Non nước Việt Nam

Hàm lượng lịch sử trong sản phẩm du lịch Việt Nam

Cập nhật: 12/07/2011 15:01:42
Số lần đọc: 2298
Du lịch được mệnh danh là ngành "công nghiệp không khói". Cách ví von ấy thuộc về thời đại mà công nghiệp được đánh giá như một guồng máy làm ra lợi nhuận. Giờ đây, du lịch dường như còn đóng vai trò hơn thế trong bối cảnh toàn cầu hội nhập khiến việc hưởng thụ du lịch toàn cầu trở nên một tiêu chí quan trọng của chất lượng sống.

Lịch sử làm nên sự khác biệt giữa các không gian văn hóa trong quá khứ và của các quốc gia giới hạn trong lãnh thổ hiện tại. Nó tạo nên một nhu cầu được tiếp cận tìm hiểu và nó cũng tạo nên sự cần thiết phải được trình bày, phô diễn như những đặc trưng văn hóa và sản phẩm du lịch của mỗi quốc gia. Ðó cũng là bộ mặt, thương hiệu của mỗi quốc gia.

Lịch sử, nói cách khác, là nhận thức về những giá trị quá khứ được tích tụ bởi thời gian, được biểu hiện bằng những giá trị vật thể và phi vật thể tạo nên nét đặc trưng (cũng là đặc sắc) của mỗi dân tộc, chính là một nhu cầu và cũng có thể là một thị trường mà ngành du lịch có thể khai thác cho lợi ích của mình và đáp ứng lợi ích của cộng đồng, cũng là khách hàng của mình.

Ở cách tiếp cận quản lý nhà nước, bên cạnh lợi ích của một ngành kinh tế, du lịch ngày càng có vị thế quan trọng, việc khai thác giá trị lịch sử thông qua hoạt động du lịch còn đáp ứng cả việc quảng bá hình ảnh quốc gia và nền chính trị của quốc gia đối với bên ngoài và đáp ứng những mục tiêu giáo dục và tuyên truyền cho những mục tiêu xã hội và chính trị ở trong nước, trong đó có những giá trị chính trị truyền thống và cách mạng, v.v.

Nói rằng lịch sử Việt Nam phong phú hay vẻ vang hơn lịch sử của một quốc gia khác là một sự so sánh không chỉ khập khiễng mà còn sai lệch. Nhưng nói rằng lịch sử Việt Nam có thể gây sự chú ý và hấp dẫn đối với nhiều dân tộc khác thì điều đó hoàn toàn có cơ sở. Bởi lẽ nước Việt Nam không lớn, nền văn minh của chúng ta chưa tạo ra những giá trị vật thể gây ấn tượng cho thế giới so với những nền văn minh lớn đã tạo dựng được như: Kim Tự Tháp của Ai Cập, Vạn Lý Trường Thành của Trung Hoa...

Tuy nhiên, những trải nghiệm, hay nói cách khác chính sự tồn tại của Việt Nam trên bản đồ thế giới đã là một điều hấp dẫn nếu như chúng ta làm cho bạn bè quốc tế (và không chỉ với bạn bè quốc tế mà ngay cả đối với người dân Việt Nam chúng ta) hiểu được điều đó.

Sự kiện chúng ta tổ chức Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa qua đã làm cho ý nghĩa được nhân lên bởi bên cạnh giá trị thời gian 1000 năm khá hiếm hoi của một Thủ đô, chúng ta còn biểu dương một thiên niên kỷ dân tộc Việt Nam tự chủ và phát triển và là dân tộc duy nhất trưởng thành, xây dựng nên một quốc gia tự chủ trong cộng đồng Bách Việt từng phát triển rực rỡ của phương nam.

Như thế sức thuyết phục bởi chuỗi những di tích lịch sử chạy dài theo thời gian từ Ðất Tổ các Vua Hùng đến những dấu tích của nền văn hóa Ðông Sơn không chỉ thể hiện ở trong những cổ vật trưng bày trong bảo tàng mà cả một kho tàng văn hóa phi vật thể của những trò diễn xướng hay dân ca vùng trung du Phú Thọ cũng như nghề đúc trống đồng và đồ đồng theo phương thức truyền thống đã được phục hồi ngay trên vùng đất Ðông Sơn, Thanh Hóa hiện tại, rồi đến khu di tích Cổ Loa đang được trùng tu tổng thể hiện nay. Và ngay cả trong mười hai thế kỷ Bắc thuộc, mãi mãi còn đó những di tích nhắc nhở hậu thế về những cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ đầy bi hùng của các thế hệ người Việt để giành và giữ vững nền độc lập, tự chủ.  Từ Hai Bà Trưng, Lý Nam Ðế rồi Khúc Thừa Dụ (mới xây ở Hải Dương)... cho tới Bố Cái Ðại Vương Phùng Hưng, và Ngô Quyền gắn với làng cổ Ðường Lâm, rồi cố đô Hoa Lư của hai triều Ðinh, Lê trước khi Lý Công Uẩn định đô ở Thăng Long mà khu Di chỉ Hoàng Thành được phát hiện và khai quật ở đầu thế kỷ 21 cũng là khởi đầu Thiên niên kỷ thứ ba này sẽ là một bằng chứng đầy tính thuyết phục về tiến trình lịch sử khẳng định nền tự chủ của dân tộc Việt Nam trước thử thách mà lịch sử cho thấy, trong những bộ tộc Bách Việt phương nam, chỉ có Âu Việt và Lạc Việt duy nhất trụ nổi, để trở thành một quốc gia và đến nay đã có hơn một nghìn năm tự chủ.

