Hoạt động của ngành

Yên Bái: Đẩy mạnh bảo tồn và phát huy di sản văn hóa

Cập nhật: 02/08/2011 11:11:25
Số lần đọc: 3510
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc là một lĩnh vực lớn trong công tác chuyên môn của ngành văn hóa. Đây cũng là một lĩnh vực luôn gặp khó khăn, phức tạp mang tính đặc thù.

Tuy nhiên, vượt lên mọi khó khăn, các bộ phận chuyên môn của ngành văn hóa tỉnh Yên Bái đã có những kết quả đáng khích lệ trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.

 

Bảo tàng tỉnh từ đầu năm đến nay đã thực hiện 5 cuộc trưng bày, triển lãm hiện vật, tranh ảnh theo chuyên đề về văn hóa dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Yên Bái… Đơn vị cũng đã tổ chức 5 cuộc khảo sát, sưu tầm di sản văn hóa, trong đó đáng lưu ý nhất là cuộc thám sát phế tích ngôi chùa Trần tại núi Pú Chùa thuộc xã Phù Nham (Văn Chấn).

 

Di tích này đã hé mở những thông tin cần đi sâu mở rộng khai quật, nghiên cứu ảnh hưởng từ rất sớm của các triều đại phong kiến nước ta đến vùng miền núi nước Đại Việt cũng như ảnh hưởng của Phật giáo đối với cư dân Mường Lò thuở xa xưa và hiện tại… Bảo tàng tỉnh còn sưu tầm được 167 hiện vật bằng nhiều chất liệu và 30 tài liệu phim, ảnh, đưa số hiện vật hiện có lên con số 22.179 hiện vật, tăng 17% so với năm 2010.

 

Ban Quản lí Di tích và Danh thắng đã xây dựng 4 hồ sơ khoa học di tích cấp tỉnh, trong đó đã trình và được xếp hạng 1 di tích lịch sử cấp quốc gia là đèo Lũng Lô - một địa danh nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp thuộc địa bàn xã Thượng Bằng La (Văn Chấn). Đèo Lũng Lô được xếp hạng đã đưa tổng số di tích xếp hạng lên 44 di tích, trong đó có 10 di tích cấp quốc gia, 34 di tích cấp tỉnh. Ban cũng đang thực hiện nghiên cứu, tập hợp dữ liệu để triển khai dự án quay phim về lễ cúng họ của người Mông ở huyện Mù Cang Chải đồng thời phối hợp với một số cơ quan chức năng của Trung ương xây dựng dự án trùng tu, tôn tạo Khu di tích lịch sử quốc gia đền Đông Cuông (Văn Yên); lập dự án xây hàng rào bảo vệ cây thị cổ thụ hàng trăm năm tuổi thuộc quần thể Khu di tích Hắc Y - Đại Cại (Lục Yên).

 

Năm 2011 cũng là năm Yên Bái đăng cai tổ chức Chương trình “Du lịch về cội nguồn” giữa 3 tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ. Trong dịp đầu năm, đã có 30 lễ hội diễn ra theo sự kiện này cũng như thường niên, trong số đó có 10 lễ hội liên quan đến đình, chùa và 20 lễ hội văn hóa dân gian các dân tộc ít người. Ngành văn hóa - thể thao và du lịch đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các địa phương làm tốt công tác xã hội hóa hoạt động lễ hội; quy mô lễ hội bảo đảm tầm vóc văn hóa, đúng ý nghĩa lịch sử, tạo không khí vui tươi, lành mạnh và tiếp cận hoạt động du lịch…

 

Bên cạnh đó, ngành bố trí cán bộ chuyên môn làm công tác ghi chép, chụp ảnh, quay phim để lưu giữ nội dung của nhiều lễ hội. Trong số các lễ hội được triển khai, đáng chú ý là một số lễ hội đã tạo được điểm nhấn cho du lịch như: hội xuân Hạn khuống ở xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ); lễ hội Lồng tồng ở xã Sơn A, lễ cấp sắc của người Dao ở xã Nậm Lành  (Văn Chấn); hội chọi trâu và hội đền Đại Cại (Lục Yên); tết Mông (Trạm Tấu); hội đền Đông Cuông (Văn Yên).

 

Thời gian tới, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc tập trung vào một số việc trọng tâm như: tiếp tục đầu tư nghiên cứu, khai thác Di tích danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải; lập hồ sơ đề nghị công nhận hồ Thác Bà là danh thắng quốc gia; từng bước phối hợp với các chuyên ngành khác để hoạch định các tuyến du lịch gắn với di tích lịch sử, danh thắng và văn hóa các tộc người. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng Trung ương xây dựng phương án khai quật, nghiên cứu di tích khảo cổ học ở Pú Chùa, xã Phù Nham (Văn Chấn).

Nguồn: Báo Yên Bái

Cùng chuyên mục