Hoạt động của ngành

Quỳ Châu (Nghệ An) đầu tư phát triển du lịch

Cập nhật: 02/08/2011 11:04:35
Số lần đọc: 4223
Quỳ Châu (Nghệ An) hiện có trên 20 điểm du lịch, với những di tích, danh thắng nổi tiếng như Hang Bua xã Châu Tiến - di tích danh thắng có nguồn gốc lâu đời gắn liền với quá trình hình thành Bản Mường của đồng bào Thái Mường Chiêng Ngam (đã được Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng quốc gia năm 1997). 
 

Hàng năm, Lễ hội Hang Bua đều được huyện tổ chức với quy mô lớn với nhiều hoạt động ca múa, trò chơi dân gian truyền thống, thể thao dân tộc mang giá trị văn hóa nhân văn đặc sắc.

Bên cạnh đó là hang Thẩm Ồm xã Châu Thuận - di chỉ khảo cổ trên 20 vạn năm được phát hiện có nhiều hiện vật mang giá trị lịch sử như răng người, răng voi, răng gấu tre.v.v...; Là Hang Có Ngụn và leo núi Phá Xăng - di chỉ khảo cổ quan trọng liên quan đến truyền thuyết Náng Đòn được phát hiện vào năm 1986 với nhiều hiện vật bằng đá cuội như chày, bàn nghiền, hòn kê, mũi nhọn, gốm thô hoa văn thứng; Là Làng Thái Cổ Hoa Tiến nơi bảo tồn nguyên vẹn những hiện vật và phong tục tập quán của người Thái, nổi tiếng với nghề truyền thống dệt thổ cẩm, các sản phẩm được khách trong, ngoài nước hết sức ưa chuộng và nguồn cung không đủ cho thị trường; Là nhà bảo tàng văn hóa các dân tộc Quỳ Châu - công trình nghệ thuật văn hóa đặc sắc hiện đang lưu giữ 493 hiện vật thể hiện rõ quá trình hình thành và phát triển của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc Nghệ An; Còn là Cụm di tích mộ, cây táo và bia tưởng niệm Đốc binh Lang Văn Thiết (tham gia khởi nghĩa Cần Vương đánh Pháp) ở xã Châu Hội - di tích lịch sử cấp quốc gia, nơi giáo dục truyền thống yêu nước; Cùng rất nhiều di tích danh thắng khác như Đền bà Hưng Án, Bù Đằng, Bến Mong, Hang Pá Xủn, thác Đũa, Tạt Ngoi, Thác Khe Mỵ v.v...


Trong những năm qua, Quỳ Châu đưa vào khai thác một số điểm du lịch và thu hút khá đông du khách trong và ngoài nước về tham quan, nghỉ dưỡng, mỗi năm đã có hàng chục nghìn lượt du khách tìm đến; qua đây, công tác quy hoạch, khoanh vùng và phân cấp quản lý các khu di tích được quan tâm; việc bảo tồn tôn tạo và phát huy di sản văn hóa đã được huyện chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, du lịch ở Quỳ Châu nhìn chung còn nhiều hạn chế, phát triển manh mún chưa xứng tầm với tiềm năng: cơ sở hạ tầng và dịch vụ còn kém, các sản phẩm phục vụ nghèo nàn, chưa thu hút đầu tư, thiếu kinh nghiệm trong quản lý cũng như các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển, nhận thức của nhân dân về phát triển du lịch gắn với thương mại dịch vụ trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa cao...


Ông Trần Việt Đức, trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện cho biết: Từ nay đến năm 2015 tập trung: Phát triển du lịch gắn với danh lam thắng cảnh, văn hóa lịch sử truyền thống dân tộc, du lịch sinh thái; gắn với yếu tố tâm linh, thương mại và bảo tồn; Huyện tập trung nguồn lực cũng như xã hội hóa kêu gọi đầu tư, liên doanh, liên kết cho xây dựng cơ sở hạ tầng như chỉnh trang lại khu vực Hang Bua, cùng các ngành liên quan tổ chức công bố quy hoạch cắm mốc các di tích; làm tốt công tác tuyên truyền quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch Quỳ Châu.

Theo đó, các nhà nghỉ, nhà hàng sẽ được mở rộng, cùng với đó là đa dạng các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, hình thành dự án du lịch lòng hồ Bản Mồng; kết nối các di tích, thắng cảnh với nhau tạo ra các tour, tuyến như Hang Bua - Thẳm Ồm - Sao Va; Hang Bua - Leo núi Phá Xăng; khai thác làng văn hóa du lịch cộng đồng v.v...

Nguồn: Báo Nghệ An

Cùng chuyên mục