Hoạt động của ngành

Phát triển nghề dệt thổ cẩm ở huyện miền núi Kỳ Sơn - Nghệ An

Cập nhật: 25/08/2011 16:38:20
Số lần đọc: 2555
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống vốn có từ lâu đời trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Kỳ Sơn nói riêng và các huyện miền núi phía tây Nghệ An nói chung. Sản phẩm dệt thổ cẩm được sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống, mang đậm nét văn hóa của đồng bào thiểu số. Ðiều đáng quý là việc duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống được lãnh đạo xã, huyện rất quan tâm, coi trọng và xem đây như một việc làm không chỉ đơn thuần góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống cư dân bản địa, mà còn là một cách giải quyết việc làm, tăng thu nhập và góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào trong những lúc nông nhàn.
Để khôi phục và phát triển ngành nghề truyền thống, các cấp, các ngành và nhiều cá nhân tâm huyết với nghề đã đầu tư nhiều công sức để khôi phục và phát triển. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của dự án Lúcxămbua, Liên minh HTX Nghệ An đã phối hợp với UBND huyện Kỳ Sơn và các xã có tiềm năng phát triển nghề dệt thổ cẩm như: Xã Hữu Lập, Phà Đánh... tổ chức hàng chục lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ, giúp chị em ngoài việc đi nương làm rẫy, có thêm nghề phụ cho thu nhập đáng kể, góp phần nâng cao đời sống cho gia đình. Các lớp dạy nghề không chỉ dành riêng cho chị em đã có gia đình, mà còn thu hút đông đảo lớp trẻ có tay nghề cao tham gia trong việc dạy truyền nghề, phát triển nghề truyền thống cho các thế hệ sau.

Nhờ đó, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc ở huyện miền núi Kỳ Sơn đang được khơi dậy và phát triển. Toàn huyện hiện có 19 làng nghề với trên 600 lao động tham gia nghề, nhiều làng có nghề đang được khôi phục và phát triển như: Làng Xốp Thập, làng Nản Na (xã Hữu Lập); làng Phiêng Pô (xã Phà Đánh); làng Cầu Tám (xã Tà Cạ); làng Noọng Dẻ (xã Nậm Cắn). Trong đó, có 2 làng nghề dệt thổ cẩm: Noọng Dẻ và Bản Na đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận làng nghề năm 2010. Làng nghề dệt thổ cẩm Noọng Dẻ có 96 hộ, trong đó có 47 hộ, với 79 người làm nghề, thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/năm; làng nghề dệt thổ cẩm Bản Na có 108 hộ, trong đó có 90 hộ làm nghề, với 114 lao động làm nghề, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/năm. Tuy thu nhập từ nghề chưa cao, nhưng đã phần nào giải quyết việc làm cho bà con các dân tộc và khôi phục, bảo tồn được nghề truyền thống.

Để tiếp tục duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm tại huyện miền núi Kỳ Sơn nói riêng và các huyện miền núi phía tây Nghệ An nói chung, bên cạnh sự tích cực tham gia của người dân, của các cá nhân, tổ chức tâm huyết với nghề, tỉnh Nghệ An chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần khôi phục, bảo tồn và phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó chú trọng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, coi đây là trách nhiệm, nghĩa vụ của các thế hệ con cháu; đồng thời có chính sách đồng bộ về đào tạo nghề, vốn đủ mạnh để động viên hỗ trợ bà con; năng động mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua ký gửi, trưng bày tại các khách sạn, đại lý, các kỳ hội chợ triển lãm ở các thành phố, các điểm du lịch...
Nguồn: Báo Tin Tức - TTXVN

Cùng chuyên mục