Hoạt động của ngành

Lào Cai: Sa Pa giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc

Cập nhật: 22/07/2011 09:44:39
Số lần đọc: 3160
Đến nay, 100% thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn huyện Sa Pa đã hoàn thành việc xây dựng và triển khai thực hiện quy ước, hương ước về nếp sống văn hóa khu dân cư. Qua đó, những bản sắc văn hóa các dân tộc trong các lễ hội cũng được nhân dân gìn giữ và phát huy.

Trong những năm qua, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội gắn với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Đoàn kết lương giáo sống tốt đời đẹp đạo", các đề án "Cải tạo tập tục lạc hậu trong tang ma", "chống tảo hôn" trên địa bàn huyện Sa Pa đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, gìn giữ bản sắc dân tộc.

 

Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện, các cơ quan chuyên môn tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo tiếp tục thực hiện Đề án "Chống tảo hôn trong cộng đồng các dân tộc huyện Sa Pa giai đoạn 2010 - 2013". Làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật liên quan đến "Hôn nhân, gia đình", bài trừ các hủ tục như: "thách cưới nhiều tiền", "dạm hỏi" sớm, cưới tảo hôn được nhân dân tích cực thực hiện. Để thực hiện tốt chủ trương chống tảo hôn, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể làm tốt công tác rà soát số lượng các cặp thanh niên chưa đến tuổi kết hôn đã được gia đình "dạm hỏi, dạm ngõ", tổ chức tuyên truyền, thuyết phục, ký cam kết hoãn cưới cho đến khi đủ tuổi. Từ đầu năm 2010 đến nay, đã vận động 81 cặp hoãn đám cưới khi chưa đủ tuổi. Tỷ lệ cưới tảo hôn trong toàn huyện giảm từ 22% năm 2009 xuống còn 13% năm 2010.

 

Các lễ nghi trong tang ma của nhân dân các dân tộc được quản lý chặt chẽ, các khu chôn cất, cải táng tập trung đang được quy hoạch. Đề án cải tạo những hủ tục trong tang ma của huyện được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Đến nay, trên địa bàn toàn huyện, nhân dân đã cơ bản bài trừ những hủ tục trong tang ma của một bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số như: không khâm liệm người chết vào áo quan, tổ chức đám tang linh đình, kéo dài quá 48 tiếng. Các khu dân cư, tổ dân phố, thôn, bản đã vận động nhân dân chuẩn bị quĩ áo quan để kịp thời giúp đỡ tang gia khâm niệm người quá cố trước khi phát tang. Năm 2010, toàn huyện có 98,5% đám tang được người dân tổ chức theo đúng hương ước khu dân cư.

 

Công tác quản lý và tổ chức các lễ hội dân gian truyền thống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở chủ động quan tâm chỉ đạo sâu sát, có hiệu quả; nhân dân hăng hái tham gia các hoạt động, với không khí vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, an toàn, hàng năm thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia như: Hội xòe dân tộc Tày (Thanh Phú), Hội hát Then dân tộc Tày (Bản Hồì, Hội hát giao duyên dân tộc Dao (Tả Phìn), Hội Gầu Tào dân tộc Mông (San Sả Hồ), Hội xuống đồng dân tộc Giáy (Tả Van).

 

Ngoài ra, hàng năm trên địa bàn huyện còn tổ chức các lễ hội như: "Lễ hội trên mây", "Lễ hội hoa đăng"... Những nét đẹp, giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc trong các lễ hội được nhân dân gìn giữ và phát huy, góp phần nâng cao số lượng, chất lượng các sản phẩm du lịch của địa phương, phục vụ phát triển kinh tế. Công tác tuyên truyền các hoạt động văn hóa, văn nghệ và lễ hội đã được thực hiện có hiệu quả, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách đến Sa Pa, góp phần đẩy mạnh công tác quảng bá sản phẩm dịch vụ du lịch, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Công tác giữ vững an ninh, trật tự trong các lễ hội được các cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt, có hiệu quả, không để xuất hiện các hoạt động tín ngưỡng phi truyền thống, mê tín dị đoan, cờ bạc và các tệ nạn xã hội khác.

 

Có thể nói, các lễ hội trong huyện đã tạo không khí vui tươi, lành mạnh, tình đoàn kết các dân tộc, giúp nhau xây dựng đời sống văn hoá mới.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục