Hoạt động của ngành

Sơn La: Phát huy tiềm năng du lịch sinh thái Mộc Châu

Cập nhật: 26/08/2011 07:58:08
Số lần đọc: 2321
Là cửa ngõ của Tây Bắc trên quốc lộ 6 nối Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc Bộ, Mộc Châu (Sơn La) hội tụ đủ những điều kiện để trở thành một điểm đến du lịch sinh thái của vùng núi cao và trung du Bắc Bộ. Tuy vậy, tiềm năng du lịch của vùng thảo nguyên xanh mới chỉ đang hé lộ và khai thác bước đầu, rất cần sự đầu tư và quan tâm quảng bá với du khách.

Về những điều kiện tự nhiên, Mộc Châu rất lý tưởng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng bởi khí hậu nơi đây tương tự với các khu nghỉ mát nổi tiếng như Sa Pa, Ðà Lạt. Với độ cao trung bình hơn 1.000 m, nằm giữa sông Ðà ở phía đông bắc và sông Mã ở phía tây nam, Mộc Châu có khí hậu thoáng mát trong khoảng nhiệt độ trung bình 18,50C hằng năm. Bên cạnh đó, sự đa dạng về bản sắc văn hóa dân tộc là điều kiện thuận lợi để khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, có giá trị cao. Từ lâu nay, nơi đây đã từng đi vào văn thơ với hình ảnh đồng cỏ xanh mướt mát và những đàn bò sữa đủng đỉnh mỗi sáng sớm mai trong truyện ngắn "Cỏ non" của nhà văn Hồ Phương. Ðó còn là khung cảnh cao nguyên hùng vĩ, vừa nên thơ, say đắm lòng người bên những đồi chè ngút ngàn tầm mắt, những vườn mận hoa trắng, những ngọn núi bốn mùa mây phủ và các bản làng ẩn hiện trong sương sớm cùng những thửa ruộng bậc thang nối nhau trên triền đồi. Ðến Mộc Châu, du khách còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của động Sơn Mộc Hương cạnh trung tâm huyện lỵ với các nhũ đá tuyệt đẹp, huyền bí. Chếch sang một chút gần thị trấn là rừng thông Bản Áng thuộc xã Ðông Sang, rồi thác Dải Yếm ở xã Mường Sang cao 100 m và các danh thắng như núi Pha Luông, sông Ðà, khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha cùng các hệ thống suối nước khoáng: Phụ Mẫu, Bản Bó, Hua Păng. Hiện tại, trên địa bàn huyện vẫn lưu giữ nhiều di tích như: đồn Mộc Ly, bia lưu niệm Ðoàn 83 quân tình nguyện Việt Nam tại Lào thuộc xã Ðông Sang, di tích Bác Hồ nói chuyện với nhân dân Mộc Châu tại tiểu khu 13 của thị trấn, di tích lịch sử Ðoàn 52 Tây Tiến đánh thực dân Pháp, di tích chùa Vạt Hồng, đền Hang Miếng và các di chỉ khảo cổ ven sông Ðà đang tiếp tục được nghiên cứu, khai quật... Một lợi thế nổi bật khác là Mộc Châu khá gần Thủ đô, nếu được quan tâm đầu tư, nơi đây có thể trở thành một trung tâm du lịch mang vai trò động lực, thúc đẩy sự phát triển của du lịch vùng Tây Bắc.

 

Tuy có nhiều tiềm năng nhưng du lịch Mộc Châu mới chỉ được khai thác bước đầu. Những đầu tư, xúc tiến quảng bá chưa thật sự được quan tâm đúng mức, do đó các tua du lịch chưa được hình thành và hoạt động chưa chuyên nghiệp. Các tua du lịch đi Mộc Châu đều chỉ đáp ứng được nhu cầu điểm đến. Các danh thắng hầu như chưa có sự đầu tư tôn tạo, sửa chữa sân bãi. Ðơn cử như cây cầu bắc qua con kênh dẫn đến thác Dải Yếm cũng do hộ dân tự đầu tư xây dựng. Việc dẫn khách tham quan các địa danh chưa được tổ chức, sắp xếp mà tự phát do một số người dân bản địa kết hợp hoặc thuê mướn nhân viên khách sạn không chuyên. Sự đầu tư cho dịch vụ du lịch cũng cầm chừng. Hiện, trên địa bàn thị trấn mới có hai khách sạn và chưa có một điểm mua bán hàng hóa, sản phẩm phục vụ khách du lịch nào. Nhiều người cho rằng, sở dĩ du lịch Mộc Châu chưa bứt phá được cũng là do nhu cầu du lịch của khách đến địa danh này còn ít. Cứ tổ chức các tua, đoàn đến địa phương thì sẽ nảy sinh phát triển dịch vụ. Tuy nhiên cũng có ý kiến trái chiều, cho rằng cần có định hướng cụ thể phát triển du lịch vùng trước khi đưa vào khai thác dịch vụ tua. Nếu ít kinh phí thì đặt ra kế hoạch phát triển du lịch theo từng giai đoạn mang tính trọng điểm, tận dụng những lợi thế sẵn có về điểm đến để xây dựng những tua đặc trưng riêng của vùng núi Tây Bắc. Ai đi du lịch cũng muốn mua những sản phẩm đặc trưng vùng về làm quà, làm kỷ niệm, tuy nhiên khách du lịch đến Mộc Châu rất khó mua những sản phẩm ưng ý dù nhiều sản phẩm trong số này rất phổ biến, nổi tiếng với người dân cả nước. Thêm vào đó, hoa ban và hoa đào vốn được xem như đặc trưng của vùng rừng núi Tây Bắc cũng cần được quy hoạch tránh sự tàn phá, khai thác tự phát, làm mất đi một nét đẹp tự nhiên đặc trưng của vùng miền.

 

Mộc Châu hôm nay đang chuẩn bị bước vào chương trình du lịch "Qua miền Tây Bắc 2011". Hy vọng những  tiềm năng nơi đây sẽ được quan tâm phát huy, khai thác để sớm hình thành các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm. Cùng với định hướng đầu tư phát triển ngành công nghiệp không khói của cả nước, các nhà quản lý du lịch tỉnh nên chăng có một kế hoạch tổng thể về đầu tư, xúc tiến quảng bá, liên kết bắt tay với các công ty lữ hành để có thể cung cấp các tua hiệu quả cho du khách, đánh thức tiềm năng của địa phương.

Nguồn: Báo Nhân dân

Cùng chuyên mục