Du lịch Tây Ninh trên đà phát triển
Ðến đây, du khách được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên còn nguyên sơ, hành hương viếng các chùa chiền, thánh thất hoặc tham dự các lễ hội văn hóa, tâm linh và nhất là được về nguồn, thăm lại các căn cứ, chiến khu cách mạng cùng những chiến trường xưa vang danh một thời chống Mỹ, cứu nước. Tây Ninh còn có ưu thế nằm sát TP Hồ Chí Minh, nơi cung ứng nguồn khách lớn, đồng thời là điểm nối giữa trung tâm du lịch này với một trung tâm du lịch nổi tiếng và sôi động của nước bạn Cam-pu-chia là Siêm Riệp. Hơn nữa, với tuyến đường xuyên Á đi qua, Tây Ninh còn trở thành cầu nối giữa vùng kinh tế trọng điểm phía nam với các nước trong khu vực Ðông - Nam Á thông qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và qua đó nối các tua, tuyến du lịch đưa du khách từ Cam-pu-chia, Thái-Lan, các nước ASEAN vào Việt Nam hoặc đưa khách trong nước sang du lịch nước bạn.
Ðịa hình, cảnh quan đa dạng, hệ thống di tích văn hóa, lịch sử độc đáo, Tây Ninh đã và đang nỗ lực mời gọi đầu tư cơ sở hạ tầng, khai thác và phát triển các loại hình du lịch thu hút khách như: du lịch về nguồn, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa - sinh thái, du lịch cuối tuần, nghỉ dưỡng, dã ngoại, thể thao mạo hiểm, khám phá các hang động và nghiên cứu, tìm hiểu các di tích đình, chùa, tháp cổ, thăm làng nghề truyền thống, v.v.
Tuy nhiên, nếu so với tiềm năng và những lợi thế nêu trên, có thể khẳng định Tây Ninh vẫn chưa tận dụng, khai thác hết những thế mạnh của mình để phát triển du lịch một cách tương xứng. Ðiều này đòi hỏi phải có sự kết hợp đồng bộ giữa đầu tư cơ sở hạ tầng với xây dựng sản phẩm, quảng bá, tiếp thị, tạo dựng hình ảnh điểm đến, đào tạo nhân lực, triển khai những chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư và bổ sung, điều chỉnh phù hợp quy hoạch tổng thể cũng như quy hoạch chi tiết về du lịch, làm cơ sở để mời gọi đầu tư.
Nhìn vào thực trạng phát triển có thể thấy số lượng các khu du lịch, vui chơi, giải trí rất ít, hầu hết mới đang ở dạng đầu tư ban đầu như Long Ðiền Sơn hoặc chỉ ở dạng tiềm năng như Ma Thiên Lãnh, Lò Gò - Xa Mát. Khu di tích văn hoá lịch sử Núi Bà Ðen thu hút đông khách với hệ thống cáp treo được xây dựng đầu tiên trong cả nước nhưng đến nay công nghệ đã trở nên lạc hậu và không có nhiều sản phẩm mới được đầu tư. Trong khi đó, khách đến Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền nam chủ yếu về nguồn vào các dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn. Tại những điểm du lịch, tham quan này, hoạt động dịch vụ quá đơn sơ, không có nhà hàng, dịch vụ phụ trợ và thường là du khách phải quay về thị xã mới có chỗ ăn, nghỉ.
Bên cạnh vấn đề chất lượng sản phẩm du lịch và dịch vụ chưa cao thì việc hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch ở địa phương cũng chưa hiệu quả, nhất là đối với các thị trường quốc tế, dẫn đến lượng khách nước ngoài đến du lịch Tây Ninh rất thấp, chỉ chiếm khoảng 1% so với lượng du khách đến đây trong cả năm. Các đề án tiếp thị, giới thiệu điểm đến, xác định thị trường, dòng khách gần như không có. Ngay như một công cụ quảng bá tối thiểu là một trang web chuyên ngành để quảng bá, cung cấp thông tin du lịch Tây Ninh cho du khách cũng chưa được quan tâm đầu tư.
Vấn đề quy hoạch tổng thể du lịch Tây Ninh cũng còn nhiều vướng mắc, mặc dù thời gian qua Chính phủ, các Bộ, ngành đã quan tâm hỗ trợ. Chiến lược phát triển du lịch và quản lý phát triển du lịch thông qua hệ thống quy hoạch du lịch từ tổng thể đến chi tiết còn thiếu đồng bộ và thiếu sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành trong quy hoạch phát triển du lịch, quy hoạch phát triển ngành, gây nên sự phát triển lệch hướng tại một số điểm du lịch, khiến hiệu quả đầu tư thấp. Trong đó nổi cộm lên vấn đề quy hoạch lại quần thể di tích Núi Bà Ðen và Căn cứ Trung ương Cục miền nam, bảo đảm mục tiêu phát triển đồng bộ toàn khu di tích về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, du lịch, lâm nghiệp, tài nguyên môi trường và an ninh quốc phòng.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tây Ninh đã xác định phát triển du lịch là một trong các mục tiêu và động lực để phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập và ổn định đời sống nhân dân. Tỉnh cũng đang tiến hành điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch định hướng đến năm 2020, tăng tỷ trọng ngành dịch vụ - du lịch trong tổng sản phẩm xã hội toàn tỉnh, phấn đấu đón hơn ba triệu lượt du khách, trong đó có gần 30 nghìn lượt khách quốc tế. Tây Ninh sẽ chú trọng phát triển các tuyến du lịch trọng điểm, kết nối tua du lịch với các tỉnh, thành phố tới các điểm đến trong tỉnh và thông tuyến lữ hành quốc tế sang Cam-pu-chia. Cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, thu nhập của người dân ngày càng cao, nhu cầu về du lịch trong nước tăng mạnh, là cơ sở để du lịch tỉnh tăng cường xây dựng sản phẩm. Trước mắt, nỗ lực tạo dựng một số thương hiệu sản phẩm du lịch mang đặc trưng của địa phương theo các hướng chủ đạo là du lịch tâm linh, về nguồn và du lịch sinh thái, quan tâm chất lượng dịch vụ.