Cái hành trình lịch sử ấy vô cùng phong phú tạo nên giá trị và sức cuốn hút cho các sản phẩm du lịch, trước hết cho nhu cầu trong nước, cho giáo dục lịch sử bổ sung cho học đường...

Cần nhấn mạnh rằng, lịch sử Việt Nam không chỉ là lịch sử của người Việt mà của tất cả các thành phần cư dân đã sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam hiện đại, tạo nên một nội dung rất đa dạng. Nét đặc trưng đặc sắc gắn với sự hình thành một quốc gia đa sắc tộc, tôn giáo, tín ngưỡng. Ðó là các bảo tàng mang tính chất dân tộc học hay các di sản kiến trúc độc đáo như các Tháp Chăm và bảo tàng nghệ thuật Chăm cùng các cộng đồng dân tộc ở Tây Nguyên, Việt Bắc, Tây Bắc... Trên nền tảng những không gian văn hóa được bảo tồn bởi các làng, bản, buôn, v.v. cùng các làng nghề, sẽ tạo nên cảm quan sâu sắc về đặc trưng xuyên suốt lịch sử những giá trị của làng xã Việt Nam.

Lịch sử cận hiện đại Việt Nam cũng mang đặc trưng cơ bản  hội nhập dần với thế giới rộng lớn do hoàn cảnh lịch sử. Tất cả tạo ra một khung cảnh cho sự chuyển đổi trên cơ sở sự giao thoa và tiếp biến văn hóa Ðông - Tây tạo nên những giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam hiện đại, vượt lên trên những tàn dư của chế độ thuộc địa gắn với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Những giá trị văn hóa phương Tây, trước hết là của Pháp cũng tạo nên những giá trị cần bảo tồn. Chính cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân đã từng tạo nên giá trị, danh tiếng  của Việt Nam trên thế giới như chiến thắng Ðiện Biên Phủ, rồi cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ gắn với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và ngay cả cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền và làm nghĩa vụ quốc tế, cũng là những nội dung, nếu biết khai thác, sẽ tạo nên những giá trị thu hút sự quan tâm của toàn thế giới.

Giá trị lịch sử sẽ phát huy tốt hơn nữa khi gắn kết với quá trình hội nhập. Hiện tượng các cựu chiến binh Pháp, Mỹ, Hàn Quốc...  trở lại Việt Nam là một bằng chứng. Bảo tàng chứng tích Chiến tranh ở TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Quân sự vẫn là điểm thu hút sự quan tâm của khách nước ngoài, cho dù hiện tại, không gian trưng bày còn chưa hoàn thiện. Những di tích được khai thác như: Ðiện Biên Phủ, Củ Chi, Dinh Ðộc lập, Tuyến Khu phi quân sự với Khe Sanh, Hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra... cho dù còn sơ sài nhưng vẫn có tiềm năng thu hút. Ðường mòn Hồ Chí Minh, huyền thoại gắn với cảnh quan hùng vĩ của thiên nhiên, gắn kết với những di sản thiên nhiên như Phong Nha Kẻ Bàng... hoàn toàn tạo ra được những sản phẩm du lịch hành hương về một thời kỳ lịch sử hào hùng giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.

Một tiềm năng to lớn như vậy nhưng chưa được khai thác tốt là một thực tế của du lịch Việt Nam. Có nhiều lý do và nhiều giải pháp, nhưng điều đáng nói là phải đổi mới tư duy và tầm nhìn trong phát triển. Ngành du lịch mới quan tâm đầu tư (mà cũng đầu tư chưa đến nơi đến chốn) vào hạ tầng dịch vụ, những cái thu tiền được ngay (khách sạn, vận chuyển, lữ hành...) mà chưa quy hoạch được vào việc khai thác những tiềm năng to lớn của những giá trị lịch sử.

Tôi quen biết một nhà khảo cổ học dưới nước nổi tiếng, hiện là Giám đốc một bảo tàng hàng hải ở Ca-na-đa. Ông đánh giá rất cao sự kiện quân dân nhà Trần ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông, trong đó có chiến thắng Bạch Ðằng. Nhưng ông tỏ ra rất tiếc vì Việt Nam không đầu tư nghiên cứu, bảo tồn và khai thác du lịch hiệu quả quanh cụm di tích này. Những cuộc khai quật rất hạn hẹp về không gian và ít ỏi về thời gian, việc không bảo tồn được cảnh quan, đặc biệt là những rặng núi án ngữ cửa biển sông Bạch Ðằng theo ông quả là một sự lãng phí lớn.

Tóm lại, cho đến nay, có thể nói, ngành du lịch nước ta vẫn chưa khai thác hiệu quả những giá trị lịch sử rất tiềm năng và còn để lỡ cơ hội, hay nói cách khác, là rất lãng phí những giá trị lịch sử mà tổ tiên, cha ông ta từ bao đời tích tụ để lại cho hậu thế. Hàm lượng lịch sử trong các sản phẩm du lịch là điều rất đáng được quan tâm.

DƯƠNG TRUNG QUỐC

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT