Du lịch Long An - Tiềm năng và kỳ vọng
Chú trọng đầu tư phát triển du lịch, thu hút nhiều nhà đầu tư tiềm năng vào lĩnh vực du lịch, ngành kinh tế du lịch của Long An đang kỳ vọng vào sự tăng trưởng vượt bậc trong tương lai không xa.
Long An nằm trong vùng ĐBSCL, giáp ranh TP.HCM, Tây Ninh, Tiền Giang, Đồng Tháp, và trong quy hoạch phát triển du lịch của Việt Nam, Long An được xác định là một trong những địa điểm du lịch sinh thái quan trọng của vùng du lịch phía Nam.Không chỉ được thiên nhiên ưu ái ban tặng hai con sông Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông mang phù sa bồi đắp cho những vườn trái cây trĩu quả quanh năm, Long An còn có những cánh đồng lúa bạt ngàn, hệ sinh thái động thực vật đa dạng, tất cả tạo nên một bức tranh làng quê Long An yên bình, mát dịu và trù phú.
Long An hấp dẫn khách du lịch còn do giá trị nhân văn của nền văn hoá Óc Eo, một nền văn hoá đã hình thành và phát triển tại vùng châu thổ sông Cửu Long từ thế kỷ I đến thế kỷ VI sau Công nguyên. Gần 20 di tích tiền sử và gần 100 di tích văn hoá Óc Eo đã được phát hiện với 12.000 hiện vật đã thu thập.Long An hiện có 90 di tích được xếp hạng, trong đó có 17 di tích quốc gia và 73 di tích cấp tỉnh. Một số di tích tiêu biểu có thể kể đến như: Di tích kiến trúc cổ Bình Tả, An Sơn (Đức Hòa), Cổ Sơn Tự, Gò Ô Chùa (Vĩnh Hưng); di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Trăm Cột, chùa Tôn Thạnh, chùa Phước Lâm, lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức; di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo, miếu Ông Bần Quỳ; khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh, di tích Đám lá tối trời, rừng tràm Bà Vụ…
Ngoài ra, Long An cũng có nhiều nguồn tài nguyên như Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển dược liệu ở Đồng Tháp Mười, khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, rừng tràm Tân Lập… với hệ động thực vật đa dạng. Đây là các điểm du lịch, nghiên cứu hấp dẫn du khách kết nối các chương trình du lịch tới vùng Đồng Tháp Mười trong mùa nước lũ về. Long An cũng có một số làng nghề truyền thống như làng dệt chiếu, làng nấu rượu Gò Đen, làng làm trống Bình An, làng đóng ghe mũi đỏ (Cần Đước)… - những điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Nhắc đến Long An không thể không nhắc đến những món ăn đặc sản như canh chua cá chốt, cá lóc nướng trui, lẩu mắm, gạo Nàng thơm chợ Đào, rượu đế Gò Đen, thơm Bến Lức, dưa hấu Long Trì, đậu phộng Đức Hòa, mía Thủ Thừa, thanh long Châu Thành… Mỗi đặc sản đều mang đậm phong cách của vùng đất và con người địa phương nên cũng là một yếu tố hấp dẫn khách du lịch.
Từ nhiều năm nay, các ngành chức năng và doanh nghiệp kinh doanh lữ hành Long An luôn quan tâm, thường xuyên quảng bá thông tin, hình ảnh hoạt động du lịch trên báo, đài, cung cấp trên trang web tỉnh thông tin về các tour mới, sản phẩm mới theo mùa vụ, giới thiệu nhiều chương trình giảm giá tour cho từng mùa vụ nhằm kích cầu đối với khách du lịch.
Bên cạnh đó, liên kết vùng cũng là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với du lịch Long An nhằm tạo ra sản phẩm du lịch phong phú. Vì thế, Long An đã hợp tác phát triển du lịch với TP.HCM giai đoạn 2006-2010 và chuẩn bị ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 2011-2016. Long An cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… nhằm phát huy tiềm năng về du lịch của các địa phương, tạo tiền đề cho sự hợp tác trong giai đoạn tới trên các lĩnh vực kinh nghiệm quản lý, quy hoạch, kêu gọi đầu tư, xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực… Ngoài ra, ngành còn thường xuyên cung cấp thông tin về các điểm du lịch, chương trình tour đến các doanh nghiệp, liên kết phối hợp xây dựng các sản phẩm du lịch, các tour du lịch kết nối với các tuyến, điểm du lịch giữa TP.HCM, Long An và các tỉnh lân cận.
Việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch chính là một yếu tố quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành du lịch, nên tạo ra sự đa dạng về sản phẩm du lịch đang là vấn đề bức xúc đối với tỉnh. Ngoài việc kết hợp với các tỉnh bạn, Long An cũng chú ý cả khả năng kết hợp với nước ngoài như nước bạn Campuchia nhằm tạo thêm sản phẩm du lịch cho tỉnh nhà. Tuy nhiên, do hạ tầng giao thông Long An chưa đáp ứng tốt nhu cầu phát triển du lịch nên khả năng này chưa được khai thác hiệu quả. Hy vọng giai đoạn tới, cùng với việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đầu tư tôn tạo di tích lịch sử văn hóa và các điểm du lịch, khu du lịch…, hoạt động du lịch tại Long An sẽ tăng tốc. Long An cũng đang kêu gọi đầu tư vào các dự án du lịch lớn, xây dựng các khu du lịch, khu vui chơi giải trí như Khu sinh thái du lịch Làng nổi Tân Lập, Khu dịch vụ giải trí Hồ Khánh Hậu, Khu phức hợp giải trí Khang Thông (Happyland)… Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ phát triển làng nghề kết hợp các tour du lịch để giới thiệu tinh hoa văn hóa của Long An với du khách và bạn bè quốc tế./.
Nguồn: VEN