ thuật thời kỳ phong kiến từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn; Nghệ thuật dân gian thủ công và mỹ thuật công nghiệp; Nghệ thuật tạo hình cận đại, hiện đại Việt Nam. Họa sĩ Nguyễn Ðỗ Cung cũng chính là Giám đốc đầu tiên của BTMTVN.
Trong chặng đường 45 năm xây dựng và phát triển, BTMTVN đã đạt được những thành tựu đáng kể. Những năm gần đây, BTMTVN đã có sự thay đổi về tư duy để phù hợp với các chức năng, nhiệm vụ của một bảo tàng hiện đại. Trong công tác nghiên cứu, các công trình nghiên cứu mỹ thuật trở thành một hệ thống tư liệu quý giá, làm cơ sở lý luận cho công tác trưng bày giới thiệu tác phẩm tại bảo tàng triển lãm chuyên đề trong và ngoài nước; nhiều hội thảo chuyên đề về bảo tàng học, giới thiệu tác giả, tác phẩm, các giai đoạn trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam được tổ chức. Công tác sưu tầm tác phẩm, hiện vật luôn được quan tâm đúng mức, dù trong điều kiện kinh tế khó khăn. Ðặc biệt, bảo tàng đã sưu tầm được nhiều tác phẩm đại diện cho những khuynh hướng sáng tác mới phản ánh sự năng động, đa dạng của các nghệ sĩ trẻ đương đại Việt Nam.
Hoạt động trưng bày, giới thiệu tác phẩm luôn được bổ sung, nâng cấp. Từ 1.000 m2 thời kỳ đầu nay thành 3.000 m2 với 2.000 hiện vật và tác phẩm chọn lọc có giá trị nghệ thuật cao làm tăng hiệu quả thẩm mỹ trong hệ thống trưng bày thường trực. Hệ thống ánh sáng được lắp đặt theo tiêu chuẩn quốc tế. Nội dung trưng bày đẹp, hấp dẫn theo trình tự thời gian, theo chuyên đề chất liệu, loại hình thu hút được hàng vạn khách trong nước và quốc tế đến tham quan mỗi năm. Bộ sưu tập tranh đương đại giới thiệu những tác phẩm mới sưu tầm chứng minh tính liên tục của mỹ thuật Việt Nam trong trào lưu đổi mới. Những năm gần đây, công tác giáo dục thẩm mỹ tại bảo tàng rất được quan tâm và bước đầu có hiệu quả. Yếu tố xã hội hóa các hoạt động bảo tàng được đề cao và chú trọng, nhất là trong hoạt động tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao kiến thức thẩm mỹ trong cộng đồng, vai trò công dân trong bảo vệ di sản, đề cao tính dân tộc trong cốt cách sáng tạo của người nghệ sĩ. Ðồng thời, khai thác mọi nguồn lực xã hội tạo nguồn kinh phí, chất xám và các năng lực khác.
Công tác kiểm kê, bảo quản tại BTMTVN được hết sức quan tâm, từng bước chuẩn hóa hồ sơ hiện vật một cách khoa học; hệ thống các thiết bị bảo quản trong kho được nâng cấp như giá, tủ, điều hòa, máy hút ẩm nhằm bảo vệ hiện vật một cách tốt nhất. Mới đây, BTMTVN đã cho ra đời Phòng Khám phá phục vụ cho công tác giáo dục, đáp ứng nhu cầu nghệ thuật ngày càng cao của công chúng. Bên cạnh đó, BTMTVN đã thành lập bộ phận làm công tác giám định các tác phẩm mỹ thuật, hiện đang chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất và các chuyên gia để chính thức đi vào hoạt động. Cùng với các hoạt động chuyên môn, trong những năm qua, BTMTVN cũng đã tạo lập nhiều mối quan hệ, hợp tác với các bảo tàng cũng như các tổ chức liên quan ở nước ngoài nhằm giao lưu, học hỏi kinh nghiệm; tổ chức nhiều triển lãm của các họa sĩ, giới thiệu các bộ sưu tập mỹ thuật quý trên thế giới; đồng thời đưa nhiều sưu tập mỹ thuật của BTMTVN giới thiệu với các nước trên thế giới như: Nhật Bản, Mỹ, Tây Ban Nha, I-ta-li-a, Hàn Quốc, Xin-ga-po... Bên cạnh những thành tựu đạt được, BTMTVN còn một số tồn tại như: diện tích mặt bằng hạn chế, cơ sở vật chất còn nghèo và thiếu chưa đáp ứng với một bảo tàng quốc gia hiện đại; chưa có kinh phí sưu tầm những tác phẩm phản ánh một cách đầy đủ về mỹ thuật Việt Nam đương đại...
Sau 45 năm xây dựng và phát triển, BTMTVN đạt nhiều thành tựu đáng tự hào. Ðến nay, BTMTVN đã trở thành một trung tâm mỹ thuật, một trong những bảo tàng quốc gia xếp hạng I, nơi lưu giữ và phát huy tinh hoa nghệ thuật Việt Nam. Với những công lao và thành tích đạt được, bảo tàng đã vinh dự được Ðảng và Nhà Nước trao tặng Huân chương Ðộc lập hạng ba, Huân chương Lao động hạng nhất và nhiều bằng khen của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và nhiều tổ chức khác. Trong chiến lược xây dựng và phát triển, bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, mở rộng hợp tác giao lưu trong và ngoài nước, BTMTVN còn nỗ lực tìm kiếm những giải pháp để trưng bày bộ sưu tập nghệ thuật tạo hình đương đại thế kỷ XXI. Tất cả nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng một bảo tàng hiện đại, bắt nhịp với các bảo tàng trong khu vực và thế giới, phấn đấu để BTMTVN thật sự là niềm tự hào của giới mỹ thuật nước nhà.
PHAN VĂN TIẾN
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam