Hoạt động của ngành

Thừa Thiên Huế: A Lưới tập trung đầu tư phát triển du lịch

Cập nhật: 20/09/2011 16:09:28
Số lần đọc: 2119
Với tiềm năng và lợi thế của vùng đất giàu truyền thống bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em Pa Cô – Tà Ôi – Ka Tu – Pa Hy – Vân Kiều và Kinh; có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua, có cửa khẩu sang tỉnh Salavan và tỉnh Sê Kông, nước bạn Lào và nhiều địa điểm du lịch cách mạng, sinh thái hấp dẫn. Đây là điều kiện thuận lợi để A Lưới tập trung đầu tư phát triển du lịch.
 
Tiềm năng và thế mạnh

Hiếm có địa phương miền núi nào như A Lưới có được một tiềm năng và thế mạnh rất lớn về phát triển các loại hình du lịch, từ du lịch sinh thái, du lịch ẩm thực, du lịch văn hoá tộc người… đến du lịch các điểm văn hoá cách mạng. Điều đáng ghi nhận, mỗi một loại hình du lịch nơi đây đều có những thế mạnh và nét đặc trưng riêng của nó.

Về du lịch sinh thái, có nhiều điểm hấp dẫn như chuỗi thác liên hoàn A Nôr (xã Hồng Kim), thác Pông Chất, hang động Kềnh Crâm (xã A Roàng), suối nước nóng Tôm Trung, rừng nguyên sinh với đa dạng sinh học chạy dọc hai bên đường Hồ Chí Minh hùng vĩ. Đối với du lịch di tích lịch sử cách mạng thì có nhiều địa điểm nổi tiếng gắn liền với 02 cuộc chiến tranh vỹ đại chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc như cụm địa đạo Động So, địa đạo Lam Sơn, đồi ABia (còn gọi là đồi Thịt Băm – Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia), động Tiên Công, địa đạo Puúc, địa đạo AĐoon, địa đạo ABó, địa đạo Tà Lương, địa đạo Cốp, sân bay ASo, sân bay ALưới, sân bay ACo… Còn đến với du lịch cộng đồng, không một ai có thể bỏ qua cơ hội tìm hiểu hệ thống các nhà ở truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, như nhà Moong (nhà sàn dài) của người Pa Cô, nhà Rông của người Tà Ôi, nhà Gươl của người Ka Tu vì những ngôi nhà này chính là linh hồn của làng, bản, tộc người bởi ở đó thường xuyên diễn ra các hoạt động mang tính cộng động như hội họp, cúng bái, tiếp khách… hay đến xem các ngành truyền thống dệt Zèng, rèn…; những lễ hội của các dân tộc như Lễ A riêu caar, Lễ A riêu Ada (Lễ mừng lúa mới), Lễ A Riêu Piing (lễ giỗ tổ tiên, quy tập mồ mã), Lễ hội cầu mùa (A riêu tạ ơn trời đất, thần linh đã phù hộ giúp đỡ)... và thưởng thức những món ăn đặc sản đa dạng, phong phú của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.

Tập trung nguồn lực để đầu tư

Nhận thức tầm quan trọng của việc phát triển du lịch chính là động lực thúc đẩy phát triển nhanh và mạnh các ngành dịch vụ, nghề truyền thống, tạo nhiều việc làm cho người dân nhằm thực hiện có hiệu quả công cuộc xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Với tiềm năng và thế mạnh sẵn có của địa phương về phát triển du lịch, đặc biệt sau khi A Lưới được xác định là cụm du lịch thứ ba của của tỉnh được đưa vào danh mục dự án đầu tư phát triển du lịch với tổng số vốn 25 triệu USD (thực hiện đến năm 2020), thì huyện A Lưới đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển du lịch; khuyến khích người dân tham gia phát triển các loại hình dịch vụ;… đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội từng bước ổn định và vươn lên thoát nghèo cho địa phương.

Để phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, huyện đã tranh thủ nguồn lực để đầu tư, tôn tạo đồi ABia (còn gọi là đồi Thịt Băm – Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia) với kinh phí gần 3 tỷ đồng; đầu tư kinh phí mở rộng hệ thống đường sá vào các điểm du lịch sinh thái. Đến nay, điểm du lịch A Nôr (bản Việt Tiến, xã Hồng Kim) rất hấp dẫn du khách do nơi đây đã có cơ sở hạ tầng khá đàng hoàng, người dân địa phương cũng đã biết cách làm du lịch. Người dân có thể dẫn khách thăm thác, thăm rừng, đêm đến lại dành những gian phòng rộng đón khách nghỉ qua đêm. Ngoài ra, người dân nơi đây còn biết tổ chức các sinh hoạt về đêm làm vui lòng du khách như thổi khèn, ca múa bên suối, sinh hoạt cộng đồng cùng với du khách tại Nhà sàn, hướng dẫn du khách làm các món ăn đặc sản của đồng bào. Cùng với người dân ở bản Việt Tiến, người dân bản A Hưa (xã Hồng Thái) cũng đã biết làm du lịch. Ở đây, người dân đã khôi phục tốt nghề truyền thống dệt Zèng và làm ra sản phẩm bán cho du khách với giá khá cao từ 400.000- 1.200.000 đồng/chiếc; phục vụ các món ăn truyền thống như thịt trâu xông khói, rượu đoác, xôi nếp, gà nướng trong ống lồ ô, cháo thập cẩm Ấrrong, món trộn Pârruk, bánh sừng (aquat)...

Bên cạnh đó, huyện còn khuyến khích người dân phát triển các dịch vụ lưu trú, nhà hàng. Đến nay, toàn huyện đã có hơn 10 khách sạn, hàng chục nhà hàng; trong đó có nhiều khách sạn, nhà hàng đạt tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ tốt như như Đô Thành, Aliha… Đây là điều kiện thuận lợi để giúp du khách có chỗ ăn nghỉ đàng hoàng, chu đáo sau những ngày rong ruỗi thăm thú đây đó ở A Lưới.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: “Hiện nay, du khách vẫn đang còn khiêm tốn, ước đạt khoảng 500 khách mỗi năm. Tuy nhiên, đây chỉ là mới bước đầu. Trong thời gian đến, khi mà tuyến đường từ Huế lên A Lưới được đầu tư mở rộng, hoàn thành tuyến đường Nam Đông – A Lưới (hiện đã được khởi công), các cửa khẩu hoạt động nhộn nhịp. Đặc biệt, huyện hoàn thiện công tác quy hoạch chi tiết các điểm du lịch trên địa bàn, hướng đến sự phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp phát huy các nét văn hoá độc đáo của đồng bào dân tộc; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thông tin, tuyên truyền quảng bá các tour, tuyến và sản phẩm du lịch; tập huấn chuyên sâu cho người dân trong việc đầu tư khai thác các dịch vụ như lưu trú nhà sàn, dịch vụ ẩm thực, cung cấp các sản phẩm truyền thống của địa phương... thì du lịch A Lưới sẽ phát triển mạnh mẽ hơn”.
Nguồn: Thừa Thiên Huế

Cùng chuyên mục