Tỉnh sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông đến các điểm du lịch và bổ sung, điều chỉnh các chính sách và cơ chế ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trọn gói vào các khu du lịch quy mô vừa và nhỏ, đồng thời kêu gọi đầu tư những khách sạn cao cấp trên địa bàn tỉnh. Phối hợp các sở, ngành chức năng trong tỉnh và vùng phụ cận trong việc lồng ghép những chương trình, dự án đầu tư bảo vệ, tôn tạo di tích, cảnh quan môi trường, khôi phục và phát triển các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian cùng các làng nghề, phục vụ phát triển du lịch. Tỉnh cũng đang chuẩn bị đề án trình Chính phủ về việc đầu tư xây dựng một khu tổ hợp khách sạn- sân gôn quốc tế chung của Việt Nam và Cam-pu-chia tại khu vực Mộc Bài giữa biên giới hai nước để thu hút khách chơi gôn có khả năng chi tiêu cao, đến từ các nước trong khu vực.
Theo kế hoạch từ nay đến năm 2020, Tây Ninh đã ban hành danh mục các dự án đầu tư cần thiết cho sự phát triển của hoạt động du lịch, làm cơ sở xây dựng và thực hiện chính sách thúc đẩy đầu tư, nhất là về cơ sở hạ tầng. Trong đó tập trung đầu tư xây dựng các khu, cụm du lịch như: cụm thị xã Tây Ninh - núi Bà Ðen, cụm Thiện Ngôn- Căn cứ Trung ương Cục miền nam. Kêu gọi đầu tư, phát triển mở rộng một số khu du lịch đã được quy hoạch như Khu du lịch Ma Thiên Lãnh - Núi Bà Ðen rộng 96 ha. Một dự án trọng tâm khác đang được mời gọi đầu tư để xây dựng khu vực hồ Dầu Tiếng rộng 800 ha thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi, thể thao. Gần đây tỉnh đã cấp phép cho tập đoàn An Viên đầu tư vào đảo Nhím, khu hồ Dầu Tiếng để xây dựng một phim trường lớn gắn với du lịch, có tổng kinh phí hơn 3.000 tỷ đồng. Về cơ sở hạ tầng, tỉnh đã kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải mở các tuyến đường bộ nối TP Hồ Chí Minh đến Mộc Bài, đi Xa Mát, xây dựng tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh đi Mộc Bài, v.v. Tỉnh cũng đã có kế hoạch thay đổi công nghệ cáp treo lên núi Bà Ðen đã cũ bằng công nghệ cáp treo hiện đại của châu Âu trong thời gian tới và tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung để đưa khu du lịch núi Bà Ðen thành một trung tâm du lịch, vui chơi, giải trí và nghỉ dưỡng lý tưởng, có quy mô, tầm vóc quốc gia. Bên cạnh đó, dự án quy hoạch phát triển du lịch khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền nam đến năm 2030, có diện tích hơn 6.400 ha, thuộc huyện Tân Biên, cách thị xã Tây Ninh hơn 60 km cũng đang được xây dựng và triển khai. Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đồng ý về mặt chủ trương, đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đây là Khu di tích đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, nhằm thúc đẩy việc nâng cao chất lượng và tầm vóc của một trung tâm văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái rừng đặc trưng của vùng và quốc gia, hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, về nguồn, kết hợp du lịch sinh thái.
Làm tốt công tác quảng bá, nâng cao chất lượng sản phẩm là giải pháp để ngành du lịch Tây Ninh thu hút khách, trong đó phải nhanh chóng có giải pháp tận dụng tối ưu công nghệ thông tin để quảng bá và xúc tiến du lịch trên mạng internet, phối hợp các doanh nghiệp xây dựng một trang web du lịch Tây Ninh để giới thiệu điểm đến. Quan trọng nhất là phải đưa ra những biện pháp liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ để tạo sự đồng thuận trong kinh doanh, phát triển.
Khai thác tối đa thế mạnh tài nguyên và các điều kiện đầu tư ưu đãi, xây dựng các sản phẩm và loại hình du lịch phong phú và bền vững, chắc chắn trong tương lai không xa, Tây Ninh sẽ trở thành một trung tâm du lịch văn hoá lịch sử và sinh thái phát triển tương xứng thế mạnh tiềm năng của mình.