Độc đáo chợ trâu Cán Cấu, Lào Cai
Chúng tôi may mắn có chuyến lên Lào Cai vào dịp cuối tuần nên có cơ hội được dự một phiên chợ Cán Cấu. Chợ này còn được người dân gọi bằng một cái tên dân dã là chợ gia súc, bởi ở đây, ngoài việc bán các mặt hàng sinh hoạt hằng ngày còn có một khu vực rộng để bán trâu, bò, bê, ngựa. Chợ trâu Cán Cấu tự phát cách đây khoảng chục năm.
Khu chợ nằm men theo sườn núi. Tại đây, hình thành nên ba khu vực. Một khu để bán các sản vật địa phương gồm thổ cẩm, chỉ thêu, dược thảo, gia vị, rau củ... Hai khu còn lại là hàng ăn cùng các vật dụng gia đình như đèn pin, dây thừng, lưỡi cuốc, dao rựa, bàn chải đánh răng... và khu chợ trâu. Khu chợ chỉ rộng khoảng 1ha. Dân đi chợ rất đông, nhưng không ồn ào như các phiên chợ dưới xuôi. Chỉ có những âm thanh rì rầm của những người đi chợ ngã giá hàng.
Thỉnh thoảng, điệu khèn bất ngờ nổi lên một cách nhẹ nhàng và đều đặn càng làm đậm đà hơn không gian ở miền vùng cao. Khèn là nhạc cụ của người Mông và bạn sẽ không khó để bắt gặp âm thanh đặc trưng này ở Cán Cấu hay ở Sa Pa. Anh Giàng A Pao - một người thường có mặt ở các phiên chợ Cán Cấu - cho biết: Mỗi phiên chợ ở đây có khoảng 50-70 con trâu được mua - bán. Giá một con trâu có thể là cả cơ nghiệp của người dân. Trâu đực loại to có thể bán với giá 25 triệu đồng, còn nghé giá 4-7 triệu đồng/con, trâu cái đẹp mã (hay đã có chửa) giá 10 -13 triệu đồng/con, còn trâu thịt giá 6-11 triệu đồng/con.
Chợ trâu Cán Cấu còn thu hút rất đông thương lái mua - bán trâu ở các huyện khác đến. Nơi đây còn là nơi người dân gặp nhau, trò chuyện, làm quen và cũng là nơi để lớp thanh niên tìm “một nửa” của nhau. Chợ có rất nhiều hàng ăn. Có món giống như món phở dưới xuôi, nhưng bánh có màu ngăm đen. Những ai có tiền thì ăn với thịt lợn luộc. Những ai không đủ tiền ăn thịt thì ăn những bát phở chan nước dùng được hầm từ xương.
Tại đây, không thể không nhắc đến món thắng cố - đặc sản của các tỉnh vùng cao. Những nồi thắng cố nghi ngút khói bốc lên, quanh bàn có từ 5-10 người ngồi quây quần và những bữa nhậu này có thể kéo dài đến khi chợ tan. Điều dễ nhận thấy ở các phiên chợ trâu Cán Cấu có rất nhiều du khách từ dưới xuôi lên và thậm chí cả du khách nước ngoài cũng đến tham quan như để thỏa mãn trí tò mò. Một anh bạn làm du lịch ở Lào Cai cho tôi biết, chính sức hút của một phiên chợ vùng cao mà chợ trâu Cán Cấu cũng là điểm đến trong các tour du lịch của các hãng lữ hành mỗi khi dẫn khách lên Lào Cai.
Sau hơn một tiếng đồng hồ tham quan chợ, chúng tôi ra về. Chúng tôi bắt gặp những ánh mắt hoan hỉ của những người đã kịp mua một con trâu, con bò ưng ý. Những con trâu tơ trên cổ đeo chiếc chuông nhỏ bằng đồng hình lá thông, ngoan ngoãn theo chủ mới về bản.
Dù xe đã lăn bánh một đoạn đường dài, khuất sau vách núi, nhưng âm thanh của tiếng khèn, hình ảnh những bộ váy sặc sỡ sắc màu của người dân tộc Mông, những con trâu to khoẻ đứng trơ trọi trên triền núi hay nồi thắng cố nghi ngút khói vẫn còn in đậm trong tâm trí chúng tôi. Những ấn tượng đậm nét về một phiên chợ Tây Bắc vẫn còn nhiều nét văn hoá đặc trưng, khiến du khách mê mẩn đã lý giải vì sao chợ phiên Cán Cấu lại có sức hút như vậy.