Tin tức - Sự kiện

Bảo tồn các lễ hội văn hóa truyền thống ở Tuần Giáo, Điện Biên

Cập nhật: 16/07/2008 09:07:00
Số lần đọc: 1798
Huyện Tuần Giáo có gần 50 lễ hội truyền thống đã được khôi phục, nhiều sản phẩm nghề truyền thống, trang phục dân tộc, nhạc cụ, đặc trưng đã tạo được sự giao lưu, hiểu biết về phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc trong huyện. Những giá trị văn hóa truyền thống đã có tác dụng thúc đẩy tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho nhân dân.

Năm 2007, Phòng Văn hóa – Thể thao (VH – TT) huyện, lên kế hoạch khôi phục khu di tích kháng chiến xã Pú Nhung, làm tờ trình đề nghị Bộ VH – TT - DL xếp hạng làng kháng chiến bản Đề Chia, xã Pú Nhung, bảo tồn các di tích lịch sử hang Thẩm Khương, Thẩm Púa, dựng tượng đài Anh hùng liệt sỹ Vừ A Dính và duy trì các lễ hội hiện có như: lễ hội Dù xu, Đa khùa, Nhù đa, múa Khèn… (dân tộc Mông); Sên pang ỏ (dân tộc Kháng); múa Hưn mạy, Tăng bu (dân tộc Khơ Mú); lễ Mừng cơm mới (dân tộc Phù Lá); Sên bản, Sên mương, lễ Cầu mưa, Kin lẩu nó, Hạn khuống… (dân tộc Thái). Những lễ hội này gắn liền với không gian văn hóa tín ngưỡng và phong tục tập quán truyền thống, nó tồn tại lâu đời và ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào các dân tộc. Bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng Phòng VH – TT huyện, cho biết: “Hầu hết các lễ hội đã được sưu tầm, biên soạn, chỉnh lý theo hướng lược bỏ những nghi thức rườm rà, đưa các hình thức tín ngưỡng lành mạnh, các xu hướng tiến bộ vào nội dung của lễ hội, thể hiện khát vọng vươn tới cuộc sống mới, bình đẳng, ấm no, hạnh phúc của nhân dân”.

Hiện nay, nhiều lễ hội ở Tuần Giáo có nguy cơ bị mai một, mặt khác, những người hiểu sâu sắc về lễ hội còn rất ít, lớp người này mất đi chắc chắn sẽ không còn điều kiện để khai thác, bảo tồn những giá trị lễ hội văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc trong huyện. Bởi vì văn hóa dân gian tiềm ẩn trong tâm thức và trí nhớ của một số người, mà lâu nay chúng ta vẫn vinh danh họ là những “nghệ nhân” hay là những “báu vật sống”. Hiện nay những nghệ nhân này có thể đếm trên đầu ngón tay như: ông Lò Văn Xơ, Tòng Văn Pháng, Mùa A Của, Vừ Phái Ma, bà Bạc Thị Mỹ, Lò Thị Phựt…

Vì vậy, việc bảo tồn các di sản văn hóa cổ truyền nói chung, trong đó có văn hóa phi vật thể nói riêng cần phải quan tâm hàng đầu. Nhận thức đúng đắn vấn đề này, nhiều năm qua, Phòng VH – TT Tuần Giáo đã hướng dẫn các bản làng, khối phố, cơ quan, đơn vị, trường học, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nhằm khai thác tiềm năng sẵn có trong cộng đồng dân cư. Để bảo tồn tốt các di sản văn hóa truyền thống, ngoài việc sưu tầm, khai thác, Phòng VH – TT huyện còn phát triển hình thức “sân khấu hóa” vào nhóm gia đình, nhóm cộng đồng, tổ chức sân khấu diễn xướng như: thi thời trang các dân tộc; liên hoan văn nghệ quần chúng tại các bản văn hóa; thi văn hóa ẩm thực… 6 tháng đầu năm, huyện Tuần Giáo tổ chức trên 90 buổi biểu diễn, giao lưu văn nghệ quần chúng. Duy trì 150 đội văn nghệ cơ sở, thu hút đông đảo quần chúng tham gia biểu diễn, phục vụ đồng bào các dân tộc tại khu dân cư trong các dịp lễ, tết. Các phong trào phát triển mạnh ở các khối trường học, một số xã vùng xa như; Mường Mùn, Mường Thín, Tỏa Tình, Pú Nhung, Ta Ma, Phình Sáng... Trong các cuộc thi, người dân giữ vai trò vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là người hưởng thụ các sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống. Đặc biệt trong đó các lễ hội văn hóa truyền thống đã phản ánh những sinh hoạt, những khát vọng cùng tài năng của nhân dân về nhiều mặt trong đời sống, đồng thời thông qua lễ hội, trí tuệ, đạo lý, tình cảm, khuynh hướng, thẩm mỹ của nhân dân được tỏa sáng.

Mỗi năm, huyện Tuần Giáo tiếp nhận gần 2.000 lượt khách trong nước, quốc tế đến tham quan, du lịch. Ngoài việc tham quan, các du khách đến các bản văn hóa để thưởng thức văn hóa ẩm thực, xem biểu diễn văn nghệ, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc. Nếu tổ chức có hiệu quả sẽ có tác dụng khai thác tiềm năng du lịch, tạo nguồn thu lớn cho cộng đồng và góp phần tích cực trong việc giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong, ngoài tỉnh. Đặc biệt, Tuần Giáo là huyện cửa ngõ phía nam của tỉnh, rất nhiều đoàn khách du lịch dừng chân ở Tuần Giáo trước khi vào T.P Điện Biên Phủ. Điều đó có nghĩa nếu địa bàn Tuần Giáo làm tốt công tác bảo tồn, biểu diễn, giới thiệu các sản phẩm văn hóa, cũng có nghĩa sẽ tạo cho khách một tâm lý tốt ban đầu, trong hành trình du lịch Điện Biên…

Nguồn: Báo ĐBP

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT