Hoạt động của ngành

Bát Xát (Lào Cai) – miền văn hóa đậm bản sắc

Cập nhật: 27/07/2011 07:52:21
Số lần đọc: 3301
Bát Xát là mảnh đất còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, tiềm ẩn những nét đẹp trong các phong tục tập quán, lễ hội, các giai điệu dân ca, dân vũ của cư dân bản địa hấp dẫn du khách đến tham quan. Việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đó đang đưa Bát Xát trở thành một điểm du lịch lý tưởng của Lào Cai.

Năm 2011, Bát Xát thực hiện Đề án phát triển du lịch với việc khảo sát và mở ra nhiều tuyến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng hấp dẫn. Tiềm năng du lịch ở mảnh đất vùng cửa thác không chỉ ở những giá trị thiên nhiên ban tặng như: khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, kỳ thú… mà phần lớn ở những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc mà đồng bào các dân tộc là chủ thể.

 

Có dịp hành trình trên vòng cung Bát Xát, bạn sẽ được khám phá nhiều điều thú vị vì mỗi bản làng nơi đồng bào dân tộc sinh sống lại chứa đựng những phong tục tập quán riêng. Quang Kim, Cốc San, Mường Hum là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Giáy, mỗi độ xuân về lại rộn ràng lễ hội Xuống Đồng (Roóng Poọc), những làn điệu dân ca Giáy ngọt ngào chan chứa yêu thương, điệu múa quạt uyển chuyển; hay lễ mừng cơm mới với hương vị xôi cốm đầu mùa thơm nức, xiên cá suối nướng, ống cơm lam… tạo nên văn hóa ẩm thực độc đáo. Đến với Bản Xèo, ghé thăm làng nghề nấu rượu truyền thống của người Dao đỏ với bí quyết gia truyền, bạn sẽ được say trong hương vị rượu San Lùng sóng sánh và ngắm các thiếu nữ Dao ngồi thêu thổ cẩm bên khung cửa. Ngải Thầu, A Lù nổi tiếng với những sản phẩm văn hóa Mông, từ bộ trang phục truyền thống thêu tay; điệu khèn, tiếng sáo cho đến những khúc dân ca mang âm hưởng hoang sơ của núi rừng, và cả đến những đường cong ruộng bậc thang bắc tới tận lưng trời cũng bắt đầu từ bàn tay lao động cần mẫn của người dân lao động. Ngược dốc lên Nậm Pung, Ý Tý, điều hấp dẫn du khách là những phong tục lạ như: cõng củi bằng dây vắt qua trán, lễ hội Gắt Tu Tu, Khô Già Già, lễ hội cúng rừng đầu năm và nếp nhà tường trình hình nấm của dân tộc Hà Nhì… Mỗi dân tộc có trang phục truyền thống mang nét riêng không thể trộn lẫn. Ở đâu cũng chứa đựng và tiềm ẩn nhiều giá trị văn hóa đậm đà bản sắc; ở đâu con người cũng thân thiện, gần gũi, mến khách, tấm lòng đơn sơ nhưng nồng hậu.

 

Ông Bùi Xuân Tiến, Trưởng Phòng Văn hóa huyện cho biết: Xác định được tầm quan trọng của việc lưu giữ các giá trị văn hóa dân tộc, ngay từ đầu năm 2011, ngành văn hóa Bát Xát đã đưa việc thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; cải tạo các hủ tục và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2011  - 2015 trở thành một nhiệm vụ trọng tâm. Nhờ đó, công tác quản lý trên lĩnh vực văn hóa - thông tin đi vào nền nếp; phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể triển khai rộng khắp ở cả 23/23 xã, thị trấn, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

 

Bát Xát hiện có 69% tổng số hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa; 55% làng văn hóa; 96% cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa và 100% thôn, bản có quy ước xây dựng thôn, bản văn hóa. Ngành văn hóa huyện đang triển khai thực hiện bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, các nhạc cụ và trang phục truyền thống của một số dân tộc như: Mông (Ngải Thầu); Giáy (Quang Kim, Mường Hum, Bản Xèo); Dao (Dền Sáng), Hà Nhì (Ý Tý); đồng thời tổ chức đội văn nghệ và duy trì hoạt động gắn với phục vụ du lịch... Các lễ hội: Xuống đồng của dân tộc Giáy, Khô Già Già của dân tộc Hà Nhì, Mừng cơm mới của dân tộc Mông, Lễ hội ăn thề bảo vệ rừng của nhiều dân tộc… và một số môn thể thao truyền thống: bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co… được khôi phục, duy trì. Các hủ tục như giữ người chết lâu trong nhà, thách cưới cao, tảo hôn, hôn nhân cùng huyết thống, cận huyết thống… dần dần bị xóa bỏ. Bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy, khối đoàn kết dân tộc được củng cố, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện…

 

Ông Ly Giờ Có, dân tộc Hà Nhì, Bí thư Đảng ủy xã Ý Tý bày tỏ: Ý Tý đã được quy hoạch là một điểm quan trọng trong các tuyến du lịch của huyện Bát Xát. Tôi mong muốn đồng bào dân tộc Hà Nhì ở Ý Tý cũng như đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Bát Xát biết giữ gìn bản sắc văn hóa quý báu của dân tộc mình, giữ rừng già để trồng thảo quả, làm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

 

Nghệ nhân Then Giáy Phan Thị Phỏ (Quang Kim), năm nay tuổi đã ngoài “thất thập”, là người cả đời dày công bảo tồn nghệ thuật hát then Giáy tâm sự: Việc giữ gìn những phong tục tập quán, lời dạy của tổ tiên truyền lại có ý nghĩa rất quan trọng, giúp các thế hệ sau biết trân trọng những giá trị truyền thống của dân tộc mình, biết "uống nước nhớ nguồn", biết tự tôn dân tộc…

 

Chung tay gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, nhân dân các dân tộc Bát Xát không những đang làm giàu thêm đời sống văn hóa tinh thần của mình mà còn góp phần dựng xây quê hương càng thêm văn minh, giàu đẹp.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục